Có lẽ không ít CĐV bóng đá nội vốn hay hoài niệm thắc mắc mức lương, thu nhập của các ngôi sao Thế hệ vàng" bóng đá Việt Nam trong màu áo của Thể Công, CA.HN như Hồng Sơn, Việt Hoàng, Đức Thắng, Phương Nam, Minh Hiếu, Tuấn Thành... thời kỳ mới bước sang sân chơi chuyên nghiệp là bao nhiêu.
Trong quá khứ, Thể Công và CA.HN được xem là hai tượng đài của bóng đá Việt Nam nói chung, bóng đá Thủ đô nói riêng.
Do đặc thù là những đội bóng đại diện trong ngành lượng vũ trang, cả Thể Công và CA.HN gặp không ít những khó khăn, trong ngày đầu BĐVN chuyển từ mô hình nghiệp dư sang sân chơi chuyên nghiệp.
Bắt đầu kể từ năm 2000, khi giải VĐQG bước sang sân chơi chuyên nghiệp, với tên gọi chính thức là Strata V.League, đã có những bước thăng tiến rõ rệt về các khoản chế độ, lương thưởng cho các cầu thủ.
Hàng loạt các đội bóng nhận được sự đầu tư, tài trợ của các doanh nghiệp và hai đại diện của Quân Đội, Công An cũng không phải là những ngoại lệ.
Tuy nhiên, nếu đem so sánh với các doanh nghiệp lớn khác thời điểm đó như Gạch Đồng Tâm, HA.GL hay Becamex, mức đầu tư mà Thể Công và CA.HN nhận được từ các nhà tài trợ là không thấm tháp gì.
Thế nhưng so với chính các cầu thủ, những người từng "nằm gai nếm mật" thời kỳ bóng đá còn bao cấp thì đó là cả ước mơ.
"Tôi bắt đầu lên đội 1 từ năm 1996. Thời điểm đó trẻ mới lên và thu nhập ăn theo quân hàm, lương của tôi nhận được chỉ khoảng 500-600 ngàn đồng. Và sau 2 năm, tại mùa giải 1998 mức lương của tôi được tăng lên khoảng gần 2 triệu. Các anh lớn như Hồng Sơn, Quang Hà, Đỗ Dũng... thì nhận lương cao hơn một chút", cựu tuyển thủ Phương Nam nhớ lại.
Cũng giống như thời điểm hiện tại, ngoài tiền lương cứng, các cầu thủ Thể Công cũng có những khoản thưởng nếu đội chơi tốt và giành chiến thắng. Thay vì chấm điểm theo thang bậc đóng góp như các đội bóng ở V.League bây giờ vẫn làm, cách tính công để chia thưởng của giai đoạn năm 1998 của Thể Công cũng có sự khác biệt.
"Năm 1998 khi Thể Công vô địch, ngoài tiền lương cứng hàng tháng, anh em cầu thủ cũng có thêm thu nhập khá lớn từ những khoản thưởng. Ví dụ một trận thắng , cầu thủ nào ra sân sẽ được tính đóng góp theo phút. Cứ 10 nghìn đồng một phút và đá bao nhiêu phút trên sân là được bấy nhiều tiền. Một cầu thủ đá chính đủ 90 phút tương đương nhận khoảng 900 ngàn đồng cho một trận thắng", Cựu tiền đạo của Thể Công cho biết.
Đến giai đoạn BĐVN bước sang sân chơi chuyên nghiệp mùa giải 2000, mức thu nhập, chế độ của Phương Nam và các đồng đội tăng đáng kể, khi Thể Công nhận được sự tài trợ của nhãn hàng C sủi Plusssz trên ngực áo.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của cựu tuyển thủ này mức lương của một cầu thủ Thể Công cũng không thể so với các đội bóng doanh nghiệp khác.
"Khi bắt đầu V.League năm 2000, lương của tôi ăn theo quân hàm và được hỗ trợ nâng lên trên 3 triệu và ngoài ra cũng có thêm khoản thưởng nếu đội giành chiến thắng. Tuy nhiên, như thế vẫn là ít so với các đội bóng khác thời điểm đó. Tiền ít nên chi tiêu cũng phải tích góp. Và thời đấy còn trẻ cũng chưa phải lo cho gia đình nên cũng gọi là đủ sống thôi", Phương Nam chia sẻ.
Do cơ chế và đặc thù nên mãi đến tận năm 2008, sau 8 năm chính thức bước sang sân chơi chuyên nghiệp, Thể Công mới nhận được sự đầu tư lớn, khi tập đoàn Viettel đầu tư vào đội bóng. Đó cũng là thời điểm mà Thể Công "đổi đời" và mức lương cứng của một cầu thủ thuộc diện kỳ cựu như Phương Nam nhận được khoảng trên 25 triệu đồng.
Cũng giống như Thể Công, đội bóng hàng xóm, "đại kình địch" CA.HN cũng gặp rất nhiều khó khăn thời điểm mà V.League chính thức ra đời.
Đội bóng nghành Công An cũng nhận được sự tài trợ của Tập đoàn sơn Joton. Tuy nhiên, dù được nghành, sở TDTT Hà Nội và nhà tài trợ đứng đằng sau nhưng mức thu nhập của những ngôi sao như Minh Hiếu, Tuấn Thành, Trung Phong, Lã Xuân Thắng cũng khá thấp, nếu so sánh với mặt bằng chung.
"Lương của CAHN trước đây được tính theo quân hàm và các cầu thủ hưởng theo từng loại. Ví dụ cầu thủ loại 1 nhận lương khoảng 3 triệu/tháng, loại 2 nhận 2 triệu/tháng và loại 3, những cầu thủ trẻ, ít thi đấu là 1,5 triệu/tháng. Một trận thắng của đội cũng chỉ được thưởng 20 triệu và mỗi cầu thủ chia nhau khoảng 1 triệu", cựu HLV phó CA.HN, người từng dẫn dắt U.17, U.20 VN - Đặng Văn Thông cho biết.
Do cơ chế còn nhiều khó khăn nên thời điểm đó, mỗi khi thi đấu xa nhà, các cầu thủ di chuyển đến các tỉnh khác rất vất vả. Kế hoạch thi đấu, di chuyển phải lên từ đầu năm để trình lên lãnh đạo duyệt và thi đấu xa như vào TP.HCM mới được đi máy bay còn các tỉnh từ miền Trung đổ lại là phải đi bằng ô tô và tàu hoả.
"Cầu thủ bây giờ sướng, điều kiện đầy đủ và không phải lo nghĩ gì. Đi thi đấu là được đi máy bay, ở khách sạn sang chứ thời kỳ trước đây dù gắn mác chuyên nghiệp nhưng khổ lắm", ông Thông hồi tưởng lại.