Từ khó khăn của CLB nữ Thái Nguyên đến nguy cơ giải thể của CLB nữ Sơn La
Câu chuyện về những khó khăn không tưởng của đội bóng đá nữ Thái Nguyên khiến người hâm mộ bóng đá Việt Nam phải giật mình. Khổ - là tính từ miêu tả khi nói về các cô gái đi đá bóng.
Sau Thái Nguyên, các cô gái Sơn La lại đang trong tình cảnh ngặt nghèo. HLV trưởng Lường Văn Chuyên của nữ Sơn La xót xa chia sẻ: “Sơn La nhiều khả năng sẽ không tham dự giải VĐQG mùa tới.”
Ông thầy đầy tâm huyết của đội bóng vùng cao này cho biết: “Hết năm nay, toàn đội chẳng biết sẽ đi đâu về đâu. Lãnh đạo Sở TDTT Sơn La yêu cầu hết năm giải tán đội với lý do thiếu lực lượng thi đấu (hiện đội một chỉ còn 10 cầu thủ), không có kinh phí để tham dự giải và mượn cầu thủ.
Nguyên nhân bởi các đại biểu HĐND tỉnh có ý kiến yêu cầu giải trình, đầu tư nhiều mà không có thành tích (???). Thế nên lãnh đạo Sở yêu cầu sang năm 2020 không đăng ký tham dự giải VĐQG mà chỉ đăng ký tham dự giải U16. Trong trường hợp nếu LĐBĐ Việt Nam hỗ trợ và BHL tự tìm được nhà tài trợ cho đội kinh phí tham dự giải thì mới tiếp tục đăng ký”.
HLV Lường Văn Chuyên ngậm ngùi cho biết: “Tôi cũng tính rồi, nếu chỉ đủ kinh phí tham dự giải, tiền mượn cầu thủ không có thì tôi sẽ đôn khoảng 7-8 cầu thủ sinh năm 2004 lên đội một. Nguyện vọng của tôi cũng như các cháu giờ chỉ là có được nhà tài trợ để các cháu tiếp tục nuôi dưỡng đam mê, góp phần hỗ trợ gia đình cũng như để khoảng gần 40 VĐV trẻ phía sau không thấy các chị giải tán mà hụt hẫng và bỏ đam mê”.
Đến lời than thở của HLV ĐT nữ QG Mai Đức Chung
Mặc dù đang phải nỗ lực chuẩn bị cho ĐT nữ QG chuẩn bị cho SEA Games 30, thế nhưng HLV Mai Đức Chung vẫn dành sự quan tâm tới những vấn đề của bóng đá nữ Việt Nam. HLV này cho rằng tương lai của bóng đá nữ Việt Nam đang là rất đáng lo ngại. Bóng đá vốn đã là môn thể thao con gái ít tham gia, giờ lại càng ít.
Ông cho biết: “Nữ giới ra sân lại sợ ảnh hưởng nhan sắc và cũng gặp không ít khó khăn trong cuộc sống vì thu nhập thấp và đi lại quá nhiều. Thế nên ngày càng ít các em nữ muốn tập luyện và gắn bó với bóng đá, việc bỏ ngang cũng xuất hiện nhiều hơn.
Như Hà Nội ngày trước trong thành phố rất nhiều đội, nhiều cầu thủ, nhưng giờ nội thành không có một ai, chủ yếu lực lượng chỉ đến từ Mỹ Đức, Đông Anh…Thái Nguyên, Sơn La thì đứng trước nguy cơ giải tán nếu không có nhà tài trợ, mọi thứ đã khó khăn càng khó khăn hơn. CLB có mạnh thì ĐT mới mạnh, trong khi chúng ta chỉ có 6 đội thì sao mà có đủ tiềm lực được”.
Ông Chung than thở: “Nền bóng đá nữ của chúng ta giờ không được như trước. Ngày xưa còn có Nhà nước, các xí nghiệp lo liệu, còn giờ chỉ phụ thuộc vào ngân sách tỉnh thì không thể nào lo được. Phải có những ông bầu giống như bầu Đức ở bóng đá nam thì bóng đá mới phát triển được.
Nhờ những ông bầu ấy, bóng đá nam mới phát triển như hôm nay và có đủ nguồn lực cung cấp cho các ĐTQG để tạo nên đội tuyển mạnh. Ông Park Hang-seo là một HLV giỏi nhưng chắc chắn là ông ấy cũng cần phải có nguồn cầu thủ đủ chất lượng. Với bóng đá nữ lúc này, mọi thứ không có gì bảo đảm.
Ví dụ như Hà Nội, Than KSVN hiện cũng chỉ ở mức duy trì thôi; Phong Phú Hà Nam có lúc thăng lúc trầm, lên xuống rất nhiều; TP HCM họ mạnh hơn thì có hai đội, nhưng các đội còn lại thì chỉ chập chờn, có đội còn chờ giải tán. Lãnh đạo tỉnh tôi đã từng gặp gỡ họ đều mong các ông bầu sẽ nhảy vào cuộc cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước và các doanh nghiệp để bóng đá nữ có thể tồn tại và phát triển”.