Nghệ An là một trong những địa phương đầu tiên đưa bóng đá vào trong học đường. Nhìn hình ảnh các em học sinh mặc đồng phục SLNA trong giờ thể dục, thực sự rất ấn tượng. Trẻ em nơi đây đam mê và khao khát học bóng đá một cách thực sự, chứ không hề bị gượng ép. Thế nên tính khả thi từ việc khai thác tiềm năng trong bóng đá học đường là rất cao.
Khi cạnh tranh giữa các lò đạo tạo trẻ đang khá gắt gắt và cả Việt Nam xem Nghệ An là mảnh đất để tìm kiếm tài năng thì việc SLNA phối hợp với ngành giáo dục, đưa bóng đá vào và có chiến lược riêng, họ sẽ chiếm lợi thế lớn trong việc sở hữu các tài năng. Chưa kể, việc phát triển bóng đá học đường sẽ giúp SLNA gián tiếp quảng bá hình ảnh, thương hiệu của mình. Khi bóng đá gắn với giáo dục, nó sẽ nhân văn hơn rất nhiều và khi ấy, bóng đá đã vượt ra ngoài khuôn khổ của một môn thể thao. Đó là khác biệt mà có thể, chỉ ở Nghệ An, bóng đá mới làm được như vậy.
Hãy cứ tưởng tượng, một tuần hay có thể một tháng, các thần tượng của trẻ em yêu bóng đá như Nguyên Mạnh, Phi Sơn, Ngọc Hải, Tuấn Tài và kể cả Huy Hoàng, Văn Quyến… đến tận trường thăm và tập bóng đá cho các em, lúc ấy sự ảnh hưởng và sức lan truyền sẽ rất lớn. Bên cạnh việc thổi vào đó đam mê, SLNA còn có thể tận dụng để phổ biến các sản phẩm về thương hiệu của mình như quần áo, giày dép và nhiều thứ khác… để chứng minh và khẳng định một thương hiệu.