Được biết đến là người đam mê bóng đá, khát khao đưa bóng đá Myanmar vươn lên tầm châu lục và thế giới, Chủ tịch LĐBĐ Myanmar, tỷ phú Zaw Zaw đã dành cho Webthethao.vn một buổi phỏng vấn. Và ông đã chia sẻ những điều thú vị về chiến lược phát triển bóng đá Myanmar.
Webthethao.vn: Năm 2012, LĐBĐ Myanmar đã ký thỏa thuận hợp tác với LĐBĐ Nhật bản, và ông từng chia sẻ đây là đối tác sẽ giúp phát triển bóng đá Myanmar, giúp những người làm bóng đá Myanmar học hỏi cải thiện hệ thống quản lý, điều hành và tìm nhà tài trợ. Vậy kể từ cái bắt tay đó, ông học được gì từ bóng đá Nhật Bản?
Ông Zaw Zaw: Tôi từng có 21 năm sinh sống ở Nhật Bản. Riêng về bóng đá, tôi bắt đầu học hỏi cách làm bóng đá của người Nhật khoảng hơn một thập kỷ trở lại đây. Thực tế, tôi có rất nhiều mối quan hệ trong làng thể thao. Nhiều người bạn của tôi đang làm việc trong các Liên đoàn thành viên, LĐBĐ Thế giới (FIFA) và dĩ nhiên cả Nhật Bản.
Tuy nhiên không chỉ Nhật Bản, tất cả các nền bóng đá trên thế giới đều có những điều hay để tôi học hỏi và áp dụng vào phát triển bóng đá Myanmar.
- Những năm gần đây, Myanmar tham gia khá nhiều các giải đấu quốc tế các cấp độ, từ U18 đến AFF Cup?
Nếu bạn đá bóng giỏi, bạn cần được thi đấu chứ không chỉ dừng ở sân tập. Nhiều người cho rằng tấm vé tham dự U20 World Cup (2015 tại New Zealand) của Myanmar là sự kiện mang tính lịch sử. Tuy nhiên các bạn cần biết, chiến tích đó không chỉ hoàn toàn nhờ may mắn mà chúng tôi đã phải lên kế hoạch trong vòng 10 năm.
Bên cạnh đó, các giải đấu tại Đông Nam Á cũng cần có một quốc gia đăng cai. Chúng tôi đã nắm bắt cơ hội này, đưa AFF Cup về như một dịp cho các cầu thủ được cọ xát và tích lũy kinh nghiệm thi đấu.
- Hai năm trước U19 Myanmar từng giành vé tham dự U20 World Cup. LĐBĐ Myanmar có kế hoạch giúp lứa cầu thủ này phát triển và trở thành thế hệ mới của ĐTQG?
Phần lớn các cầu thủ trẻ của chúng tôi đều được đào tạo bài bản trong các Học viện bóng đá tại châu Âu. Họ sẽ sinh sống và tập luyện luôn ở đó. Tất nhiên, không dễ dàng thích nghi môi trường bóng đá phát triển trong thời gian đầu. Nhưng với sự khổ luyện, các cầu thủ trẻ đã trưởng thành, và tấm vé tham dự U20 World Cup chính là minh chứng rõ nhất cho điều này.
- Là một trong 2 quốc gia đăng cai vòng bảng AFF Cup năm nay, LĐBĐ Myanmar có đặt mục tiêu lọt vào bán kết hay chung kết cho ĐTQG?
Điều quan trọng nhất đối với chúng tôi bây giờ là phải vượt qua vòng bảng. Chúng tôi cần nỗ lực hết mình ở mỗi trận đấu. Nếu bạn muốn trở thành đội bóng hay nhất, HLV giỏi nhất, bạn phải chứng minh mình xứng đáng với điều đó.
- Myanmar đang rất chú trọng đến chiến lược đào tạo trẻ. Số tiền LĐBĐ Myanmar đầu tư cho một cầu thủ trẻ trong một năm có lẽ không phải con số ít?
Chúng tôi muốn các cầu thủ Myanmar không chỉ phát triển trong lãnh thổ quốc gia, mà phải vươn tới những giải đấu hàng đầu thế giới. Ở đấy, bóng đá được trình diễn ở đẳng cấp cao nhất. Không chỉ các cầu thủ Myanmar, tôi hy vọng tất cả các cầu thủ trong khu vực Đông Nam Á đều đủ tầm vươn ra biển lớn.
- Vài năm trở lại đây, các học viện đào tạo trẻ đang được mở rộng tại Myanmar. Số lượng hiện tại là bao nhiêu?
Hai học viện, 1 trường học bóng đá, 5 trung tâm huấn luyện. Nói chung chúng tôi đang có khoảng từ 8 đến 9 học viện và trung tâm huấn luyện. Chúng tôi mời rất nhiều HLV nước ngoài có chất lượng chuyên môn cao về giảng dạy.
- Trong khu vực, Thái Lan được coi là "ông kẹ". Việt Nam thường lấy bóng đá Thái Lan làm mốc để đặt mục tiêu. Ông tin ngày nào đó Myanmar sẽ bắt kịp và vượt qua bóng đá Thái Lan?
Tôi rất tự tin. Trình độ bóng đá khu vực Đông Nam Á sẽ ngang ngửa với các cường quốc bóng đá châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc. Myanmar đã giành vé tham dự U20 World Cup và đó là minh chứng rõ nhất cho niềm tin của tôi. Kế hoạch của chúng tôi không chỉ dừng lại ở Đông Nam Á. Tuy nhiên để tham vọng này được hiện thực hóa, kế hoạch 5 năm chắc chắn không đủ, mà ít nhất 10 năm.
Hơn thế nữa, để sở hữu một đội tuyển có chất lượng chuyên môn cao, bạn cần phải có một giải đấu chất lượng, cầu thủ chất lượng, HLV chất lượng. Khi giải đấu hay hơn, hấp dẫn hơn, các cầu thủ sẽ được cạnh tranh ở môi trường chuyên nghiệp hơn. Đồng thời, đối với các cầu thủ có tiềm năng, chúng tôi sẽ đưa họ sang các quốc gia có nền bóng đá phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc hay châu Âu để tôi luyện.
- Những giải đấu tại Việt Nam rất khó khăn trong việc tìm kiếm tài trợ. Myanamr thì sao?
Trong bối cảnh kinh tế hiện tại, thật khó tìm kiếm nhà tài trợ có tiềm lực thực sự lớn và như mình mong đợi. Chúng tôi cũng không khác gì. Tất cả những gì chúng tôi là cố gắng tìm kiếm được những Mạnh thường quân tốt nhất.
- Quan điểm của ông về sự phát triển bóng đá của Myanmar với Việt Nam?
Tôi rất ấn tượng với nền bóng đá Việt Nam. Các bạn đang có một giải đấu chất lượng. Với tôi, một nền bóng đá chất lượng là khi bạn không bao giờ hài lòng trong cả thời điểm vỡ òa vì thành công cũng như thất bại.
- Giá vé xem các trận bóng đá tại Myanmar so với mặt bằng chung không phải quá đắt?
Chúng tôi luôn cân nhắc rất kỹ trước khi đưa ra mọi quyết định. Nếu ấn định giá vé quá cao, người dân có thể sẽ không đến sân. Vì vậy chúng tôi luôn đưa ra mức giá phải chăng để phục vụ người hâm mộ.
Thêm vào đó, an ninh là vấn đề được chúng tôi rất coi trọng. Lực lượng an ninh luôn được bố trí với mật độ cao nhằm đảm bảo tối đa sự an toàn cho trận đấu.
- Ông đánh giá thế nào về ĐT Việt Nam?
Các bạn sở hữu những cầu thủ chất lượng, tuy nhiên dường như thành tích các bạn gặt hái được lại chưa tương xứng.
- Gerd Zeise, HLV hiện tại của ĐT Myanmar đến từ Đức, một trong những nền bóng đá phát triển nhất thế giới?
Ông ấy là một HLV tuyệt vời. Ông ấy đã đưa Myanmar đến với World Cup (U20 World Cup - PV). Hầu hết những tuyển thủ hiện tại của ĐT chúng tôi đều đã gắn bó với Gerd Zeise trong khoảng thời gian dài, khoảng 2 đến 3 năm.
- Ông tin HLV Gerd Zeise sẽ giúp Myanmar gặt hái kết quả tốt tại AFF Cup 2016?
Tất nhiên. Đấy không chỉ là kỳ vọng của tôi, mà của tất cả người dân Myanmar.
- Cảm ơn ông!