Mới rồi, ông Đực nói thế này: “Những người công nhân, người nghèo sống với nhau vui hơn, chứ người nghèo ngồi gần ông nhà giàu đi xe xịn, ăn mặc xịn thì mặc cảm. Chúng ta nên cách ly ra, có một khu vực riêng cho người thu nhập thấp...”.
Ông phân tích: “Người ta đang xây nhà thu nhập cao là 70-100m2 thì người thu nhập thấp làm sao có tiền để mua những căn hộ này được? Rồi chi phí dịch vụ ở nhà này cao thì người thu nhập thấp có chịu được hay không? Thứ ba là sinh hoạt phí của khu đó cao, ví dụ như một ly cà phê 20 ngàn hay ổ bánh mì 20 ngàn thì người thu nhập thấp có sống được không? Nên tôi nghĩ chúng ta phải thực tế là người thu nhập thấp phải ở riêng, ở một khu dành cho người thu nhập thấp”.
Và “trong cuộc sống chúng ta phải chấp nhận là người nghèo thì phải tìm một nơi nào xa một chút, đất rẻ một chút, rồi mặt bằng sinh hoạt rẻ, không thể nào ở trung tâm được…”. Đại để là như thế.
Đương nhiên, quan điểm kiểu ấy rất dễ bị phản ứng kịch liệt dù phải thừa nhận rằng, đôi chỗ ông này nói khá… có lý và chẳng phải sai hoàn toàn.
Ở góc độ nào đó, chuyện “nghèo thì phải chơi riêng” lại đúng với tình hình bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam bây giờ.
Những quy định về tài chính của bóng đá chuyên nghiệp nói chung bao giờ cũng có mức sàn và quy định khá rõ, nói là phân biệt giàu nghèo cũng được. Nó là quy định chung, anh đáp ứng được thì chơi, không thì nghỉ. Người ta buộc phải làm điều này bởi phải có khoản kinh phí hoạt động trên mức sàn thì CLB mới có khả năng đảm bảo quyền lợi về lương, thưởng cho cầu thủ, cho HLV… Nghĩa là đảm bảo các quyền tối thiểu cho những người tham gia cuộc chơi ấy.
Ở Việt Nam, mức sàn tham gia V.League là 35 tỷ, hạng Nhất là 15 tỷ đồng. Con số 1 triệu USD không hề nhỏ so với một tỉnh nghèo, bằng ngân sách trung bình cấp cho một huyện mỗi năm. Nhiều CLB nghèo, không kiếm đủ tiền thì chỉ còn cách giải thể.
Thực tế thì ở Việt Nam, đội bóng nào cũng nghèo. Cái nghèo ở đây được hiểu theo nghĩa là không thể tự nuôi sống, vẫn phải trông chờ vào “bầu sữa” từ những ông chủ hay doanh nghiệp. Ngừng tài trợ như rút ống thở là chết!
Thế nên, quy định và mức sàn dù có đưa ra cũng chỉ là tương đối. Tưởng là đủ đấy mà cũng có thể là thiếu ngay. Chẳng hạn như Khánh Hòa, tưởng hồi sinh nhưng cũng không chắc là “nguồn sữa” sẽ tồn tại đến bao giờ.
Về quy định của bóng đá chuyên nghiệp thì đúng là cần có những ranh giới giàu nghèo nhưng đặc thù ở Việt Nam thì khác, đôi khi lại là cái giàu ảo. Vì thế cứ thấy nghèo mà cách ly thì khó phát triển được phong trào và thúc đẩy địa phương làm bóng đá.
May mà ông Đực không làm bóng đá, để bóng đá, ít ra vẫn còn đôi chỗ… đất lành.