Thế nào là trẻ? Đúng đề tài mà Quốc hội đang bàn. Lâu nay, chúng ta vẫn mặc định dưới 16 tuổi được gọi là trẻ. Giờ đây, các đại biểu Quốc hội cho rằng cần nâng độ tuổi này lên 18.
Theo nghiên cứu của Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc, trong số quốc gia thành viên Công ước quốc tế về quyền trẻ em, đa số quy định độ tuổi trẻ em là dưới 18. Chỉ có 12,1% quốc gia quy định trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có Việt Nam. Có đại biểu còn cho rằng, thời điểm này mới điều chỉnh tuổi trẻ em từ dưới 16 lên dưới 18 đã là muộn, trong khi các nước xung quanh và thậm chí như Lào, Campuchia là 2 quốc gia gần nhất cũng đã quy định độ tuổi này và “lứa tuổi 16-18 có nhiều biến đổi về tâm sinh lý, rất nhạy cảm, cần được quan tâm đặc biệt để giúp trẻ em hoàn thiện nhân cách, phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần, được bảo vệ để không dễ bị lạm dụng”.
Thật ra chuyện nâng từ 16 lên 18 tuổi quy định là trẻ không đơn giản cứ quyết là xong. Nó liên quan đến Luật lao động, luật hình sự.
Có người còn cực đoan cho rằng, cần hạ xuống 14 tuổi vì xã hội bây giờ, lứa tuổi này còn manh động.
“Bọn trẻ” của bầu Đức - họ vẫn gọi như thế với lứa cầu thủ Công Phượng. Thậm chí tới đây, Phượng sang Nhật thi đấu, không hẳn để tích lũy kinh nghiệm mà có cảm giác cầu thủ này được đưa đi… gửi trẻ, tránh môi trường V.League một thời gian.
Hai năm liên tiếp, ở hai cuộc bầu chọn Quả bóng vàng, Công Phượng đều bị loại ra khỏi danh mục của người lớn mà vẫn ở “giải trẻ”. Đó là một sự thất bại của Phượng và đội ngũ truyền thông thân HA.GL.