Ông bầu Đoàn Nguyên Đức từng nổi tiếng với câu nói, Việt Nam 90 triệu dân không lo thiếu người giỏi làm bóng đá.
Ông Đức phát biểu như trên khi việc cơ cấu nhân sự lãnh đạo chủ chốt LĐBĐVN (VFF) nhiệm kỳ 8 lộ ra hết bất cập này đến bất cập khác, và đến giờ vẫn chưa xong sau gần 1 năm bị hoãn. Người giỏi không thiếu, thế thì vì sao bóng đá Việt Nam cứ mãi "thua chị, kém em", còn lâu lâu lãnh đạo VFF lại thành đối tượng bị đem ra để… tấu hài?
Trong rất nhiều ý kiến khác nhau, tôi đặc biệt quan tâm phát biểu của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL gần đây. Ông Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, có hiện tượng nhiều người tài ngại vào VFF vì bóng đá phức tạp.
Đây là phát biểu của người đứng đầu ngành thể thao, chịu trách nhiệm cao nhất với sự phát triển và các vấn đề của bóng đá. Thực ra, bóng đá thì ở đâu cũng phức tạp. Chỉ nhìn vào diễn biến các nền bóng đá trong khu vực như Indonesia hay Thái Lan, phần nào cho thấy rõ điều này.
Tuy nhiên, phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phản ánh đúng một thực tế diễn ra ở VFF lâu nay, là tình trạng mất đoàn kết sâu sắc, đấu đá nội bộ phức tạp đến độ không thể giấu được mắt công luận. Những người có tâm huyết, muốn cống hiến cho bóng đá chắc chắn phải e dè.
Nhưng để xảy ra chuyện người giỏi không muốn vào VFF, lại không thể không nghĩ tới cách làm của ngành thể thao.
Người giỏi đâu cũng thế, luôn có lòng tự trọng và ít khi chịu đi "cửa sau" để thăng quan, tiến chức. Người giỏi cũng không biết chạy chọt, xu nịnh để tiến thân. Vì thế trong một cơ chế tốt, người giỏi sẽ được trọng dụng, phát huy tài năng. Nhưng ở một xã hội, cơ chế xấu, những người có phẩm giá, tài năng thường ít có "đất" để dụng võ.
Cách làm của ngành thể thao vừa qua trong việc cơ cấu nhân sự vào VFF dễ khiến người ta phải đặt câu hỏi, ngành có thực sự muốn chọn người giỏi cho VFF? Xin lấy một ví dụ như thế này.
Sau khi được Bộ VH-TT&DL cho phép tự chủ về tài chính, thực hiện liên liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để khai thác cơ sở vật chất nhằm tăng nguồn thu, Ban Quản lý Khu LHTTQG Mỹ Đình đứng đầu là Giám đốc Cấn Văn Nghĩa đã thực hiện cho thuê đất tràn lan, trái với quy định. Việc cho thuê đất của Khu LHTTQG Mỹ Đình khiến nhà nước có nguy cơ thất thoát hàng trăm tỷ đồng.
Theo tạm tính của chi Cục thuế quận Nam Từ Liêm, số tiền thuê đất Khu LHTTQG Mỹ Đình bị truy thu lên tới hơn 314 tỷ đồng đối với diện tích cho thuê ngắn hạn, chưa kể hơn 69 tỷ đồng tiền thuế 5 khu đất liên doanh dài hạn (hơn 15.000m2). Như thừa nhận của lãnh đạo Khu Liên hợp vừa qua, Mỹ Đình không có khả năng nộp số tiền trên, buộc đang phải xin Thủ tướng Chính phủ để được miễn.
Từ ngày 1/9/2018, ông Cấn Văn Nghĩa đã chính thức nghỉ hưu. Tuy nhiên trước đó, ông Nghĩa được Bộ VH-TT&DL đồng ý cho ra tranh cử ghế Phó chủ tịch tài chính VFF! Để một quan chức đã nghỉ hưu, lại vướng nhiều vấn đề về tài chính nơi đơn vị cũ vào chiếc ghế quan trọng của VFF, ngành thể thao có dám nói rằng quyết định của mình là bình thường?
Ở độ tuổi 60, ông Cấn Văn Nghĩa vẫn được Bộ VH-TT&DL tạo điều kiện tranh cử vào VFF. Thử nghĩ thế này, nếu bóng đá Việt Nam thực sự có người tài, thì ai đủ thời gian để xếp hàng, chờ những quan chức đã về hưu như ông Cấn Văn Nghĩa nhường chỗ cho mình thi thố tài năng?
Câu hỏi này xin nhường phần trả lời cho Bộ VH-TT&DL và Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện.