1. CLB Hà Nội dồn lực toàn lực cho đấu trường Châu Á
Câu hỏi đó càng trở nên nóng hổi hơn khi lần lượt Văn Lâm rồi Xuân Trường, Công Phượng tìm đến những giải VĐQG chuyên nghiệp hơn là Thai- League rồi K- League. Nhưng nếu đứng ở góc độ của CLB Hà Nội và các cầu thủ trên, có lẽ việc vẫn ở lại Việt Nam thi đấu ở thời điểm này là một lựa chọn hợp lý.
CLB Hà Nội đang có một sự chuẩn bị mùa giải mới rất rầm rộ khi chiêu mộ thêm những tân binh tên tuổi như thủ thành Bùi Tiến Dũng, cựu đổi trưởng FLC Thanh Hóa (giờ là CLB Thanh Hóa), Pape Omar hay đồng đội cũ của David Beckham ở LA Galaxy, trung vệ McDonald.
Rõ ràng, với sức mạnh vượt trội so với mặt bằng chung V- League, việc đội bóng thủ đô có sự “bom máu” mạnh mẽ như vậy là để đánh vào mục tiêu đấu trường Châu Á. Vậy nên, những trụ cột như Quang Hải, Văn Hậu sẽ là những “hạt nhân” trong công cuộc công phá sân chơi châu lục của thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm.
Mục tiêu cao nhất của CLB Hà Nội chính là việc góp mặt và tiến sâu nhất có thể ở AFC Champions League. Tuy nhiên, trận thua đáng tiếc trên đất Trung Quốc trước Shangdong Luneng đã đẩy đội bóng thủ đô xuống đấu trường AFC Cup. Với một lực lượng dồi dào như vậy, có lẽ mục tiêu của CLB Hà Nội là chí ít cũng tạo được tiếng vang như Becamex Bình Dương như hồi AFC Cup 2009, giải đấu đội bóng đất Thủ lọt top 4 đội mạnh nhất giải năm đó.
2. Tuổi tác và ngoại ngữ là những rào cản
Quang Hải và Văn Hậu là những cầu thủ có trần phát triển được đánh giá là cao nhất mà bóng đá Việt Nam đang sở hữu. Hai tài năng này đã nhận được nhiều sự quan tâm của các CLB đến từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc,... hay thậm chí là ở Châu Âu và Nam Mỹ như Đan Mạch rồi Argentina.
Tuy vậy, để có thể xuất ngoại thành công ngay lần đầu tiên, bộ đôi này sẽ phải trau dồi rất nhiều. Đặc biệt là ở vấn đề ngoại ngữ, một yếu tố được các chuyên gia đánh giá là thậm chí còn quan trọng hơn cả chuyên môn. Cựu HLV trưởng đội tuyển Thái Lan và đội ĐTQG nữ Việt Nam – Steve Darby cũng đã nhắn nhủ điều đó với cầu thủ gốc Đông Anh (Quang Hải), cũng như các cầu thủ tiềm năng có thể xuất ngoại khác của bóng đá Việt Nam.
Thực chất, trình độ ngoại ngữ của hai tuyển thủ trên cũng không thật sự tốt. Trong khi đó, những cầu thủ được đào tạo tại HAGL được học tiếng Anh, tiếng Pháp song song với bóng đá ngay từ nhỏ nên có thể dễ hòa nhập hơn khi xuất ngoại. Nhưng điển hình nhất vẫn là trường hợp của Lê Công Vinh, năm 24 tuổi tiền đạo xứ Nghệ mang hành trang đến CLB Leixoes của Bồ Đào Nha là 3 QBV Việt Nam và những thành tích khá nổi bật trong sân chơi khu vực.
Thế nhưng, Công Vinh từng kể lại trong tự truyện của mình rằng, anh như hoàn toàn bị cô lập ở đó bởi rào cản ngôn ngữ khi không thể giao tiếp bình thường với mọi người. Để rồi chuyến đi đó của huyền thoại bóng đá Việt Nam được xem như là một bước tiến nửa vời.
Nhưng rồi 4 năm sau, với một vốn ngoại ngữ đã được nâng cao rõ rệt song song với kinh nghiệm và chuyên môn, cựu thủ quân ĐTVN đã khá thành công ở Consadole Sapporo (Nhật Bản), Công Vinh trở thành quân bài chiến lược mỗi lúc đội bóng cần sự tươi mới hay gặp khó khăn.
Hai bàn thắng, hai kiến tạo sau 380 phút thi đấu rõ ràng là một thành tích rất ấn tượng. Thậm chí, tiền đạo này còn suýt trở thành người hùng của CLB này ở mùa bóng năm đó, nếu quả đá phạt trong trận play-off thăng hạng lên J-League của anh không chạm vào cột dọc mà đi vào lưới.
3. Những bài học nhãn tiền
Nói đến hành trình xuất ngoại của các cầu thủ Việt Nam những năm gần đây nhất phải kể đến trường hợp của bộ ba HAGL (Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng) và của Công Vinh. Không thành công không phải là một kết quả gì quá bất ngờ khi mà trình độ bóng đá của chúng ta những năm trước còn khá xa so với trình độ của châu lục chứ chưa nói gì đến thế giới.
Đặc biệt, với bộ ba HAGL, cách mà họ đến với Inchoen United, Gangwon FC (Xuân Trường), Mito Hollyhock (Công Phượng) hay Yokohama FC (Tuấn Anh) khi ấy còn mang nặng tính thương mại. Bởi lúc này, họ còn rất trẻ và rất thiếu kinh nghiệm ở cấp CLB khi mới chỉ chơi có một mùa bóng tại V-League. Thật khó để những cầu thủ còn quá trẻ như vậy, lại đến từ một nền bóng đá kém phát triển hơn có thể cạnh tranh được suất đá chính chứ chưa nói gì đến việc thành công ở thời điểm đó.
Rõ ràng, trường hợp của Công Vinh và các cầu thủ HAGL là những bài học rất đáng giá mà giới chóp bu ở Hà Nội lẫn bản thân Văn Hậu, Quang Hải cần phải nhìn nhận một cách thấu đáo. Hành trình tiếp theo của "những đôi chân vàng” nền bóng đá nước nhà sẽ phải rất cẩn trọng. Chỉ cần lệch đi một vài bước, mọi thứ hoàn toàn sẽ bị rẽ sang một hướng rất khác!