Những “di sản” dưới thời bầu Đệ trước khi chuyển giao cho bầu Đoan

Phương Nam
thứ tư 10-2-2021 7:37:06 +07:00 0 bình luận
V.League 2021 đang tạm nghỉ để đón Tết nguyên đán, nhưng CLB Thanh Hóa những ngày qua không bình yên. Bởi họ liên tiếp dính vào các vụ bê bối kiện tụng thời bầu Đệ.

Trong những ngày mới đây, CLB bóng đá Thanh Hóa liên tục điêu đứng trước những thông tin kiện tụng. Trước vụ kiện của HLV Fabio Lopez, CLB Thanh Hóa từng nhận phán quyết từ FIFA chi trả 1,3 tỷ đồng cho cầu thủ Idrissa Sega Cisse.

Cụ thể, năm 2019 dưới quyền bầu Đệ, Thanh Hóa ký hợp đồng có thời hạn 2 năm đến tháng 10/2021 với Idrissa Sega Cisse. Tuy nhiên, vì những lý do khác nhau, Cisse không thi đấu trận nào cho đội bóng xứ Thanh và bị thanh lý hợp đồng từ trước khi mùa giải 2020 diễn ra.

Nóng mặt với cách ứng xử của đội bóng xứ Thanh, Cisse kiện lên FIFA, đòi bồi thường 372.070 USD (khoảng 8 tỷ đồng). Sau những khúc mắc giữa hai bên, cuối cùng, Cisse được FIFA xử thắng kiện. Tuy nhiên những yêu cầu bồi thường của cầu thủ này chỉ được FIFA chấp nhận một phần. Thay vì hơn 8 tỷ đồng, Thanh Hóa chỉ phải trả 58.420 USD cho Cisse (khoảng hơn 1,3 tỷ đồng).

Bầu Đệ sau khi chia tay bóng đá Thanh Hóa để lại những thông tin không vui khi đội bóng liên quan đến kiện tụng. Ảnh: Đình Viên.

Mới đây nhất, HLV Lopez cho rằng, ông được FIFA công bố thắng kiện đội bóng cũ Thanh Hóa. Theo đó, FIFA ra phán quyết yêu cầu Thanh Hoá sẽ phải trả cho HLV Lopez cùng trợ lý đồng hương khoảng 200.000 USD vì vi phạm hợp đồng.

Đây là thông tin kém vui với lãnh đạo bóng đá Thanh Hóa. Bởi thực tế, CLB bóng đá Đông Á Thanh Hóa (bầu Đoan)  tiếp quản từ Chủ tịch Nguyễn Văn Đệ đã xảy ra vấn đề kiện tụng nói trên. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại bầu Đệ đã rút lui khỏi bóng đá xứ Thanh. CLB bóng đá Đông Á Thanh Hóa là cơ sở duy nhất để FIFA áp dụng án phạt trên.

Bầu Đệ - nguyên Chỉ tịch CLB bóng đá Thanh Hóa có những lý do khác nhau về việc chấm dứt hợp đồng với cầu thủ ngoại Cisse và HLV Lopez. Tuy nhiên, hậu quả mà bầu Đệ để lại đến lúc này cho người tiền nhiệm rất phức tạp. Nếu đã có phán quyết từ FIFA, trước sau gì Thanh Hóa cũng phải chi trả hai khoản tiền nói trên, nếu đội bóng này muốn tiếp tục hoạt động. Từ cái nhìn khách quan hay chủ quan, hay sự thiếu hiểu biết về luật khiến Thanh Hóa dưới thời bầu Đệ liên tục dính vào kiện tụng, đánh mất đi hình ảnh của đội bóng.

Không chỉ với các cầu thủ và HLV ngoại, ngay cả với chân sút nội và HLV nội, không ít lần bầu Đệ “lật mặt” trong các thương vụ tiền tỷ. Tiền đạo Nguyễn Việt Thắng hay cựu trung vệ ĐT Việt Nam – Huỳnh Quang Thanh là một ví dụ.

Thanh Hóa trong những mùa giải gần đây thiếu đi tính ổn định do quyết định của các ông bầu. Ảnh: Đình Viên.

Bộ đôi cầu thủ này phải tự trả tiền vé máy bay để di chuyển ra Thanh Hóa, theo lời hứa của bầu Đệ. Tuy nhiên, sau khi có mặt ở đội bóng, ông bầu này hẹn một quán ăn và cho trợ lý làm việc. Khi hai bên không có tiếng nói cuối cùng, cầu thủ thường rơi vào trường hợp bị động, đi không được ở không xong. Bởi theo các cầu thủ chia sẻ khi ấy thị trường chuyển nhượng gần như đã đóng cửa.

Hai mùa giải liên tiếp V.League 2019, 2020 Thanh Hóa dưới triều đại của Chủ tịch Nguyễn Văn Đệ có hai “chiến tướng” thuộc hàng xuất sắc là HLV Nguyễn Đức Thắng và HLV Nguyễn Thanh Công. Tuy nhiên, cũng vì lý do can thiệp sâu vào chuyên môn, khiến cả hai phải chia tay đội bóng.

Bóng đá xứ Thanh được nhận định có tiềm lực và sự phát triển nhưng sự đầu tư và cách làm chưa thật sự hợp lý. Ảnh: Đình Viên.

Thực tế, bóng đá Thanh Hóa trong thời gian qua đang gặp rất nhiều vấn đề bất ổn. Không chỉ ở bộ mặt thượng tầng, nhìn các đơn vị quản lý, nhà tài trợ đến rồi đi với bóng đá Thanh Hóa đã thấy rõ vấn đề.

Nếu một CLB muốn phát triển ổn định, họ cần có sự đầu tư bài bản và lâu dài. Tuy nhiên, trong thời gian qua Thanh Hóa thay logo đội bóng, thay đổi nhà tài trợ như thay áo. Từ Halida Thanh Hóa, XM Công Thanh, Lam Sơn Thanh Hóa, Thanh Hóa FC, FLC Thanh Hóa và giờ đây là Đông Á Thanh Hóa.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm