Ở đây có một vấn đề. Nếu những đội bóng thuộc diện “con nhà nghèo” như Cà Mau, Kiên Giang, An Giang… dám đảm bảo rằng chỉ cần 5 tỷ đồng là có thể chơi hạng Nhất “ngon lành” thì sao? Liệu một đội bóng, dù có chuyên môn, cứ phải bắt buộc phải theo những quy định “cao vọt” như 35 tỷ đồng ở V.League và 15 tỷ đồng với hạng Nhất?
Năm ngoái, ông bầu Đoàn Nguyên Đức đã bất ngờ đưa ra vấn đề này khi bật mí rằng: “Một đội bóng dự giải bóng đá chuyên nghiệp cao nhất Việt Nam chỉ cần 12 tỷ đồng, nếu 15 tỷ đồng thì dư dả, còn các đội dự hạng Nhất chỉ cần từ 8-10 tỷ đồng mỗi mùa là sống khỏe”.
Bầu Đức khẳng định: “Nếu quan tâm đến đào tạo trẻ, bớt nhiều khoản chi không cần thiết, các đội dự V.League chỉ cần 12-15 tỷ đồng, còn đội dự hạng Nhất từ 8-10 tỷ đồng. Như ở CLB HA.GL, chúng tôi lên kế hoạch tài chính chi tiết rồi. Phương án không có ngoại binh hết 12 tỷ đồng, gồm tất cả chi phí ăn, ở, đi lại thoải mái. Phương án có hai ngoại binh khoảng 15 tỷ đồng. Các CLB làm tốt đào tạo trẻ thì cần 15 tỷ đồng trở xuống là chơi tốt”.
Tất nhiên, không phải tính toán của bầu Đức là đúng 100% và HA.GL khác với nhiều CLB, địa phương khác. Tuy nhiên, điều ông Đức nói không phải có lý, khi nhìn vào thực tế đốt tiền ở BĐVN. Song các đội bóng phản ứng rầm rầm, bảo rằng tính toán như thế thì… chết. Nhiều địa phương chuẩn bị quyết toán lấy tiền ngân sách chi cho bóng đá, nghe thấy ông bầu Đức bảo chỉ cần 1/2 số tiền là làm bóng đá được bỗng thu hẹp hầu bao.
Đặt vấn đề những quy định về tài chính của VFF là quá cao, gây khó cho những đội nhà nghèo, TGĐ VPF khi đó Phạm Ngọc Viễn có nói rằng: “Con số quy định như trên là không cao. Trước khi đưa ra mức trên, BTC đã có sự tính toán dựa trên đầy đủ các cơ sở. Đây là số tiền cần thiết để các CLB đảm bảo chi phí hoạt động và cả cho đào tạo trẻ. Thực tế nếu không tính chi phí đào tạo trẻ thì chi phí hoạt động của các CLB cũng không quá lớn. Mùa trước chúng tôi biết có những đội chỉ hơn 20 tỷ đồng đã đủ hoạt động. Khoản lớn nhất các CLB phải chi chỉ là lương, chiếm 40% kinh phí. Hoạt động bóng đá những năm qua tốn kém vì các doanh nghiệp đầu tư vào, đẩy giá chuyển nhượng cùng các chi phí khác lên quá cao. Việc mua sắm cầu thủ ngoại đã được hạn chế, số lượng cầu thủ nhập tịch cũng được giới hạn nên tôi cho rằng các CLB sẽ không phải chi nhiều như trước”.
Tất nhiên, là chẳng có chuyện VPF “giảm trừ gia cảnh”.
Nhưng lúc này, ngay cả trên bàn nghị sự tại Quốc hội, chuyện thắt lưng buộc bụng, hạn chế chi tiêu cũng đã được bàn đến. Phải chăng cũng là lúc, VFF và VPF nên nới lỏng những quy định về tài chính, nhằm tạo cơ hội cho các đội bóng tham gia sân chơi thuộc về mình thay vì phải chia tay bởi thiếu kinh phí.
Lúc này là lúc phải tạo ra môi trường cho bóng đá hồi sinh, chứ không phải chỗ những quan chức làm bóng đá, ngồi máy lạnh và ra… chính sách.