Những người thầy có ảnh hưởng lớn nhất đến bóng đá Việt Nam

thứ ba 20-11-2018 16:33:54 +07:00 0 bình luận
HLV thể thao nói chung, bóng đá nói riêng luôn là những người thầy đặc biệt. Họ không đứng trên giảng đường mà cùng các học trò phơi mình với nắng gió. Họ không chỉ dạy lý thuyết, mà đa số chú trọng hơn về thực hành, với những trải nghiệm thực tế từ chính nghiệp cầu thủ của mình trước đó.

HLV thể thao nói chung, bóng đá nói riêng luôn là những người thầy đặc biệt. Họ không đứng trên giảng đường mà cùng các học trò phơi mình với nắng gió. Họ không chỉ dạy lý thuyết, mà đa số chú trọng hơn về thực hành, với những trải nghiệm thực tế từ chính nghiệp cầu thủ của mình trước đó.

Từ những bậc tiền bối khả kính

Trong những năm 1950-60, làng bóng đá phía Bắc cùng lúc nổi tiếng hai người thầy cùng miệt mài lăn lộn với phong trào, góp sức cho sự phát triển của bóng đá ở Hải Phòng và Nghệ An trong một thời gian dài...

Tại đất Cảng, thầy Nguyễn Lan là một bậc trưởng bối rất đáng kính trọng. Ông thuộc lớp những cầu thủ đầu tiên của bóng đá đất Cảng trước Cách mạng tháng Tám, cùng thời những tên tuổi như Hoàng Kính Châu, Mùi Pố, Chi "móm", Nguyễn Nhân... Sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được khai sinh, ông đã cùng với người đồng đội Nguyễn Nhân trực tiếp phát hiện, đào tạo nhiều lớp tài năng trẻ, để rồi họ đều trở thành các danh thủ sau này như Trần Bình Sự, Trần Văn Phúc, Trần Hùng (Hùng "xồm"), Phan Văn Mỵ, Lê Quang Ninh (Ninh "đen")...

Những người thầy có ảnh hưởng lớn nhất đến bóng đá Việt Nam - Ảnh 1.

HLV Trần Bình Sự - một trong những học trò tiêu biểu của thầy Nguyễn Lan

Cùng thời điểm ấy, ở xứ Nghệ vang danh thầy Trần Xuân, một cựu cầu thủ của đội Hồng Bàng (Nam Định) vào Nghệ An lập nghiệp từ năm 1941, sau đó lập nên đội bóng "áo vàng" (sau đổi thành đội Phan Đình Phùng) có tiếng giai đoạn những năm kháng Pháp. Sau kháng chiến chống Pháp, ông gia nhập Ty Thể thao, trở thành HLV bóng đá trẻ vô cùng tâm huyết, rồi trực tiếp đào tạo nên nhiều thế hệ học trò, trong đó nổi bật có Nguyễn Thành Vinh (sau này là HLV trưởng lâu năm nhất của SLNA) và Nguyễn Hồng Thanh (nay là chủ tịch CLB SLNA). Ngọn lửa và tâm huyết của thầy đã truyền tới các học trò của ông, tiếp nối tới khi đội bóng Sông Lam Nghệ Tĩnh ra đời cuối những năm 1970 và lưu truyền tới Sông Lam Nghệ An sau này...

Giữa thập niên 1960, một thế hệ tài năng trẻ của đội bóng đá Thể Công (Vương Tiến Dũng, Vũ Mạnh Hải, Bùi Ngọc Chi, Bùi Xuân Thêu, Phan Văn Mỵ, Nguyễn Văn Nhật, Nguyễn Viết Cầu, Vũ Đình Bội, Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Trọng Giáp...) được tập trung và đào tạo, huấn luyện dài hạn, vô cùng bài bản nhằm tiếp nối và dần thay thế lứa đàn anh (Thái Nguyên Bền, Văn Sỹ Chi, Nguyễn Sỹ Hiển...). Hai người thầy đã theo sát họ "như hình với bóng" từ những ngày đầu tới khi trưởng thành là Nguyễn Thanh Tiền (Mười Tiền) và Ngô Xuân Quýnh - cũng là 2 trong số 11 cầu thủ đầu tiên của đội Thể Công (thành lập ngày 23/9/1954).

Những người thầy có ảnh hưởng lớn nhất đến bóng đá Việt Nam - Ảnh 2.

HLV Vương Tiến Dũng - "đệ tử" của thầy Ngô Xuân Quýnh

HLV Nguyễn Thanh Tiền gốc Tiền Giang, tập kết ra Bắc rồi tham gia đoàn Thể Công từ những ngày đầu trong vai trò trung phong. Sau khi giải nghệ vào năm 1960, ông trở thành HLV, còn người đồng đội Ngô Xuân Quýnh vừa trợ lý huấn luyện, vừa đảm trách vai trò "Chính trị viên". Hai thầy đã rất sâu sát, dìu dắt lứa cầu thủ trẻ của Thể Công, cùng họ đi tập huấn tại CHDCND Triều Tiều, Hungary trước khi về nước vào năm 1968 rồi "làm mưa làm gió" tại các giải bóng đá quốc gia. Không chỉ miệt mài và tận tụy truyền dạy chuyên môn, các thầy còn thật sự là những vị thủ lĩnh tinh thần, giúp Thể Công có được "thế hệ vàng" lừng lẫy bậc nhất trong lịch sử bóng đá nước nhà.

Tới những người "tiếp lửa"

Có một sự trùng hợp giữa 2 tên tuổi HLV nổi tiếng bậc nhất của bóng đá nước nhà là Phạm Huỳnh Tam Lang và Nguyễn Thành Vinh.

Vào đầu những năm 1980, họ cùng bắt đầu dẫn dắt 2 đội bóng tiêu biểu là Cảng Sài Gòn và Sông Lam Nghệ Tĩnh. Nhưng nếu như khi ấy, Cảng Sài Gòn đã là một trong những đại diện tiêu biểu nhất của bóng đá miền Nam tại giải A1 - giải đấu cao nhất trong hệ thống thi đấu quốc gia khi ấy (tức V.League ngày nay), cùng với Sở Công nghiệp, Hải Quan, Công nghiệp thực phẩm và Công an TPHCM, thì Sông Lam Nghệ Tĩnh vẫn còn chơi tại giải A2 (tương đương hạng Nhất hiện tại).

Từng là cựu danh thủ nổi danh (đội trưởng đội tuyển Miền Nam trước 1975), thầy Tam Lang đã đào luyện nên nhiều thế hệ cầu thủ giỏi cho Cảng Sài Gòn trong suốt 20 năm từ 1983-2003. Trong khi ấy, thầy Nguyễn Thành Vinh cũng đem "ngọn lửa" được truyền lại từ người thầy của mình (lão danh thủ Trần Xuân) vào nghiệp huấn luyện, dẫn dắt Sông Lam Nghệ Tĩnh trong suốt 24 năm (1980-2004), thăng hạng A1 vào năm 1985, và tiếp tục gắn bó với đội bóng cho tới khi trở thành thế lực bậc nhất của giải VĐQG (liên tiếp vô địch các năm 1999-2000 và 2000-2001).

Những người thầy có ảnh hưởng lớn nhất đến bóng đá Việt Nam - Ảnh 3.

Tượng đài của bóng đá Sài Gòn - HLV Phạm Huỳnh Tam Lang (trái)

Ngoài việc cùng có tới hơn 20 năm gắn bó với đội bóng, một điều đáng đề cập nữa về HLV Tam Lang và Thành Vinh: Họ đều từng dẫn dắt đội tuyển quốc gia. Cả hai thầy đều được các thế hệ học trò kính trọng không chỉ ở chuyên môn giỏi, sự tận tụy với nghề, đặc biệt là chữ TÂM và chữ ĐỨC - sự mẫu mực trong công việc - luôn toát lên trong suốt sự nghiệp của mình.

Gần như cùng thời với các HLV Tam Lang và Thành Vinh, ở Thể Công có thầy Vương Tiến Dũng – một thành viên của "lứa Thể công 65" cũng rất được các học trò kính trọng về sự tận tâm và đạo đức nghề nghiệp. Ông đã dẫn dắt "thế hệ vàng" những năm 90 của đội bóng quân đội tới ngôi vô địch quốc gia 1998.

Còn trong bóng đá nữ Việt Nam, thì một vị HLV được xem như "công thần" là Mai Đức Chung, người đưa ĐTVN lần đầu "đem chuông đi đấm xứ người" tại SEA Games 19 (1997), rồi sau đó 20 năm, vẫn tiếp tục cùng đội tuyển giành tấm HCV SEA Games 29!

Thật khó có thể kể hết tên tuổi của những HLV đáng kính trong bóng đá Việt Nam trong khuôn khổ một bài viết nhỏ. Chỉ có một điều chắc chắn, họ đã và sẽ mãi là tấm gương cho các HLV sau này noi theo, không chỉ về chuyên môn mà cả về tâm huyết và sự đức độ trong công việc làm thầy!

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm