Nghịch lý trọng tài Việt

Nhà báo Hữu Bình
thứ sáu 18-5-2018 11:44:14 +07:00 0 bình luận
Việc điều khiển thành công một trận đấu ở giải Cúp Quốc gia vốn được xem là chuyện rất bình thường. Ấy vậy mà trên công luận, sau trận đấu lại thấy người ta trầm trồ chúc mừng cứ như trọng tài vừa được "ân xá" hay... tai qua nạn khỏi.

1. Đối với 1 trọng tài đẳng cấp FIFA, trong nhóm Elite (tức được xem là đủ trình độ làm nhiệm vụ tại đấu trường lớn cỡ... World Cup) như Nguyễn Hiền Triết, việc điều khiển thành công một trận đấu ở giải Cúp Quốc gia vốn được xem là chuyện rất bình thường. Ấy vậy mà trên công luận, sau trận đấu lại thấy người ta trầm trồ chúc mừng cứ như trọng tài vừa được "ân xá" hay... tai qua nạn khỏi.

Chớ quên rằng trước đó đã có 2 trọng tài đẳng cấp FIFA khác từ chối, không phải vì kém chuyên môn mà vì không muốn... "dây vào đội bầu Đức". Bỗng dưng việc điều khiển 1 trận đấu của Hoàng Anh Gia Lai không biết từ bao giờ đã trở thành nỗi ám ảnh đối với các trọng tài Việt?!

Sau 4 mùa bóng, kể từ khi lứa tài năng trẻ với những Công Phượng – Văn Toàn – Xuân Trường – Tuấn Anh - Văn Thanh... ra lò, HAGL đã trở thành đội bóng có đông khán giả hâm mộ bậc nhất cả nước. Bầu Đức cũng theo đó, trở thành ông bầu ồn ào nhất, có nhiều phát biểu to tiếng nhất, một phần vì trên công luận, không phải vì ông là Phó chủ tịch VFF, mà vì ông được ví như một bậc "công thần" của bóng đá Việt!

Sự ồn ào kéo theo tỷ lệ thuận những vụ việc liên quan tới trọng tài được ghi nhận, sau 4 mùa liên tiếp vừa qua có tới 14 vụ trọng tài bị cho là sai sót nghiêm trọng khi điều khiển các trận đấu có HAGL: Thổi sai cho HAGL có, mà thổi sai cho đối thủ của HAGL cũng có. Đương nhiên, theo chiều hướng nào thì những cái sai ấy cũng khó mà "sống sót" được với công luận, hoặc sẽ bị bầu Đức "truy cứu" đến nơi...

Nghịch lý trọng tài Việt  - Ảnh 1.

Trọng tài bị áp lực không chỉ từ 2 đội bóng mà còn vì trận đấu bị dư luận "soi", áp lực từ phía khán giả. Ảnh; Hải Đăng

Vì sao tỷ lệ sai sót khi điều khiển trận đấu của HAGL lại gia tăng? Có thể lý giải bằng nhiều nguyên nhân: Trọng tài bị áp lực không chỉ từ 2 đội bóng mà còn vì trận đấu bị báo chí "soi", áp lực từ phía khán giả (bao gồm rất đông "fan cuồng")... Tất cả tạo nên một thứ gánh nặng tâm lý rất đáng sợ đè nặng lên họ từ trước khi bước vào sân làm nhiệm vụ. Áp lực ấy khiến nhiều trọng tài đánh mất sự tự tin – một trong 2 yếu tố vô cùng quan trọng (bên cạnh sự cứng cáp về chuyên môn) – và càng dễ trở nên sai sót.

2. Lâu lắm rồi, người ta mới thấy một trận đấu ở giải Cúp quốc gia - bấy lâu vốn chỉ được coi như "sân chơi phụ" – lại có sức hút như vậy đối với cánh báo chí và người hâm mộ.

Một vạn rưỡi khán giả, hàng trăm phóng viên báo chí, bầu không khí cuồng nhiệt đến ngỡ ngàng, ánh mắt của các lãnh đạo VFF, VPF, 2 ông bầu quyền uy nhất nước... Nhưng cuối cùng trận lượt về cũng "về đích an toàn". Sau "cơn địa chấn" tại VCK U23 châu Á, cuộc đối đầu giữa đội Hà Nội (được gọi vui là "quân bầu Hiển") với Hoàng Anh Gia Lai (tức "quân bầu Đức") – 2 đội có đông quân nhất trong màu áo U23, bỗng nhiên trở thành một thứ "derby kiểu mới" hút khách bậc nhất trong bóng đá Việt, và theo đó, cũng rất hút... "View" đối với cánh báo chí.

Nghịch lý trọng tài Việt  - Ảnh 2.

Cuộc đối đầu giữa Hà Nội FC và HAGL trở thành "derby kiểu mới" hút khách bâc nhất trong bóng đá Việt. Ảnh: Hải Đăng

Và bởi như thế, nên tất tật những gì liên quan tới trận đấu này đều "hot", từ lực lượng hai bên tới trọng tài nào được phân công điều khiển. Chuyện trọng tài thậm chí còn trở thành vấn đề nóng nhất sau sự cố ở trận tứ kết lượt đi (hòa 2-2 tại Pleiku) liên quan tới trọng tài Ngô Duy Lân bị đội khách tố đã thổi thiên vị cho đội chủ nhà, chỉ ít ngày sau khi một người đồng nghiệp của anh là trọng tài Nguyễn Văn Kiên bị bầu Đức "tấn công" dữ dội trên báo chí, bị HAGL kiện, rồi bị BTC cho "nghỉ dài" vì đã khiến đội bóng phố núi đánh mất chiến thắng ở vòng 7 V.League.

Mừng thay cho Cúp quốc gia nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ giới mộ điệu, nhưng không khỏi lo thay cho nhiều giá trị trở thành mong manh hơn bao giờ hết, vì trong trận đấu ấy, chỉ cần trọng tài gặp vài sai sót thôi là mọi thứ trở nên tan vỡ!

3. Chớ quên rằng trọng tài cũng là con người, nên họ cũng có thể phạm sai sót!

Cái sai của trọng tài thông thường có thể đến từ 1 trong 3 chiều hướng: Một là, do phán đoán, nhận định sai đơn thuần; Hai là, vì chủ quan hoặc tư duy "thổi bù" và "vận dụng luật"; Ba là, cố tình sai để làm lợi cho một bên nào đó!

Trường hợp thứ 3 là khi trọng tài xấu cố tình lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi, họ thường vi phạm và chối tội bằng cách tự đặt mình vào 2 nguyên nhân đầu để đánh lạc hướng dư luận. Vào các năm 2005-2006, đã có hàng chục trọng tài Việt Nam phạm sai sót kiểu này bị truy tố, phải ngồi tù, hoặc vĩnh viễn "mất nghiệp" vì tham gia đường dây trọng tài đen của Lương Trung Việt, nhận tiền của một số đội bóng để cố tình làm sai lệch kết quả các trận đấu!

Còn trong 2 trường hợp đầu, ngay cả các trọng tài đẳng cấp thế giới cũng vẫn có thể mắc lỗi, tùy thuộc vào tình huống, góc quan sát, trạng thái tâm lý hoặc tính chất trận đấu. Nhưng ở Việt Nam còn 1 dạng sai sót của các trọng tài xuất phát từ áp lực vô hình từ chính các đội bóng và công luận. Vì nguyên nhân này mà nhiều mùa giải qua, BTC V.League đã phải mời một số trọng tài "ngoại" sang làm nhiệm vụ ở những vòng cuối, không phải vì trình độ của các trọng tài này tốt hơn mà vì họ sẽ không phải chịu dạng áp lực như các đồng nghiệp Việt Nam.

Nghịch lý trọng tài Việt  - Ảnh 3.

Trọng tài cũng là con người, nên họ cũng có thể phạm sai sót. Ảnh: Hải Đăng

Chớ quên rằng, trong suốt tiến trình lịch sử, các trọng tài FIFA của Việt Nam chưa từng phạm phải những sai sót nặng khi làm nhiệm vụ quốc tế; nhưng một số người khi trở về làm nhiệm vụ ở V.League thì lại gục ngã!

Để giải quyết nghịch lý này, chúng ta chỉ có thể trông đợi vào một môi trường giàu LÝ TÍNH hơn. Ở đó, người ta tôn trọng tuyệt đối luật chơi, các lãnh đạo đội bóng không còn sẵn sàng xông ra tạo áp lực và chửi bới trọng tài; Ở đó, người hâm mộ không "cuồng" đến nỗi bất chấp phải trái trong việc phản ứng với các quyết định của trọng tài (qua đó tạo thành áp lực vô hình đối với họ); Ở đó, các cây viết về bóng đá cũng hiểu luật, hiểu cả cách vận dụng luật, và hiểu những khó khăn của các trọng tài khi làm nhiệm vụ để không đưa ra những nhận xét chủ quan, cảm tính; Và ở đó, các ông bầu không tạo áp lực (cũng không đủ khả năng tạo nên áp lực) đối với BTC giải, hay Ban kỷ luật....

Chừng nào chưa có được môi trường ấy, thì trọng tài Việt Nam còn phải đối mặt những nghịch lý và gồng mình làm nhiệm vụ với những nỗi ám ảnh vô hình!

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm