Những chuyện khó tin nhưng có thật
Nói về cách tuyển quân của bóng đá nữ Sơn La, chính HLV trưởng Lường Văn Chuyên cũng thừa nhận rằng ông đã phải có những “tuyệt chiêu” riêng cho cá nhân mình để cố gắng thuyết phục thậm chí là…dụ dỗ các em vào đội bóng. Theo đó, bóng đá nữ Sơn La khoảng 1 năm trở lại đây đã có những cơ chế như việc tạo điều kiện cho tất cả cầu thủ nữ cống hiến cho đội được đi học nghề miễn phí, nhưng là nghề…không liên quan gì đến bóng đá. Sau đó bằng những quan hệ cá nhân của mình, anh Chuyên sẽ cố gắng sắp xếp công việc cho các em.
“Tôi phải thú thật là các em học trò của tôi đều đang ở độ tuổi rất trẻ, ban huấn luyện cũng rất hiểu hoàn cảnh của các em không dễ để duy trì sự nghiệp lâu dài bởi đa phần đều được sinh ra ở những vùng núi khó khăn, rất nhiều em là đồng bào dân tộc thiểu số. Năm nay tôi phải mượn thêm 7-8 em ở các đội bóng khác, chứ đội chỉ có đúng 10 cầu thủ là chính gốc do chúng tôi gây dựng và tuyển chọn, các em khác nghỉ đi lấy chồng và làm công nhân rồi”, HLV Lường Văn Chuyên chua chát.
Cũng chỉ mới đây thôi, đội trưởng cũ của Sơn La là Cẩm Thị Hằng cũng đã nói lời chia tay với sự nghiệp của mình dù mới chỉ 23 tuổi. Cẩm Thị Hằng cũng chẳng ngại ngần bộc bạch, cô là cầu thủ nhận lương cao nhất đội, nhưng so với việc đi làm cho các nhà máy, xí nghiệp thì lương mới chỉ được một nửa, tức là rơi vào khoảng 3.5 – 4 triệu đồng. Số tiền này hoàn toàn không đủ cho các cầu thủ nữ có thể phụ giúp gia đình.
Nhưng đó chưa phải là nỗi sợ lớn nhất của HLV Lường Văn Chuyên, anh Chuyên là người dân tộc nên cũng thừa hiểu phong tục tập quán của người dân tộc thường kết hôn ở độ tuổi sớm hơn so với bình thường. Anh Chuyên thừa nhận rằng việc cầu thủ đi lấy chồng là nỗi ám ảnh trong những năm làm bóng đá của anh.
Tiêu biểu như câu chuyện của thủ môn Lò Thị Thu, trước đây cô gái dân tộc Thái này từng được kì vọng sẽ là người gác đền trụ cột cho Sơn La. Nhưng khi đang dần thể hiện sự tiến bộ thì bố mẹ của Thu yêu cầu cô gái lập tức trở về bản làng…cưới chồng vì đã lỡ nhận sính lễ của một gia đình khác, vậy là công đào tạo 4-5 năm trời của HLV Lường Văn Chuyên đổ xuống sông xuống biển.
Sơn La và những sự chuyển mình
“Giải này bản thân tôi cũng đỡ lo một chút bởi chế độ ăn uống đã được cải thiện nhiều lắm. Các em bây giờ cũng có bữa ăn ngon hơn, không đến nỗi phải ra siêu thị ăn cơm suất như trước. Bóng đá nữ còn nhiều khó khăn lắm, nhưng mà chúng tôi phải cố gắng hơn nữa thì mới mong vận động được các doanh nghiệp hỗ trợ”, HLV Lường văn Chuyên tâm sự.
Theo tìm hiểu của người viết, ngoài nguồn lực từ sở VH-TT-DL tỉnh Sơn La với chi ngân sách, những nỗ lực của các cầu thủ cũng dần được một số doanh nghiệp ghi nhận bằng những khoản hỗ trợ động viên. Chính nhờ số tiền dù ít ỏi này nhưng điều kiện sinh hoạt của các cầu thủ nữ miền sơn cước cũng đã được cải thiện.
Song song với đó, trung tâm đào tạo VĐV tỉnh Sơn La vẫn đang tiếp tục ươm mầm với hơn 20 tài năng trẻ. Đi kèm với đó, HLV Lường Văn Chuyên đang theo sát các lớp đào tạo của trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VFF để có thể nhận về những cầu thủ nữ khác.
Lò Thị Long là một trường hợp như vậy, Long sinh năm 19 tuổi và phải nói lời chia tay với các đội dự tuyển trẻ nhưng HLV Lường Văn Chuyên lại thấy được tiềm năng ở vị trí thủ môn. Ở giải nữ VĐQG – cúp Thái Sơn Bắc 2019, chính Lò Thị Long là một trong số những vị trí chơi rất tiến bộ với khả năng phản xạ xuất thần. Sau Đinh Thị Duyên, đây chính là hy vọng mới của đội nữ Sơn La.
Không chỉ bóng đá miền sơn cước, khó khăn luôn bủa vây bóng đá nữ nước nhà. Nhưng mọi thứ được dần cải thiện qua từng năm và hãy tin rằng cùng với sự đi lên của xã hội, đời sống bóng đá nữ nước nhà vẫn sẽ có thêm những gam màu hồng xứng đáng với nỗ lực của những cô gái đang chịu nhiều thiệt thòi.