Bóng đá có cái hay là vai trò của ông HLV luôn nổi bật. Ông này sắp ai, vào vị trí nào, ai dự bị, ai đá chính, đến lúc nào thì rút ai ra, khi nào thì bổ sung vào. Về nguyên lý thì ông nào cũng đã từng học qua lý thuyết như vậy nhưng áp dụng thế nào thì tùy trình độ và khả năng của mỗi HLV.
Đôi khi có những trận đấu mà xem xong, mỗi người hâm mộ chỉ biết “nuốt cục tức” vào họng: “Làm trận đấu thế này thì mẹ vợ tôi cũng làm HLV được, việc gì phải trả cho ông thầy mấy chục ngàn USD/tháng để rồi cả đội bóng như một đống bầy hầy”.
Nhưng đa số chúng ta biết rằng, có những người sinh ra để làm HLV, để làm nhà tổ chức một trận đấu. Thông thường, người ta đánh giá mỗi HLV qua một vài trận đấu chứ không chắc là cả một quá trình.
Lại nhắc đến câu chuyện HLV Miura, hôm rồi có thông tin từ đội tuyển đưa ra (không biết chính xác được bao nhiêu %) là thay vì đá theo ông Miura thì các cầu thủ…tự đá theo cách của mình. Nghĩa là loạn cào cào. Thế mà lại được, ít ra là trận đấu xem được, lối chơi hay nhất trong cả mấy trận vòng loại.
Câu hỏi đặt ra là vậy thì từ nay bóng đá Việt Nam có cần HLV? Hay là cứ để cầu thủ tự tập hợp, tự thi đấu theo chiến thuật loạn cào cào?
Không thể được, cái kiểu đá theo ý mình mà cả đội tuyển nữ lẫn U.23 đã thực hiện với những ông HLV của mình là điều cần phải lên án. Bóng đá- dù gì cũng là một nhóm người có tổ chức, kiểu “loạn cào cào” chỉ hay trong một vài thời điểm, về lâu dài vẫn phải có định hướng và chiến thuật rõ ràng.
Bóng đá Việt khoảng 15 năm trước có chuyện phe phái, mất đoàn kết nội bộ đến nỗi tiền vệ Vũ Minh Hiếu khi tiết lộ với báo giới về chuyện nội bộ đội tuyển đã bị A.Riedl đuổi thẳng thừng.
Công bằng mà nói, các đội tuyển Việt Nam lâu nay không rơi vào tình trạng “kìm chân nhau” trong chính nội bộ mà chuyện này lại đẩy lên ở mức cao hơn. Đó là bộ máy tổ chức cao nhất của bóng đá Việt Nam: VFF.
Người ta không thấy “chiến thuật” của VFF, thường trực VFF có 5 người, có thể gọi là bộ máy quyền lực của bóng đá nước nhà. Ấy thế mà xem ra có hiện tượng chia cắt, phe nhóm. Chủ tịch Hùng Dũng thì thân với PCT thường trực Trần Quốc Tuấn thế nào thì ai cũng rõ. Ông Đoàn Nguyên Đức lo công việc kinh doanh, lo cổ phiếu HA.GL rơi chạm đáy hơn là việc kiếm tiền cho VFF, còn ông phụ trách truyền thông thì cứ như bị cô lập ngay sau Đại hội.
Ai làm gì, giữ chức vụ nào không quan trọng bằng việc họ mang lại được những điều tốt đẹp gì cho bóng đá. Chứ cứ mải mê đấu đá thế này, lại học các cháu U.23 điều hành bóng đá kiểu “loạn cào cào” thì NHM còn biết trông vào ai?