Nhà báo Phan Đăng: Phản biện? Không phản biện!

thứ bảy 17-10-2015 14:36:43 +07:00 0 bình luận
Năm  2012, PCT tài chính VFF khoá VI Lê Hùng Dũng đã bày tỏ ý định “mời thầy Nhật” về dẫn dắt ĐTVN. Đến năm 2014, khi trở thành Chủ tịch VFF khóa VII, ông Dũng lập tức cụ thể hoá chiến lược này. Thầy Nhật, chắc chắn phải là thầy Nhật.

Ừ thì Nhật. Vấn đề là Nhật tốt ở chỗ nào? Phù hợp với ta ra sao? Và khi mời thầy Nhật rồi thì ta cần phải hỗ trợ, tư vấn như thế nào hay cứ thế mà… khoán trắng? Đấy rõ ràng là những câu hỏi – những sự phản biện đáng phải đặt ra trước khi đi tới quyết định thuê thầy. Nhưng chẳng ai đặt ra, hoặc không được tạo điều kiện để đặt ra. Cả một Đội tuyển, cả một nền bóng đá cứ thế mà “Nhật hóa” theo ý tưởng của ông Chủ tịch cùng một ông PCT vốn là cánh tay, thậm chí có những lúc là “người dẫn đường” đắc lực cho ông Chủ tịch.

Nhà báo Phan Đăng: Phản biện? Không phản biện!
HLV Miura truyền nhiệt huyết cho học trò.

Đến khi thầy Nhật sang, giúp ĐT Olympic bùng cháy tại Asian Cup và AFF Cup  thì tất cả đều nhìn thầy Nhật theo một guồng: Giỏi, tốt, cách mạng. Thì đúng là giỏi, là cách mạng nhưng sau những cái mỹ miều ấy chắc chắn cũng lộ ra những mặt cần rút kinh nghiệm hay phản biện gì chứ, vì xét cho cùng ở cả 2 giải đấu tự coi là thành công này chúng ta đều không thể đi tới cái đích sau cùng.

Đến trận đấu Việt Nam – Đài Loan (Trung Quốc), khi thầy Nhật “ép” cả đội chơi bóng dài, bóng bổng thì chính các cầu thủ, dù không phải tất cả, cũng cảm thấy bất ổn. Tôi hỏi một cầu thủ: “Tại sao không dám trình bày công khai sự bất ổn của mình, để HLV hiểu mình hơn?”. Câu trả lời: “Khó lắm anh à! Việc của tụi em là cứ cố mà đá thôi”. Đến trước trận Việt Nam – Thái Lan vừa rồi, khi sơ đồ 3-5-2 được đóng chốt thay cho sơ đồ 4-4-2 đang tạo ra thành công bất ngờ (trận hoà Iraq 1-1) thì nhiều cầu thủ cũng thấy lạ nhưng tất nhiên với cái tư duy” việc của tụi em là cứ cố mà đá thôi.”, không ai dám ý kiến gì.

Đúng là ở vị trí của những người học trò, đòi hỏi các cầu thủ ý kiến ngược trở lại là rất khó. Nhưng những vị trí khác thì sao? Những ông trợ lý cho thầy Nhật đâu rồi ? Những ông trong Hội đồng HLVQG đâu rồi? Và cả những nhân vật chăm lo mảng chuyên môn VFF nữa? Tại sao tất cả đều im lặng, thay vì đưa ra những phản biện, góp ý. Và xin nhấn mạnh chỉ dừng lại ở mức độ phản biện,  góp ý, chứ không đẩy mọi thứ tới mức chống đối, hay chống phá?

Trong suốt quá trình thầy Nhật lèo lái ĐTQG theo cách của mình cũng đã có những phản biện đây đó. Chẳng hạn như sau trận đấu với Đài Loan (Trung Quốc), bộ phận chuyên môn VFF đã góp ý với thầy Nhật về mặt trái của lối chơi bóng dài, bóng bổng. Và cũng sau trận đấu này ông PCT tài chính VFF Đoàn Nguyên Đức còn “góp ý” mạnh tới mức đề nghị thầy Nhật nên về nước. Nhưng phản biện, góp ý thứ nhất chỉ diễn ra một cách đột xuất, thiếu hẳn tính thường xuyên, còn góp ý thứ hai lại mang màu sắc cực đoan với những tính toán, ăn thua cá nhân, và đặc biệt là người góp ý lại “đứng trên tư cách của một NHM chứ không phải tư cách của PCT VFF đâu nhé”.

Rõ ràng, từ lúc chiến lược thuê thầy Nhật mới chỉ tồn tại trong đầu ông chủ VFF đến lúc thầy Nhật chính thức xuất hiện, thành công và thất bại với ĐTVN, màu sắc của sự phản biện tích cực ở VFF gần như không tồn tại. Và vì thế bài học trong câu chuyện này chính là bài học về một cơ chế phản biện đúng đắn.

Chừng nào chúng ta xây dựng được một cơ chế phản biện như vậy, chừng đó công việc của HLV trưởng, kể cả đấy là thầy Nhật, hay thầy Đức, Pháp, Lào, Campuchia… mới thực sự đạt được hiệu quả tối đa!

PHAN ĐĂNG

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm