TGĐ CLB Sông Lam Nghệ An, Nguyễn Hồng Thanh bày tỏ, đội bóng bị loại ở AFC Cup do nhiều yếu tố khách quan chứ không vì tư tưởng.
>>> Thua Johor DT, SLNA đánh rơi quyền tự quyết vào vòng knock-out AFC Cup 2018
>>> Tuấn Tài dứt điểm tinh tế, SLNA thắng Tampines Rovers tại AFC Cup 2018
“SLNA bị loại vì lý do khách quan, nếu buông chúng tôi đã buông ngay từ đầu. Nhìn thái độ thi đấu là biết. Dù đội hình không phải mạnh nhất nhưng nếu tình huống ở những phút cuối cùng, Văn Đức băng vào nhanh ghi bàn thì khác rồi”, TGĐ CLB SLNA, Nguyễn Hồng Thanh khẳng định sau khi đội bóng xứ Nghệ bị loại ở vòng bảng AFC Cup 2018.
Trước lượt trận cuối cùng, thầy trò HLV Nguyễn Đức Thắng vẫn còn có cơ hội đi tiếp nếu giành ba điểm trước Johor Darul Ta’zim. Một trận đấu quan trọng và đội bóng xứ Nghệ chỉ đem đến đội hình không phải mạnh nhất. Hai ngoại binh Olaha, Omar cùng Xuân Mạnh, Quế Ngọc Hải ở nhà.
Đại diện Việt Nam không thể tạo nên bất ngờ khi nhận thất bại 2-3 trên đất Malaysia. “Ở tình huống cuối trận, nếu Phan Văn Đức băng vào nhanh hơn chút nữa thì có thể gỡ hòa”, ông Thanh tiếc nuối.
Theo TGĐ của đội bóng xứ Nghệ, phải thông cảm cho SLNA vì cầu thủ đá nhiều giải. Đội bóng có nhiều cầu thủ chấn thương, như đá AFC Cup thì cả hai thủ môn đều bị chấn thương trong khi đá VĐQG một số trụ cột khác cũng bị vấn đề này.
“Chúng tôi tham gia nhiều giải, lịch thi đấu lại dày đặc nên ảnh hưởng đến sức khỏe, rủi ro cao. Nếu đá tập trung, không bị chi phối, có thể SLNA vào vòng knock-out”, lãnh đạo của SLNA bày tỏ.
SLNA cùng FLC Thanh Hóa cùng bị loại ở AFC CUp 2018. Đây là mùa giải thứ 4 liên tiếp, các đại diện của Việt Nam vắng mặt ở vòng knock-out sân chơi châu lục kể từ khi Vissai Ninh Bình và Hà Nội lọt vào tứ kết AFC Cup 2014.
Ông Thanh cho rằng, có nhiều nguyên nhân để các đội bóng chưa thành công ở sân chơi châu Á. “Tiềm lực tài chính đóng vai trò rất quan trọng. FLC Thanh Hóa có đầy đủ tài chính. Họ bị loại là do chuyên môn chứ không vì vấn đề khác, bởi FLC Thanh Hóa cũng khát khao tiến sâu để nâng thương hiệu. Còn với SLNA, chúng tôi lại không có được điều đó. Nếu có tiềm lực tài chính để thuê hết số lượng cầu thủ ngoại được phép, có chất lượng cao và giữ lại những trụ cột đã, chúng tôi tiến sâu vào giải là điều có thể.
Ngoài ra, điều kiện cơ sở vật chất cũng là mấu chốt. Ở vòng bảng trên sân nhà, chúng tôi đá 15h30 nên chuyện dàn đèn không quan trọng. Tuy nhiên, càng vào sâu, phải đá cùng khung giờ mà thường vào ban đêm thì lúc đó dàn đèn không đủ tiêu chuẩn, phải đi thuê sân nên phát sinh nhiều vấn đề. Đó là chưa kể mặt cỏ, ghế,... Vào càng sâu thì tiêu chuẩn càng cao hơn. Sân bóng đá đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế ở Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Đây là bài toán cho các đội bóng Việt Nam khi ra đấu trường quốc tế. Để nâng cao cơ sở vật chất, Nhà nước và các doanh nghiệp cùng làm mới tạo ra cuộc cách mạng cho bóng đá Việt Nam”, ông Thanh cho biết.