Hành trình 12 năm nhìn lại của PVF: Khát vọng World Cup của bóng đá Việt Nam

Phương Nam
thứ tư 10-2-2021 11:20:12 +07:00 0 bình luận
Từ ý tưởng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Quỹ Đầu tư và Phát triển Tài năng Bóng đá Việt Nam (PVF) ra đời. Với lộ trình cụ thể, hướng đi đúng đắn PVF từng được xem như bước tạo đà để bóng đá Việt Nam hướng đến giấc mơ World Cup.

Năm 2008, Quỹ Đầu tư và Phát triển Tài năng Bóng đá Việt Nam (PVF) được chính thức thành lập. Mỗi năm, PVF tổ chức tuyển sinh trên cả nước các cầu thủ nhí từ 10 đến 14 tuổi. Trong suốt 12 năm hình thành và phát triển, PVF đã trở thành Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ giàu thành tích hàng đầu Việt Nam. Với 20 lần vô địch và 9 lần giành Á quân các giải trẻ trong nước, 9 lần vô địch và 2 lần Á quân tại các giải trẻ quốc tế.

Trong số những thành công của PVF, đáng nhớ nhất phải kể đến chiến dịch U17 Quốc gia năm 2015, nơi ghi nhận một sức mạnh tuyệt đối của PVF với cách “xưng vương” chưa từng có trong lịch sử các giải đấu trẻ ở Việt Nam. Với 74 bàn thắng, 0 bàn thua, U17 PVF còn “cuỗm” luôn tất cả các danh hiệu cá nhân. Trong thành phần 37 tuyển thủ được HLV Park Hang-seo ban đầu triệu tập cho vòng loại U23 Châu Á 2020, có đến 10 cầu thủ trường thành từ PVF.

Trung tâm PVF đi vào hoạt động với quy mô hoành tráng tại Hưng Yên cách đây 4 năm về trước.

Không chỉ dừng lại ở đó, với việc các lứa U thường xuyên được tập huấn và thi đấu ở các giải quốc tế từ Á đến Âu, kinh qua các giải đấu trên đất Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc để trải nghiệm và thi đấu mang lại sự đổi thay lớn về chuyên môn. Những cái tên như Hà Đức Chinh, Thanh Thịnh, Bùi Tiến Dụng,..là một minh chứng cụ thể. Năm 2017, PVF “rời nhà” từ Trung tâm thể thao Thành Long (Tp.HCM) về trụ sở mới tại  Hưng Yên, nơi được đánh giá là hiện đại mà rất hiếm trung tâm nào khác ở Châu Á.

“Đại bản doanh” mới tại Hưng Yên có tổng diện tích gần 22 hecta, gồm tổng cộng 7 sân, trong đó sân thi đấu chính có sức chứa 3.600 chỗ. Cùng 6 sân tập kích thước tiêu chuẩn 11v11 được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, với mặt cỏ được chứng nhận FIFA Quality Pro. PVF còn trang bị hệ thống phòng tập giả lập 360s và thiết bị PlayerTek theo dõi hiệu suất thi đấu của cầu thủ. Cùng tổ hợp khoa học thể thao và chăm sóc sức khỏe chuyên biệt, hệ thống kí túc xá tiện nghi.

Sự hoành tráng và chuyên nghiệp của PVF không chỉ dừng lại ở điều kiện cơ sở vật chất mà huyền thoại Ryan Gigss của M.U (Giám đốc bóng đá của PVF) đánh giá là ngang bằng, thậm chí có những khía cạnh còn tốt hơn trung tâm Carrington của Man Utd. Không hề kém cạnh là công tác tuyển trạch, chế độ dinh dưỡng cho từng cầu thủ và đặc biệt là đội ngũ nhân sự chất lượng và hùng hậu ở PVF.

Việc bầu Vượng chi đậm hơn 30 triệu USD nâng tầm giúp bóng đá Việt cùng với tham vọng dự World Cup vẫn còn là dấu hỏi lớn. 

Thực tế, tầm nhìn và chiến lược được hoạch định rõ ràng để đưa Việt Nam đến World Cup của PVF khiến HLV “Phù thủy trắng”- Philippe Troussier bị thu phục. Ông từng lọt đến vòng 16 đội ở World Cup, tứ kết Olympic và Vô địch Châu Á nhưng chấp nhận ngồi vào ghế GĐKT của một học viện bóng đá trẻ, ở một nền bóng đá còn hạn chế như tại Việt Nam. Đó là điều kỳ lạ của nhiều người nhưng với PVF lại là chuyện hết sức bình thường, dù mối tình giữa PVF và Philippe Troussier kéo dài sau đó không lâu.

Trong nhiều năm gần đây, PVF vẫn cho ra những sản phẩm tốt cung cấp cho nhiều đội bóng ở V.League và hạng nhất như Cần Thơ, Đồng Tháp, Bình Phước hay SHB Đà Nẵng, Sài Gòn FC, Bình Dương, Bình Định,..PVF có thể đang đi đúng hướng với sứ mệnh nâng tầm bóng đá trẻ Việt Nam, thế nhưng mục tiêu  tham dự World Cup 2026 hoặc xa hơn nữa năm 2032 vẫn còn đặt một dấu hỏi lớn. Cho dù trong 12 năm hình thành và xây dựng mô hình hoạt động của PVF, bầu Vượng – tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã chi hơn 30 triệu USD cho khát vọng 1 lần Quốc ca Việt Nam được cất lên ở sân chơi World Cup.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm