Xuất phát điểm thuận lợi của Văn Toàn
Một chuyên gia hàng đầu về marketing chia sẻ: “Các cầu thủ sợ bước ra “vùng an toàn”. Họ rất dễ rơi vào trạng thái bị cô lập, không chỉ về ngôn ngữ mà còn về văn hóa. Chuyện đi phát tờ rơi của Công Phượng ở Nhật Bản hết sức bình thường nhưng ở Việt Nam, hình ảnh này không quen.
Ngoài việc được CLB hỗ trợ, bản thân cầu thủ cần sẵn sàng thử thách, bước ra “vùng an toàn” không chỉ chuyên môn mà còn về văn hóa, giao tiếp cùng nhiều yếu tố khác để nâng tầm bản thân lên”.
Lời chia sẻ đó cô đọng ở hai ý: ngoài chuyên môn, cầu thủ cần sẵn sàng về tâm lý. Đó là hai điều kiện tiên quyết dẫn đến thành bại của một cầu thủ khi xuất ngoại. Trước Văn Toàn, bóng đá Việt Nam chứng kiến nhiều thương vụ ra nước ngoài thi đấu. Và hầu hết trong số đó mang tính thương mại hơn là chuyên môn.
Đặng Văn Lâm là trường hợp hiếm hoi duy nhất tự bản thân bước ra vùng an toàn. Lâm có thuận lợi là giỏi tiếng Anh, từng sống ở Nga và tập luyện ở môi trường chuyên nghiệp từ nhỏ.
Nhưng suy cho cùng, thủ thành này cũng chỉ thành công ở Thái Lan trong màu áo Muang Thong United. Anh thất bại ở Cerezo Osaka và phải trở về nước. Tương tự, Đoàn Văn Hậu, Quang Hải đều "không kèn không trống" rời châu Âu. Công Phượng từng đi Nhật, Hàn Quốc, Bỉ và giờ là Nhật đều thất bại về khía cạnh chuyên môn. Thậm chí Xuân Trường dù có kinh nghiệm đi Hàn Quốc nhưng rồi cũng không để lại ấn tượng ở Thái Lan.
Điểm chung của các thương vụ này là diễn ra một cách chóng vánh, dưới sự hỗ trợ của một vài cá nhân hay là cách quảng bá thương hiệu của CLB ở V.League.
Các CLB hay giải đấu lại quá sức với năng lực chuyên môn của cầu thủ. Điển hình nhất chính là ba trường hợp sang châu Âu của Quang Hải, Đoàn Văn Hậu và Công Phượng.
Rút tỉa những kinh nghiệm đó, Văn Toàn được cho là có lựa chọn khôn ngoan. Anh đến giải hạng Hai Hàn Quốc, một giải đấu được đánh giá không quá chênh lệch so với V.League. Ở thời điểm này, Văn Toàn đã 26 tuổi. Anh thi đấu ở mọi cấp độ giải đấu quốc tế, có thừa sự kinh nghiệm, chín chắn.
Và hơn hết, Văn Toàn có sự hậu thuẫn quá lớn. Anh đặt dưới sự quản lý của DJ Management & Inspired Asian Management. Một công ty quá quen thuộc với người hâm mộ Việt Nam khi cũng là thân chủ của HLV Park Hang Seo.
Đơn vị này thấu hiểu hơn ai hết về chuyên môn, văn hóa cũng như con người để lựa chọn bến đỗ mới cho phù hợp. Ngoài ra, ở Seoul E-Land, Văn Toàn làm việc với HLV Park Choong kyun. Ông từng là thuyền trưởng CLB Hà Nội, phó tướng cho HLV Park Hang Seo nên rất hiểu bóng đá Việt Nam.
Xuất phát điểm của Văn Toàn hết sức thuận lợi và nó hứa hẹn hướng đi thành công thay vì thất bại như các đồng nghiệp trước đó.
“Vết xe đổ” đến chạnh lòng
Trong số các cầu thủ xuất ngoại, Văn Toàn có khởi đầu không thể ấn tượng hơn. Anh ra sân 425 phút, có một đường kiến tạo cho Seoul E-Land. Anh chia sẻ: “Tôi không lo lắng về việc làm quen với nhịp độ thi đấu ở giải vô địch quốc gia Hàn Quốc. Tôi tin các đồng nghiệp ở Việt Nam cũng có thể thi đấu tốt ở đây. Tôi hy vọng họ có thể sang Hàn Quốc thi đấu”.
Điều này mang đến những hứa hẹn về tương lai tươi sáng, rằng Văn Toàn có thể là trụ cột của đội bóng Hàn Quốc.
Thế nhưng, kể từ lần ra sân vào ngày 4/6, đã hơn 3 tháng, Văn Toàn "mất tích”. Anh chưa một lần được điền tên trở lại ở K.League 2. Bất chấp quãng thời gian này, Seoul E-Land thi đấu cực tệ khi trải qua 7 trận liên tiếp không thắng. Trong 7 trận đấu đó, hàng công chỉ ghi vỏn vẹn 6 bàn.
Mới đây, CLB của Hàn Quốc thông báo, Văn Toàn sẽ trở lại V.League để khoác áo CLB Nam Định vào mùa giải 2023/2024. Trước đây, Văn Hậu hay Quang Hải cũng thất bại và họ trở về V.League để cứu cánh cho tương lai, sau quãng thời gian dài thử thách bản thân thất bại.
Câu chuyện của Văn Toàn càng cho thấy về vấn đề xuất ngoại của các cầu thủ Việt. Đến nay, chỉ có Đặng Văn Lâm thực sự thành công nhưng cũng chỉ ở quanh quẩn khu vực Đông Nam Á. Còn khi ra biển lớn, đó là con sóng dữ, nhấn chìm chiếc thuyền bé nhỏ.
Bóng đá Việt Nam mơ đến World Cup nhưng trong bối cảnh hiện tại, khi các ngôi sao hàng đầu lần lượt xuất ngoại thất bại, giấc mơ đó không hề dễ dàng chút nào.