Cách làm của họ thế này: Người tham gia được đề nghị tung một đồng xu và sau đó nói đồng xu đó rơi xuống “sấp” hay “ngửa”. Người tham gia được thông báo trước nếu đồng xu ngửa, họ sẽ được thưởng số tiền 3 USD hoặc 5 USD. Nếu tỷ lệ số người nói đồng xu ngửa (tức là bất chấp thực tế nó thế nào) lớn hơn 50% thì sẽ cho thấy Quốc gia ấy… nói dối.
Kết quả: Trong số 15 nước khảo sát thì 70% số người Trung Quốc tham gia cuộc thăm dò chọn đồng xu ngửa, so với chỉ 3,4% người Anh - những người được cho là trung thực trong cuộc thăm dò này.
Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sỹ David Hugh-Jones, giảng viên lâu năm thuộc Trường Kinh tế thuộc Đại học East Anglia, nhấn mạnh rằng sự trung thực của người dân có liên quan tới tốc độ tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia.
Theo ông Hugh-Jones, những người đến từ các nước nghèo ít trung thực hơn những người đến từ các nước giàu có.
Không hiểu nếu Việt Nam tham gia vào trắc nghiệm trên thì chúng ta đứng thứ mấy trong “bảng xếp hạng trung thực”?
Tung đồng xu, nó giống như phần đầu của một trận đấu: Thủ tục chọn sân, chọn giao bóng. Tại sao chọn sân, giao bóng cũng phải cầu kỳ như vậy? Đơn giản, điều này cũng chỉ chứng minh cho việc bóng đá là một cuộc chơi cần sự công bằng, tất nhiên là trung thực.
Nhưng bóng đá có trung thực không? Câu này không dễ trả lời như việc tung đồng xu và nói nó sấp hay ngửa. Chúng ta đã có một giai thoại về bóng đá khi trưởng đoàn Tô Hiền nói trong một hội nghị cách đây mấy chục năm: “Ai sạch giơ tay?” Không có cánh tay nào giơ lên. Đó là sự trung thực trước một câu hỏi cụ thể nhưng đó cũng là sự thiếu trung thực của cả một nền bóng đá.
Cái khó chính là ở chỗ đó và điều này kéo dài trong nhiều năm khiến trung thực trở thành một thứ xa xỉ của bóng đá.
Sự thiếu trung thực, theo kết luận của các chuyên gia ở Đại học East Anglia như đã nói ở trên, đó là vì tham cái lợi nhỏ mà bán sự chính trực của mình với giá 3-5 USD, một cái giá quá rẻ, dù ai cũng biết nó là rẻ.
Và cho đến thời điểm này, một trong những câu chuyện chúng ta đang bàn là về CLB Đồng Nai.
Đồng Nai và nhiều đội bóng khác đang đứng trước câu hỏi là: “Họ làm bóng đá để làm gì, bỏ ra một đống tiền để làm gì với thứ bóng đá không cần khán giả?”.
Ai cũng biết nhiều doanh nghiệp, nhiều ông bầu chọn bóng đá là để “đổi tiền” lấy cơ chế và quan hệ với địa phương. Kiểu làm bóng đá này đã dẫn đến những vụ “tự sát” của những CLB ở V.League khi đồng tiền không còn đến với họ.
Sẽ thế nào nếu bóng đá không trung thực cả với những đồng xu?