VCK U.23 châu Á, sân chơi tầm vóc châu lục lần đầu tiên BĐVN tham dự khi vượt qua được vòng loại, kết thúc với 3 thất bại của U.23 VN. Một thất bại toàn diện với không ít vấn đề lộ ra, trừ cái được ở trận cuối sau khi đã bị loại với U.23 U.A.E, khi đội bóng của HLV Miura có màn trình diễn ấn tượng, trong bối cảnh sự thất vọng và cái nhìn tiêu cực bao trùm.
Điều đáng nói, thay đổi của U.23 VN và trận đấu khởi sắc đó, theo hé lộ của người trong cuộc thì nó không bắt nguồn từ HLV Miura mà đến từ chính các cầu thủ. Bất phục với quan điểm, cách làm cùng sự áp đặt của ông thầy người Nhật, cầu thủ tự điều chỉnh trên sân để đá theo cách của mình. Họ tự đá, chơi tốt và tự những gì thể hiện trên sân, U.23 VN “vạch trần” vấn đề của mình, của HLV Miura.
Thêm một trường hợp kỳ cục như là nghịch lý nữa xuất hiện, sau trường hợp của ĐT nữ Việt Nam ở vòng loại thứ hai Olympic 2016, khi các cầu thủ nữ với kinh nghiệm đã biến những ấm ức, bất bình với cách làm của HLV Takashi thành hành động, khi tự chơi theo ý mình. “Xé bài” và không tuân thủ đấu pháp của HLV, ngạc nhiên là ĐTVN chơi hay hơn, tốt hơn với 3 chiến thắng liên tiếp trước Myanmar, Jordan rồi Thái Lan để rồi lần đầu lọt vào vòng loại cuối cùng của Olympic.
Cả ĐT nữ lẫn U.23 đều xảy ra tình trạng “bật thầy”, quả thực là đặc biệt có lẽ đúng là “chỉ có ở BĐVN”.
Đặc biệt hơn, ở vòng loại Olympic năm trước, thực trạng và những vấn đề xảy ra ở ĐT nữ thì tất cả đều biết, kể cả lãnh đạo VFF. Thế nhưng vì thành công, người ta chọn giải pháp im lặng cho qua để rồi âm thầm cho HLV Takashi ra đi “không kèn, không trống”.
Không có buổi tổng mổ xẻ, rút kinh nghiệm nào và khi vấn đề được tiết lộ từ chính các thành viên của ĐTVN, những người có trách nhiệm hay liên quan ở VFF cũng không một lần dám lên tiếng mà chọn cách im lặng, né tránh.
Vấn đề của U.23 VN ở VCK U.23 châu Á, của HLV Miura, có lẽ rồi cũng thế. Không thể “cậy miệng” một quan chức nào và ai cũng né, giống như “văn hoá không nghe, không biết” tồn tại bao năm nay sau những thất bại của các ĐTQG.
Đó là điều kỳ cục không giống ai, ở nền bóng đá mà “khi cần im lặng thì lại tranh nhau lên tiếng” mà những tranh cãi qua lại quanh tố cáo về sự mất đoàn kết lẫn thực trạng khó khăn của VFF của chính một PCT VFF giữa hội nghị hay phát ngôn nghi ngờ tiêu cực của ĐTQG khi áo của cầu thủ chưa ráo mồ hôi sau bán kết AFF Cup 2014 là ví dụ.
Đáng buồn và đáng xấu hổ, khi người ta quán triệt tinh thần “im lặng là vàng”.
Đau cái, vàng ở đây là vàng theo nghĩ đen của nó, ở “nhiệm kỳ kim tiền” mà nhìn lại, ngoài thất bại ra thì những vấn đề lớn bé nổi cộm nhất luôn gắn với chữ tiền.