Café 24h: “Không sao đâu, bình tĩnh sống!”

thứ hai 25-1-2016 22:53:51 +07:00 0 bình luận
Có 2 câu chuyện liên quan đến người Nhật được lan truyền rôm rả ngày hôm qua. Đầu tiên là câu chuyện của một thầy giáo ở tận Bình Định, đúng ngày lễ kỷ niệm thành lập trường đã viết tâm thư gửi Chủ tịch UBND tỉnh và các quan khách. Sau đó, ông này định cầm dao tự mổ bụng mình tự sát ngay tại lễ đài.

Nhiều người nói rằng đó là kiểu tự sát của một Samurai - võ sĩ đạo Nhật Bản. Từ điển wikipedia cho biết: Mổ bụng (Seppuku) là hình thức tuẫn tiết nhằm bảo vệ danh dự của chiến binh Samurai Nhật Bản, những người không chịu đầu hàng kẻ địch hay sống trong ô nhục.

Với người thầy giáo ở Bình Định thì không có kẻ địch hay sự ô nhục nào ở đây, chẳng qua là trong giây phút uất ức, giọt nước tràn ly của một quá trình cho rằng mình bị chèn ép.

Hôm qua, một câu chuyện khác: Trong khi giá lạnh đang lan tràn khu vực phía Bắc, nhiệt độ xuống tới 5-6 độ C ở Hà Nội, nhiều trường ra thông báo cho học sinh nghỉ học thì ở Nhật, sự việc diễn ra trái ngược. Tại đất nước này, cha mẹ Nhật Bản quan niệm, thời tiết càng giá rét, trẻ em càng phải hoạt động thể chất nhiều để tăng cường sức đề kháng. Việc trẻ em Nhật cởi trần, chạy giữa giá rét mùa đông ở mức 2,3 độ là điều không còn xa lạ.

Khi được hỏi, những cha mẹ người Nhật nói: “Mục đích của trẻ con đi học là để bị cảm lạnh và bị ốm, sau khi trải qua được thử thách đầu đời này, các em sẽ có sức đề kháng hơn hẳn những bạn đồng trang lứa từ các quốc gia khác”.

Hai câu chuyện về người Nhật dễ làm người ta nhớ đến một “người Nhật thầm lặng” ở Việt Nam, đó là HLV Miura. Hiển nhiên, ông Miura có đầy đủ lòng tự trọng, không thể sống trong sự dè bỉu, khinh khi của người khác. Tất nhiên, dù có chuyện gì đi chăng nữa, cũng không mong và chẳng hy vọng ông Miura ứng xử quá quyết liệt như các Samurai.

HLV Toshiya Miura

Song ở một khía cạnh khác, đôi khi những phán quyết từ phía NHM, những nghi ngờ từ chính quan chức VFF đối với ông Miura chẳng khác nào những bông tuyết, giá lạnh đối với những đứa trẻ Nhật Bản mặc quần đùi đến trường. Nó có thể chỉ giúp ông Miura “tăng sức đề kháng” trên con đường sự nghiệp làm HLV của mình.

Những người không có sức đề kháng, những người không có tự trọng mới là những người dễ cảm thấy mình bị tổn thương đầu tiên.

Hôm qua, lại có người nhắc về câu chuyện mất đoàn kết trong bộ máy tổ chức, ở VFF. Không thể phát triển nếu những người đang ngồi “chung chuyền” quay sang nghi ngờ lẫn nhau, thậm chí tìm những thủ đoạn để hạ bệ nhau.

Đó không phải là cách chúng ta phát triển.

Và tôi, chợt nhớ tới một người phụ nữ khắc khổ xuất hiện trong chương trình Vietnam’s Got Talent 2016. Phụ nữ ấy đang ở trong hoàn cảnh khó khăn: “sống trên đồi, không có điện, không có nước xài nhưng vẫn bám trụ để làm cái việc cực kỳ ý nghĩa là châm cứu, giúp trẻ khuyết tật”. Và bà nói một câu khiến tất cả sững sờ khi được hỏi về hoàn cảnh của mình: “Không sao đâu, bình tĩnh sống thôi”.

“Bình tĩnh sống” nghe thì đơn giản nhưng có thể nó cần phải đưa vào nghị quyết của một LĐBĐ quốc gia. 

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm