Điều công bằng trong thể thao

thứ hai 4-5-2015 16:36:11 +07:00 0 bình luận
Trận đấu lịch sử có trị giá hàng trăm triệu USD cuối cùng kết thúc mà không hẳn đã làm hài lòng

Trận đấu lịch sử có trị giá hàng trăm triệu USD cuối cùng kết thúc mà không hẳn đã làm hài lòng người xem. Thậm chí, với nhiều người chứng kiến trận đấu này thì nó là trận đấu 3 “không”: không knock-out, không tình huống gay cấn và có thể là… không công bằng.

hi-res-b009e39c7f54f8369abc7c46eb037f89_crop_north

Tất nhiên, người Philippines có quyền nổi giận khi võ sĩ của họ, Pacquiao tấn công nhiều hơn, chủ động nhiều hơn nhưng cuối cùng bị xử thua. Còn Mayweather – một người Mỹ trên đất Mỹ được những trọng tài chấm điểm cao để tiếp tục trở thành… “độc cô cầu bại”.

Nó làm nhiều người nhớ đến tình huống nực cười ở ao làng SEA Games. Đó là trận đấu kỳ lạ trong môn Silat giữa một võ sĩ Indonesia và một võ sĩ Thái Lan. Võ sĩ Indonesia do sợ quá đã dùng chiêu chạy, né, nấp và cuối cùng vẫn có HCV. Nhà vô địch về chạy và né ấy trở thành một nỗi xấu hổ của thể thao, không chỉ của SEA Games.

Tất nhiên cũng khó có thể nói Mayweather chỉ chạy, núp và ôm. Pacquiao sau trận đấu còn hài hước nói: “Anh ta ôm tôi còn nhiều hơn cha tôi ôm tôi”. Thể thao là như thế, người nắm thế chủ động chưa chắc đã là người chiến thắng, ngược lại người chiến thắng hội tụ đủ những yếu tố có lợi cho mình: “Thiên thời, địa lợi và nhân hòa”.

Nói thể thao thể hiện cuộc sống, chính là những tình huống như thế này. Người ta đôi khi không hơn nhau ở tiến trình mà chỉ ở vài thời điểm và được người khác… công nhận.

Thể thao có công bằng? Nhất là trong những sự kiện đậm màu sắc tiền bạc, đó là những cuộc chơi mà tất cả sẽ cảm thấy mình chiến thắng, ngay cả những khán giả, những người bỏ ra cả chục ngàn USD để chứng kiến một trận đấu xoàng xĩnh.

Người ta nói, Mayweather chơi kiểu… Chelsea của Mourinho, tức là không cần đẹp chỉ cần thắng. Tức là tính toán và thực dụng tới mức tối đa. Thật trùng hợp, trong ngày Mayweather đăng quang thì Chelsea cũng lên ngôi ở Premier League, xa hơn đó là việc Juventus vô địch ở Serie A…

Bạn thấy gì qua những chuyện này? Đó là không có gì tuyệt đối, lịch sử ghi nhận những người cầm cờ chứ không chắc là những người sớm lao lên sau tiếng “xung phong”.

Chỉ có một điều an ủi, Pacquiao thua trên đất Mỹ nhưng có vẻ như anh mới chính là người chiến thắng trong trái tim của người Philippines. Thể thao khác với cuộc đời chính là ở những điều tưởng chừng như vô lý ấy: Người thắng cuộc chưa chắc đã có tất cả và chiến thắng không nằm ở những điểm số hay quyết định của những ông trọng tài. Vẫn có những chiến thắng khác, cho những người thất bại.

Đó là điều công bằng trong thể thao.

SONG AN

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm