Nhà báo Phan Đăng: Tâm án!

thứ sáu 6-11-2015 19:54:37 +07:00 0 bình luận
Màn 1 mở ra với một cú vào bóng có thể liệt vào dạng "tàn bạo vô thức" của Quế Ngọc Hải với Anh Khoa. Cá nhân tôi tin là vô thức, cái vô thức trong một trận đấu với cả một chuỗi những vận động liên tục, cái vô thức mà với nó, sau này Hải cũng phải sốc với chính mình, và thực sự có những hành động ăn năn hối cải đáng hoan nghênh.

Tất nhiên, cái vô thức ấy có thể là hậu quả tất yếu đến từ một chuỗi những pha vào bóng - phạm lỗi thô bạo đã từng có ở cái địa phương bóng đá này, môi trường này. Lý thuyết phân tâm học chỉ ra: Vô thức trong rất nhiều trường hợp thường là sản phẩm của một chuỗi thói quen, một chuỗi ám ảnh, một chuỗi những hành động có ý thức là vì thế.

Màn 1 dừng lại ở đây. Chuyển qua màn 2, khi Khoa sang tận Singapore chữa bệnh với mức kinh phí hơn 800 triệu đồng còn Ngọc Hải ở nhà bấm bụng lo lắng quanh câu hỏi: Đào đâu ra gần 1 tỷ đồng đền bù người ta? Câu hỏi này thực chất đã được truyền thông đặt ra ngay sau khi Ban kỷ luật VFF xử án, bắt cầu thủ của SLNA phải đền bù mọi chi phí chữa trị nhưng thời điểm ấy, câu trả lời của Hải đơn giản là: Sẵn sàng chịu mọi phí tổn và lúc này chỉ nghĩ đến việc làm sao anh ấy sớm bình phục, sớm trở lại sân cỏ.

Câu trả lời và những động thái thăm hỏi liên tục, thật lòng cho thấy tuyển thủ QG này đã thực sự nhận ra cái lỗi của mình, thực sự "ngấm" án và có thể tin rằng Hải đã “sợ tới già”.

Để cho Ngọc Hải và cái môi trường tạo ra Hải... sợ tới già là một thành công của bản án này. Vì chỉ có "đòn đau nhớ lâu" như thế, người ta mới không lặp lại những tội lỗi của mình, ngay cả khi đấy là kiểu tội lỗi vô thức.

Chỗ này, bạn đọc sẽ phản ứng tôi: 2 anh cầu thủ va chạm nhau, mà bóng đá pha va chạm là không thể tránh. Vậy thì tội lỗi cái quái gì?! Đấy là quyền suy nghĩ của bạn, cá nhân tôi vẫn nghĩ: Va chạm tới độ khiến nạn nhân dính một chấn thương khủng khiếp, đứng trước cơ hội chấm dứt sự nghiệp ở tuổi 20 là một tội lỗi. Nếu nó không thuộc dạng tội lỗi pháp lý, xét ở khía cạnh pháp lý bóng đá thì cũng thuộc dạng tội lỗi tâm lý, lương tâm.

Bây giờ là những gì đang diễn ra ở màn 3, khi SHB.Đà Nẵng cứ theo nguyên tắc và án phạt mà làm còn còn SLNA không ngại lời qua tiếng lại trên mặt báo, trên cái có thể gọi là "trận tuyến truyền thông". Cái việc "làm khó dễ nhau" này có hiểu được không, và chấp nhận được không? Theo tôi, ở một góc độ nào đó là chấp nhận được, vì đứng ở vị trí của những người "làm khó dễ" phải rất chia sẻ với tâm lý "của đau con xót" mà họ đã và đang trải qua, nếu cầu thủ của mình không thể trở lại sân cỏ. Còn đứng ở vị trí của người tạo ra lỗi lầm thì chính cái sự bị "làm khó dễ" này cũng sẽ khiến người này thực sự ngấm đòn, thấm đòn và từ đó không bao giờ lặp phải lỗi lầm tương tự.

Vậy thì bản chất của câu chuyện tâm án đến đây coi như đã được giải quyết xong. Mà đã xong thì có lẽ cũng chẳng nên làm khó dễ nhau thêm nữa. Tôi đồ là màn 4 - cái màn sắp xảy ra tới đây sẽ là cái màn mà những người trong cuộc - tự động tháo nút cuộc chơi.

Tâm án xong xuôi rồi, câu chuyện xong xuôi rồi, điều đáng bàn tiếp theo là VFF sẽ phải chỉnh sửa những bất hợp lý trong Quy định kỷ luật của mình, như cách phân tích của rất nhiều chuyên gia thời gian qua. Đúng là cần sửa thật nhưng lại cần lưu tâm: Sửa làm sao để "án" đưa ra vẫn đầy sức nặng, đầy sức răn đe, khiến người nhận án phải thực sự chạm vào... tâm án.

Tâm án, đấy mới là cái cần hướng đến sau cùng của một án phạt...

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm