Hồi tháng 3 năm ngoái, LĐBĐ thế giới (FIFA) đã gỡ bỏ lệnh cấm tổ chức các trận đấu quốc tế tại Iraq. Chính vì vậy, tỉnh Basra đã được chấp thuận là nơi tổ chức các trận đấu của ĐTQG nước này tại vòng loại World Cup 2022 và Asian Cup 2023. Đây thực sự là một việc làm mang ý nghĩa nhân văn rất lớn, cũng là "thành quả tuyệt vời sau nhiều nỗ lực phát triển của bóng đá Iraq" như lời Chủ tịch FIFA Gianni Infantino.
Nếu nhìn vào những sự kiện bóng đá được tổ chức thành công tại đây trong hơn 1 năm qua, tất cả sẽ hiểu CĐV Iraq yêu bóng đá nhiều như thế nào. Giải vô địch các quốc gia Tây Á, chung kết AFC Cup,...được tổ chức thành công với mức độ an ninh rất tốt, AFC và FIFA càng có niềm tin vào quyết định gỡ bỏ lệnh cấm.
Sau gần 30 năm, với nhiều lần tháo gỡ rồi phục hồi, lệnh cấm cũng đã chính thức khép lại. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, Iraq đã không thi đấu trọn vẹn tại đấu trường quốc tế trên sân nhà kể từ sau cuộc xâm lược của họ vào Kuwait năm 1990. Lệnh cấm, có hiệu lực trên tất cả các giải đấu quốc tế chỉ trừ giải vô địch quốc gia, tồn tại sau khi Mỹ thực hiện cuộc xâm lược vào năm 2003 lật đổ nhà độc tài Saddam Hussein.
Kể từ năm 2003, FIFA đã cấm Iraq tổ chức các trận đấu quốc tế trên sân nhà vì những quan ngại xung quanh vấn đề an ninh. ĐTQG Iraq như biến thành một đội tuyển lang thang, phải thi đấu các trận sân nhà tại Jordan, Syria, Qatar hay UAE.
Mãi đến năm 2009, ĐT Iraq mới lại có cơ hội trình diễn trước các khán giả, đó là chiến thắng 3-0 trước đối thủ Palestine. Năm 2011 là lần đầu tiên sau sau gần 10 năm, họ chính thức được thi đấu trên sân nhà trong một trận đấu quốc tế, khi gặp Jordan tại vòng loại World Cup 2014. Tuy nhiên để đảm bảo an ninh, Iraq chỉ có thể chơi ở thành phố Erbil thuộc miền Bắc.
Một năm sau, điều luận cấm được tháo gỡ, nhưng việc mất điện trong trận đấu giữa Iraq và Jordan tại thủ phủ của người Kurd ở Arbil đã khiến FIFA buộc phải phục hồi lệnh cấm. Phải đến tháng 3/2013 thì cơ quan này mới một lần nữa dỡ bỏ hoàn toàn án phạt và cho phép Iraq tổ chức các trận đấu quốc tế ở Baghdad. Thật không may, chỉ hơn 3 tháng sau khi Mohamed Abbas - HLV của CLB Karbala qua đời sau một cuộc xung đột vũ trang, FIFA lại tái áp dụng bản án cấm thi đấu các trận sân nhà với đội bóng Tây Á. Án phạt kéo dài cho đến tận năm 2018.
Ở một quốc gia bất ổn về an ninh, nhưng tình yêu của CĐV Iraq luôn luôn lớn hơn sức mạnh của bom đạn. Tháng 3/2015, 45.000 khán giả đã có mặt ở SVĐ Al Shabaab tại thủ đô Baghdad để chứng kiến trận đấu giữa Al Zawraa và Al Quwa Al Jawiya, bất chấp việc thành phố đang bị bao vây và đã có hơn 30 người chết sau các vụ đánh bom trong vòng 2 ngày gần nhất. Họ sẵn sàng đánh đổi tính mạng để xem bóng đá. Tình yêu mãnh liệt ấy đến từ trái tim, tinh thần thép được tôi luyện trong bạo lực, bom đạn.
Song, dù yêu thích, đam mê đến mấy, sự phát triển của nền bóng đá Iraq cũng bị hạn chế bởi tình hình căng thẳng chính trị. Giải VĐQG Iraq luôn chỉ gồm các CLB đến từ vùng phía Bắc, phía Đông Nam cũng như thủ đô Baghdad. Rõ ràng, việc không đa dạng khu vực sẽ khiến giải giảm sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, các cuộc nội chiến, ẩu đả thường xuyên khiến giải đấu bị trì hoãn, hủy lịch thậm chí là chấm dứt sớm. Khi gốc rễ sức mạnh của nền bóng đá bị kìm hãm, Iraq chưa thể vươn tầm thế lực hàng đầu Châu Á.
Hành động gỡ bỏ lệnh cấm thi đấu trên sân nhà đã được thực hiện kịp thời. Đây chắc chắn sẽ là bước đệm để bóng đá Iraq có thể phát triển mạnh mẽ hơn, phần nào khắc phục những hệ lụy mà nền chính trị đã gây ra nhiều năm qua. Bởi lẽ, mục tiêu cuối cùng mà tất cả hướng đến là Thể thao vì cuộc sống tốt đẹp hơn!