Hiển nhiên, sẽ có người nói ngay: Đó là ngày nói dối. Nhưng với nhiều người, ngày 1/4 năm nay là một ngày đặc biệt: tròn 15 năm ngày mất Trịnh Công Sơn.
Cách đây khoảng 3 năm, tôi có viết một loạt bài về những điều chưa kể về Trịnh Công Sơn dựa trên tư liệu là những bài viết của bạn bè Trịnh Công Sơn, trong đó hình ảnh của nhạc sĩ tài hoa này với thể thao rất rõ nét. Đó là một Trịnh Công Sơn lẽ ra là một…võ sư chứ không phải là một nhạc sĩ, và phải đến một tai nạn thập tử nhất sinh “Trịnh mới vịn âm nhạc đứng dậy”. Rồi Trịnh Công Sơn là người sở hữu tới…3 quả thận, rất giỏi chơi bi-a…
Nhưng có một Trịnh Công Sơn- bóng đá. Xin trích một đoạn ở đây: “Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân trong bài “Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với “quê quán tôi xưa” có nhắc đến thân phụ của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn như sau (trích lược): “Trịnh Công Sơn người gốc làng Minh Hương, xã Hương Vinh, huyện Hương Trà. Thân sinh của Trịnh Công Sơn là ông Trịnh Xuân Thoa tức Trịnh Xuân Thanh (sinh năm 1915).
Ông Thanh xuất thân là một người “đóng đồ Tây” và nhờ sự giúp đỡ của thầy là ông Lê Minh, ông sớm trở thành một doanh nghiệp cạnh tranh với các chủ người Pháp, người Trung Quốc trong việc gia công quân phục cho quân đội Pháp ở Huế. Bản tính ông tháo vát, nhanh nhẹn, lịch thiệp, lại thêm đẹp trai nên việc giao dịch làm ăn của ông được dễ dàng. Năm 1936, người anh của ông Thanh là Trịnh Xuân Tích đang làm ăn ở Buôn Mê Thuột nhận thấy ở vùng đất mới này cần một người có đầu óc kinh doanh như Trịnh Xuân Thanh nên ông đã gửi thư khuyên em nên đưa gia đình lên Ban-mê-thuột làm ăn.
Ngoài việc kinh doanh, Trịnh Xuân Thanh còn là một cầu thủ bóng đá xuất sắc của đất Cao nguyên. Năm 1939, Trịnh Công Sơn ra đời ở Buôn Mê Thuột trong hoàn cảnh thuận lợi như thế”. Việc thân sinh của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn có phải là “một cầu thủ bóng đá xuất sắc của đất Cao nguyên” hay không thì rất ít tư liệu nhắc đến. Năm 1955, ông Xuân Thanh mất vì tai nạn giao thông, năm ấy Trịnh Công Sơn 16 tuổi. Tuy vậy có một điều chắc chắn là Trịnh Công Sơn mê đá bóng, hay nói đúng hơn là mê các danh thủ bóng đá. Nhà văn- đạo diễn Lê Văn Duy (quen Trịnh Công Sơn mấy mươi năm, đã làm nhiều phim chân dung nhạc sỹ) khi làm phim “Chút kỷ niệm với Trịnh Công Sơn” kể rằng: “Anh mê bóng đá, trong phòng riêng của anh trưng bày nhiều bức tượng sứ cầu thủ bóng đá nổi tiếng...”
Cứ gần đến ngày 1/4, tôi nhớ mãi mấy câu này, trong một tản văn của Trịnh Công Sơn: “Những ai đã đi đến với đời thì phải có lúc lìa xa nó. Một cõi đi về. Chết là sự tan biến của thể xác. Nhưng sống không chỉ là sự tồn tại của thân xác. Nhiều người còn sống mà tưởng chừng như đã chết. Nhiều người chết mà vẫn còn sống trong trí nhớ mọi người. Trong câu chuyện đời chung, kẻ này quên thì người kia phải nhớ. Một ý tưởng chợt tắt để làm mầm chuyển hoá cho một ý tưởng khác nảy sinh.
Cái mất không bao giờ mất hẳn. Cái còn không hẳn mãi là còn”.