Công An HN và những năm 2000 bước lên chuyên nghiệp

thứ hai 18-7-2016 10:54:11 +07:00 0 bình luận
Thời mới lên chuyên nghiệp, để di chuyển đến địa phương khác thi đấu với một đội bóng như CAHN là cả vấn đề, do tài chính và khó khăn hơn bây giờ rất nhiều...

Thời mới lên chuyên nghiệp, để có thể di chuyển đến địa phương khác thi đấu mỗi cuối tuần với một đội bóng như CAHN là cả vấn đề, khi phải lo đủ thứ do tài chính eo hẹp và các phương tiện đi lại còn nhiều khó khăn hơn bây giờ...

Cũng giống như đội bóng hàng xóm Thể Công, CAHN gặp rất nhiều khó khăn về mọi mặt trong thời điểm mà giải chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam với tên gọi Strata V.League 2000 chính thức ra đời.

Được sự tài trợ của Tập đoàn sơn Joton, nghành và Sở TDTT Hà Nội đứng đằng sau hỗ trợ nhưng thu nhập, điều kiện chế độ ăn ở, đi lại của các cầu thủ CAHN là rất thấp, nếu đem so sánh với mặt bằng chung các đội bóng doanh nghiệp khác như Gạch ĐTLA, HA.GL và B.Bình Dương thời điểm bấy giờ.

Theo ước tính, kinh phí hoạt động của CAHN thời điểm năm 2000 rơi vào khoảng 3 tỷ đồng. Số tiền này bao gồm cả ngân quỹ hoạt động cho đội 1 và hệ thống đào tạo trẻ. Như thế cũng có nghĩa, số tiền nuôi cả đội bóng CAHN trước đây chỉ có thể ký 1 năm hợp đồng, với một cầu thủ thuộc diện ngôi sao của BĐVN thời điểm hiện tại.

Những chuyến tàu bão táp mang tên bóng đá chuyên nghiệp
Kinh phí hoạt động của CAHN những năm 2000 là rất hạn hẹp. Ảnh Quang Minh

So với mặt bằng chung các đội bóng thuộc diện nhà nghèo ở V.League bây giờ như Đồng Tháp, S.Khánh Hòa, kinh phí hoạt động của CAHN còn kém gấp 10 lần và với những đội bóng thuộc diện đại gia như FLC Thanh Hóa, B.Bình Dương... thì con số này thấp hơn khoảng 20 lần.

Cũng như Thể Công, mức lương của các cầu thủ CAHN thời điểm đó được tính theo quân hàm và nhận thêm sự hỗ trợ phần nhỏ của nhà tài trợ. Với những ngôi sao như Minh Hiếu, Tuấn Thành, Trung Phong, Thành Tôn được hưởng lương loại 1 với số tiền khoảng trên 3 triệu đồng/tháng. Loại 2 là 2 triệu/tháng và loại 3, gồm nhiều cầu thủ trẻ, dự bị khoảng 1,5 triệu/tháng.

Kinh phí hạn hẹp nên kế hoạch ăn gì, tiêu gì, đi đứng như thế nào được đội bóng trình lên lãnh đạo phê duyệt từ đầu năm. Không giống như bây giờ khi các đội bóng được "chăm lo đến tận răng", đi thi đấu ngoại trừ các tỉnh gần phải di chuyển bằng ô tô, tàu hỏa, còn lại đều thường xuyên đi và về bằng máy bay.

Đó là sự khác biệt, nếu nhìn vào hành trình di chuyển rất vất vả đến địa phương khác thi đấu mỗi dịp cuối tuần của một đội bóng như CAHN thời điểm những ngày đầu lên chuyên nghiệp.

"Nếu thi đấu xa nhà ở các địa phương trong miền Nam, đội sẽ được ưu tiên đi máy bay. Tuy nhiên, vé hầu hết được đặt trước cả năm và là vé rẻ nên nhiều khi chuyến bay bị delay có lúc mất nguyên cả ngày, cả đội ngồi vạ vật ở sân bay rất mệt mỏi. Đá ở các tỉnh miền trung từ Đà Nẵng, Huế, Nghệ An thì được đi bằng tàu hoả", cựu HLV phó CAHN Đặng Văn Thông cho biết.


Điều kiện chế độ và sinh hoạt của các cầu thủ CAHN gặp nhiều khó khăn. Ảnh Quang Minh

Do tuyến đường bộ và đường sắt thời điểm đó chưa được nâng cấp hiện đại như bây giờ nên mỗi khi di chuyển vào các tỉnh miền Trung thi đấu, có thể xem là một lần "hành xác" của các cầu thủ CAHN.

Mỗi chuyến tàu đi từ Hà Nội vào Đà Nẵng hay Huế đều mất 1 ngày mới đến nơi. Thế nên để đảm bảo thể lực, có sự chuẩn bị tốt nhất cho trận đấu, toàn đội phải di chuyển từ đầu tuần.

"Nhiều khi đi xa và mất nguyên cả ngày trời nên hầu hết phải sinh hoạt, ăn uống trên tàu rất vất vả. Không có nhiều sự lựa chọn nên chỉ ăn cơm hộp và mỳ gói cho chắc dạ qua bữa", một cựu cầu thủ CAHN nhớ lại.


Không được đầu tư nhiều nhưng cùng với Thể Công, CAHN là một trong những đội bóng được yêu mến nhất VN  trước đây. Ảnh Quang Minh

Với các cầu thủ nội, từng "nằm gai nếm mật" và quá quen với môi trường sống thời bao cấp thì đó là chuyện bình thường. Thế nhưng với các cầu thủ nước ngoài sang Việt Nam thì việc ăn ở, sinh hoạt như thế còn hơn cả ác mộng.

Thế mới có câu chuyện, giống như một giai thoại và kỷ niệm khó quên thời mới lên chuyên nghiệp được các thành viên của CAHN truyền tai nhau rằng: Do thể hình quá khổ nên các ngoại binh người Nga của đội bóng nghành Công an không thể nằm vừa, thừa hẳn ra gần một cái chân trên chiếc giường ngủ của tàu. Quá vất vả trong hành trình di chuyển bằng tàu hoả, các ngoại binh đến từ châu Âu này từng phải thốt lên và ví một buồng ngủ trên tàu giống như... "chuồng heo".

Đi lại thi đấu đã vất vả, chế độ ăn ở của các cầu thủ CAHN cũng rất khó khăn. Một ngày các cầu thủ được tính tiền ăn khoảng 80 nghìn/ngày. Trong đó ăn sáng với một cầu thủ đá chính, cỡ ngôi sao như Minh Hiếu, Tuấn Thành, Trung Phong... được phát 20 nghìn đồng, còn các cầu thủ trẻ, thường xuyên dự bị chỉ được phát 10 nghìn đồng.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm