“Việc BĐVN xuống cấp, các giải đấu bị loạn, trách nhiệm này thuộc về VFF chứ không phải của VPF. Bởi VPF chỉ là đơn vị tổ chức các giải đấu chứ không phải là nơi quyết định, định hướng để phát triển nền bóng đá.
Chẳng hạn như việc BĐVN đang tồn tại theo kiểu tháp ngược như hiện giờ. Tôi chẳng thấy có nền bóng đá phát triển, tiên tiến nào làm bóng đá như thế cả.
Nếu không thay đổi mà cứ cái đà như thế này, tôi nghĩ trong tương lai bóng đá mình kiểu gì cũng gãy đổ và để lại hậu quả nặng nề.
Có nhất thiết V.League, hạng Nhất phải đủ 14 đội theo đúng lộ trình đã vạch ra hay không, khi mà chất lượng, điều kiện để trở thành CLB chuyên nghiệp hầu như chưa được đáp ứng? Như trường hợp vừa thăng hạng đã xin rút và đứng trước nguy cơ bóng đá bị xóa sạch Cà Mau vừa rồi, tôi nghĩ, nếu VFF làm vì cái tâm, vì sự phát triển của BĐVN thì sẽ không xảy ra tình trạng đau lòng này.
VFF đi khảo sát và biết thực trạng thiếu thốn, kém cỏi của các địa phương nhưng họ vẫn “nhắm mắt làm ngơ” để làm một cách bất hợp lý, phản khoa học. Bên cạnh sự kém cỏi của những người có trách nhiệm, tôi cho rằng việc này còn nằm ở nguyên nhân khác.
Nói thật, chẳng ở đâu kiếm tiền từ bóng đá và bỏ túi dễ như ở Việt Nam. Cũng không khó hiểu, khi bóng đá ta phần lớn sống bằng ngân sách địa phương, vì sự hứng thú của một hai ông bầu được trúng “quả đậm” nên người ta tha hồ mà “tranh thủ”.
Phải làm bóng đá theo kiểu như HA.Gia Lai hay ĐT.Long An thì mới biết “của đau con xót” là như thế nào.
Tổng cục TDTT vừa có ý định tổ chức một “Hội nghị Diên Hồng” để tìm hướng vực dậy nền bóng đá, điều này tôi cho là rất tốt. Nhưng tôi nghĩ cũng rất khó, bởi vạch ra rồi, nhưng làm như thế nào, ai là người sẽ chỉ đạo, định hướng, trong khi năng lực của VFF quá yếu kém mới là điều quan trọng.
Thật sự, nếu không có sự chung tay của toàn xã hội, trong đó có vai trò của các cơ quan cấp cao hơn như Bộ VH,TT&DL, Chính phủ…, tôi cho rằng để BĐVN thay đổi trong tương lai là điều rất khó”.