Theo đó, trong quyết định vừa được đưa ra, Liên đoàn bóng đá Australia (FFA) đã quyết định cắt giảm tới 70% số nhân viên hiện có. Đây là quyết định tạm thời, vừa là để các nhân viên ở nhà tránh dịch vừa là để tránh cơn khủng hoảng ngân sách khi các giải bóng đá đều đã bị hoãn và họ không có thêm nguồn thu nào để duy trì hoạt động.
Giải vô địch Australia (A-League) là một trong những giải bóng đá trụ lâu nhất trước đại dịch COVID-19. Tuy nhiên cuối cùng, giải cũng đã phải hoãn trước sự lây lan của dịch bệnh để đảm bảo an toàn cho cầu thủ, đội bóng và người hâm mộ. Chia sẻ trước truyền thông, Giám đốc điều hành FFA, James Johnson cho biết: “Việc ngừng hoạt động chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh thu, bao gồm phí đăng ký, tiền phát sóng, tài trợ và bán vé.
Vì vậy, chúng tôi cần phải điều chỉnh các hoạt động của mình để đảm bảo có thể duy trì hoạt động. Điều đó buộc chúng tôi phải đưa ra quyết định đáng tiếc với việc cắt giảm 70% lực lượng nhân viên hiện có”.
FFA có tổng cộng khoảng 100 người. Trong khi một số người được chuyển sang làm việc bán thời gian, những người khác sẽ nghỉ phép và có thể một số nhân viên khác buộc phải nghỉ làm mà không được trả lương. FFA cũng không đề cập đến chuyện cắt giảm tiền lương. Những người đứng đầu tổ chức này cũng cho biết đây chỉ là biện pháp tạm thời, họ sẽ tìm cách giúp các nhân viên trở lại hoặc tìm việc mới khi dịch cơn bão mang tên COVID-19 qua đi.
Được biết dù bóng đá không phải là môn thể thao số 1 ở Australia nhưng cũng thu hút tới 2 triệu người tham gia hoạt động và thi đấu cùng một lượng khán giả không nhỏ. Ngân sách thu về từ bóng đá dĩ nhiên là rất lớn, nhất là khi phải đến khi các giải đấu này kết thúc, các giải bóng bầu dục mới bắt đầu nên sự sụp đổ tài chính có thể sẽ tồi tệ hơn. Bởi thế, ngay khi dịch COVID-19 được đẩy lùi, FFA cần nhanh chóng tái thiết để đưa mọi thứ trở lại đúng quỹ đạo.