Nghề “trinh sát bóng đá”: Cánh tay nối dài của dân cá độ

Vân Vân
thứ năm 4-4-2019 1:12:00 +07:00 0 bình luận
Thuật ngữ hay “nghề” Live Scout đã không còn quá mới mẻ với dân chơi cá độ khi đây là cánh tay đắc lực của các nhà cái.

“Live Scout” hiểu nôm na là trinh sát trực tiếp, tức là có người đến trực tiếp khu vực hay địa bàn nào đó để hoạt động. Thuật ngữ này càng trở nên thông dụng với dân cá độ ở Việt Nam.

Đây là cánh tay nối dài của các nhà cái khi họ phủ các “trinh sát” đến tận sân để cung cấp thông tin, toàn bộ các dữ liệu của trận đấu về… tổng đài. Hiện tại, Live Scout hoạt động trên toàn thế giới ở hầu hết các giải đấu lớn, nhỏ khác nhau.

Nhiệm vụ của các “trinh sát” là đến sân vận động sớm trước một tiếng đồng hồ. Ngay khi đến nơi, họ xem xét về điều kiện thời tiết, tình hình sân bãi, sự cố phát sinh ở sân hoặc các đội bóng nếu có trong thời gian trước giờ bóng lăn,… để báo về “tổng đài”.

Sau đó, các “trinh sát” sẽ lựa chọn một địa điểm phù hợp trên các khán đài. Theo “khuyến cáo”, vị trí đắc địa sẽ là ở trên tầm cao của sân vận động để bao quát mọi diễn biến trên sân.

Nghề “trinh sát bóng đá”: Cánh tay nối dài của dân cá độ
Những pha đốt đền như của Văn Quân sẽ được "soi" kỹ bằng cách hỏi đi hỏi lại nhiều lần sau tình huống xảy ra. 

Khi công tác chuẩn bị đã hoàn thành, họ bắt đầu bước vào nhiệm vụ mới mang tên: cung cấp toàn bộ dữ liệu trận đấu về cho “tổng đài”. Để kết nối với “tổng đài”, các “trinh sát” chỉ cần sử dụng một dòng điện thoại của hãng nổi tiếng, không nhất thiết là “smartphone” (điện thoại thông minh) mà chỉ cần một chiếc điện thoại “cục gạch” cũng có thể “làm việc” cả trận đấu.

Chiếc điện thoại này sẽ nối với “tổng đài” xuyên suốt trong thời gian trước, trong và khi trọng tài nổi hồi còi kết thúc. Dựa trên chiếc điện thoại đó, các “trinh sát” sẽ cung cấp dữ liệu bằng ký tự trên bàn phím. Thời điểm quan trọng bắt đầu là khi trọng tài tung đồng xu để chọn đội giao bóng và phần sân.

Các “trinh sát” phải quan sát thật kỹ rồi sau đó truyền thông tin về một cách nhanh chóng cho “tổng đài”. Tất cả phải đòi hỏi thật nhanh ngay sau khi xác định được đội giao bóng. 

Khi tiếng còi nổi lên, họ sẽ bắt đầu công cuộc thu thập dữ liệu trực tiếp từ các tình huống trên sân. Chẳng hạn, khi đội nhà ghi bàn sẽ nhấn phím 1, khi đội khách ghi bàn sẽ nhấn phím 3; hoặc khi đội nhà bị thẻ vàng sẽ nhấn đúp phím 1 còn khi đội khách bị thẻ vàng sẽ nhấn đúp phím 3,… Mọi câu lệnh đều được thực hiện theo “ám hiệu” khác nhau trên bàn phím. Khi trọng tài thổi còi kết thúc trận đấu cũng là lúc, nhiệm vụ của các “trinh sát” hoàn thành.

Ở Việt Nam, các “trinh sát” được phủ khắp sân và cứ mỗi trận đấu, họ được trả công với khoản tiền không hề nhỏ. Cứ mỗi trận hoàn thành, họ sẽ được trả từ 35 - 50 euro (tương đương 900.000 đồng đến 1.300.000 đồng).

Không chỉ “làm việc” ở các trận đấu thuộc V.League hay hạng Nhất, các “trinh sát” còn thường xuyên xuất hiện ở các giải đấu lớn nhỏ khác nhau; thậm chí cả các trận giao hữu tập huấn. Chỉ cần biết có trận đấu diễn ra, “tổng đài” sẽ phân công các mũi “trinh sát” đến sân vận động đó để thu thập dữ liệu. Số lượng các trận đấu không giới hạn. 

Những bàn thua đầy khó hiểu của Tấn Trường ở AFC Cup 2019 hay Văn Quân ở Cúp QG 2019 đều được các “trinh sát” theo dõi kỹ để báo về “tổng đài” cập nhật nhanh chóng. 

Ngoài bóng đá, các “trinh sát” nếu am hiểu bóng chuyền, cầu lông, bóng rổ,… đều có thể đến sân để làm việc. Tuy chỉ “bán thời gian” nhưng đây là công việc “hái ra tiền” cho các “trinh sát”. 
 

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm