Ký ức khó quên của người trong cuộc về trận đấu lịch sử Nam-Bắc sum họp

Phương Nam
thứ năm 30-4-2020 15:20:00 +07:00 0 bình luận
Hơn 40 năm sau trận đấu lịch sử Nam – Bắc sum họp giữa Tổng cục Đường sắt và Cảng Sài Gòn, những cựu cầu thủ tham dự trận đấu đó vẫn vẹn nguyên cảm xúc của thời khắc lịch sử, huy hoàng đó.

Cuối năm 1976, sau hơn 1 năm đất nước thống nhất, đội Tổng cục Đường sắt từ miền Bắc vào miền Nam để thi đấu trong trận cầu đặc biệt với Cảng Sài Gòn. Đó là thời khắc lịch sử của bóng đá nước nhà.

Và hai nhân chứng sống cựu tiền vệ Lê Thụy Hải (Tổng cục Đường sắt - TCĐS) và cựu thủ môn Lưu Kim Hoàng (Cảng Sài Gòn - CSG) có cuộc đối thoại với Webthethao về những ký ức không thể nào quên của 44 năm về trước.

Webthethao: Đầu tiên, xin chào ông Lê Thụy Hải. Ông có thể chia sẻ cảm xúc sau khi được biết mình sẽ được góp mặt ở trận đấu lịch sử này?

Lê Thụy Hải: Phải nói rằng để dùng một vài câu từ mà nói hết được về cảm xúc của tôi cũng như anh em đội TCĐS khi ấy là điều không thể. Thời điểm đó, cũng như bao nhiêu người dân Việt Nam khác, chúng tôi đều xúc động và hạnh phúc vô bờ khi hay tin Miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Ký ức khó quên của người trong cuộc về trận đấu lịch sử Nam-Bắc sum họp
Trận cầu lịch sử thu hút hàng ngàn người hâm mộ đến sân theo dõi.

Khi đó chúng tôi vừa trở về và đang nghỉ ngơi sau chuyến tập huấn ở Trung Quốc thì nhận lệnh tập trung trở lại để đại diện cho các đội bóng đá miền Bắc vào miền Nam thi đấu giao hữu kỷ niệm ngày thống nhất. Đó là một cảm giác thật đặc biệt, thật khó tả. Tất cả chúng tôi đều xúc động, hưng phấn và hồi hộp chờ ngày Nam tiến.

Với cựu thủ môn Lưu Kim Hoàng, chắc hẳn với ông là kỷ niệm khó quên, nhất là khi ông chuyển từ Tiền Giang về Cảng Sài Gòn để giữ vị trí chính thức trong khung thành trận cầu lịch sử hai miền Nam – Bắc sau giải phóng?

Lưu Kim Hoàng: Bản thân tôi lúc đó thật sự cảm xúc lẫn lộn, khán giả đông lắm. Hầu như ai cũng có câu hỏi, không biết đội bóng miền Bắc họ như thế nào? con người ra làm sao? Nói chung cả đội CSG tò mò về đối thủ lắm. Lúc đó, được bắt trận cầu lịch sử cũng thấy vinh dự lắm, vì hai miền Nam - Bắc sum họp một nhà. Trận đấu đó đông khán giả lắm.

Thủ môn Lưu Kim Hoàng và các đồng đội trong màu áo CSG nắm bắt thông tin như thế nào về đội bóng TCĐS Việt Nam?

Lưu Kim Hoàng: Toàn đội không có thông tin gì về đối thủ để mà nắm bắt. Chúng tôi không biết đội TCĐS là đội bóng nào? đội bóng áo lính ra làm sao? Thông tin lúc đó còn hạn chế lắm, không như bây giờ. Vậy nên khi ra sân gặp mặt nhau, CSG không biết đối phương có ai chơi hay, ai chơi dở.

Ký ức khó quên của người trong cuộc về trận đấu lịch sử Nam-Bắc sum họp
Ông Lê Thụy Hải cũng đã có trận đấu để đời trên sân Thống Nhất.

Lãnh đạo đội bóng và các cầu thủ CSG ngày ấy có lên phương án, kế hoạch gì để đón tiếp đối thủ từ miền Bắc TCĐS, thưa ông?

Lưu Kim Hoàng: Không! Chúng tôi không có phương án, giáo án hay sơ đồ cụ thể như bóng đá hiện đại bây giờ. Khi ấy, Sở Thể dục Thể thao chỉ báo xuống, đây là trận cầu sau ngày thống nhất đất nước, anh em đá làm sao cho đẹp mắt, cho hay để phục vụ người hâm mộ cả nước, trên tinh thần đẹp mắt và công hiến là được, không quan trọng thắng hay thua. Đến khi anh em vào sân cũng giữ nguyên nhiệt huyết như vậy. CSG chơi bóng ngắn, còn đối phương chủ động đá bóng dài, hạn chế lối chơi trung lộ của chúng tôi.

Với ông Lê Thụy Hải, khi đặt chân tới Sài Gòn, có điều gì khiến ông thực sự thấy thú vị hay ấn tượng?

Lê Thụy Hải: Tôi chỉ có thể nói rằng được vào miền Nam là cảm giác hạnh phúc, như thể bạn được trở về quê sau một thời gian rất dài xa cách vậy, thèm lắm và xúc động nữa. Và khi máy bay hạ cánh, đó tiếp tục là một cảm giác kỳ lạ nữa, lần đầu tiên được đặt chân đến TP.HCM, thấy mình như quá nhỏ bé, quê mùa giữa một thành phố hiện đại và phồn hoa hơn Hà Nội rất nhiều, đúng nghĩa “Hòn Ngọc Viễn Đông”.

Và thật tuyệt vời khi nhận được sự đón tiếp nồng hậu từ các đồng nghiệp bên phía CSG. Gần một tuần ở TP.HCM, đó là quãng thời gian đáng nhớ. Chúng tôi được người dân ở Thành phố mang tên Bác nồng nhiệt chào đón.

Họ rất tò mò muốn biết các cầu thủ bóng đá miền Bắc như thế nào và mỗi buổi tập của TCĐS luôn có rất đông CĐV đến ngồi đông kín khán đài để xem. Rất nhiều người dân ở đây cũng đã đến tận khách sạn hỏi thăm, bắt tay anh em chúng tôi, mời đi café và tặng rất nhiều quà. Cảm giác thật sự gần gũi và hạnh phúc. Đại diện các đội bóng ở TP.HCM cũng luôn chờ để được mời chúng tôi đi gặp gỡ, giao lưu ăn uống rất vui.

Ký ức khó quên của người trong cuộc về trận đấu lịch sử Nam-Bắc sum họp
Pha đánh đầu ghi bàn của Mai Đức Chung, cầu thủ đội Tổng cục Đường sắt.

Ở thời khắc lịch sử đó, người hâm mộ bóng đá miền Nam và cả nước chờ đợi trận đấu này như thế nào, thưa ông?

Lưu Kim Hoàng: Trận đấu này kích thích trí tò mò của nhiều người. Khán giả vào sân xem bóng đá vì đam mê cũng có, nhưng không ít người kéo đến sân vì sự hiếu kỳ, tò mò xem đội bóng miền Bắc đá bóng ra sao? Con người miền Bắc như thế nào? Tôi nhớ sân không còn chỗ ngồi đâu, nhưng sân Thống Nhất ngày ấy còn nhỏ lắm, chưa tân trang và sửa lại như bây giờ.

Khi bước vào sân chuẩn bị thi đấu trước sự chứng kiến của rất đông NHM, lại từ miền Bắc vào, ông có bị run?

Lê Thụy Hải: Đầu tiên phải nói là rất hãnh diện, hồi hộp và cũng có chút căng thẳng vì CĐV đến rất đông. Trong sân thì đã kín rồi mà ngoài sân vẫn còn rất nhiều người cố gắng để được vào theo dõi trận đấu. Thi thoảng lực lượng an ninh lại phải nổ súng chỉ thiên để đảm bảo trật tự.

Những tiếng súng khiến anh em TCĐS chúng tôi giật mình và cúi đầu theo phản xạ. Buồn cười hơn khi CĐV miền Nam còn nhận xét chúng tôi sao trắng trẻo và thư sinh thế, đá sao lại các cầu thủ đen cặm cui, rắn chắc của CSG.

Với cá nhân tôi, cảm xúc còn vỡ òa khi được sánh vai các thần tượng mới chỉ được nghe danh qua những buổi tường thuật trực tiếp trên đài phát thanh như anh Tam Lang, Tấn Trung, Văn Thà, Kim Hoàng hay Văn Ngôn...thì ra họ cũng chỉ như chúng tôi thôi, không như mình tưởng tượng bấy lâu nay.

Nhưng được đứng bên cạnh và thi đấu với họ quả thực là điều tự hào. Chúng tôi luôn động viên lẫn nhau phải chơi thận trọng, thi đấu phát huy hết khả năng mới mong có chiến thắng. Với chúng tôi khi đó, chỉ có khao khát được thi đấu, thể hiện mình, tinh thần hoàn toàn thoải mái chứ không có máu ăn thua.

Ký ức khó quên của người trong cuộc về trận đấu lịch sử Nam-Bắc sum họp
Thủ môn Lưu Kim Hoàng thường hay giao lưu bóng đá trong màu áo cựu cầu thủ TP.HCM. Ảnh: Khả Hòa.

Ở trận đấu này, TCĐS thắng 2-0 và ông cũng chính là người ghi bàn ấn định chiến thắng với cú sút xa ấn tượng. Ông nghĩ gì về pha lập công lịch sử này?

Lê Thụy Hải: Tôi không bao giờ quên được pha lập công này. Không phải vì trong quá khứ tôi chưa làm được điều tương tự mà vì bối cảnh và tầm vóc của trận đấu khiến tôi tự hào. Thêm nữa, với các CĐV có mặt trên khán đài sân Thống Nhất khi đó, bàn thắng này thực sự khác lạ với những gì họ tưởng tượng.

Các đội bóng miền Nam thời điểm ấy thường chơi ban bật vào đến tận vòng cấm để ghi bàn. Thế nên cú sút xa của tôi bỗng nhiên lại trở thành sự khác biệt, khiến tất cả phải ngỡ ngàng. Đó là một khoảnh khắc mà tôi đưa ra quyết định phải dứt điểm ngay trước khi đội bạn kịp ập vào và cú sút từ khoảng 35m đó đã thành công trong sự bất ngờ của toàn bộ khán giả trên sân.

Bàn thắng của anh Mai Đức Chung về cơ bản không lạ lắm nhưng những cú sút xa như của tôi thì rất ít thấy trên các sân cỏ miền Nam nên họ rất ấn tượng. Bản thân tôi cũng cảm thấy vô cùng tự hào và hạnh phúc.

Sau trận thua này, đội Cảng Sài Gòn có mổ xẻ nguyên nhân thất bại hay không, thưa ông?

Lưu Kim Hoàng: Phải khẳng định rằng bóng đá nó cái hay, dở người trong cuộc không lý giải được. Bóng đá miền Bắc chơi rất tốt nhưng cũng có sự trùng hợp đến kỳ lạ. Đội bóng CSG đối đầu với TCĐS thường thất thế nhưng khi TCĐS đối đầu với Hải Quan lại hay thua. Còn Hải Quan thường trắng tay khi đối đầu với CSG.

Thực tế, ngày xưa chúng tôi không nắm nhiều về chiến thuật hay sơ đồ chiến thuật. Sau mỗi trận đấu, anh em chỉ ra, vị trí này kém chưa ghi được bàn, chỗ này sai cần khắc phục để không thủng lưới. Chúng tôi là những người đam mê chơi bóng, ghép lại với nhau thành đội. Ngay cả đội Hải Quan cũng vậy, mỗi đội có bản sắc riêng.

Ký ức khó quên của người trong cuộc về trận đấu lịch sử Nam-Bắc sum họp
Trận tái đấu sau 40 năm thống nhất đất nước giữa Hồng Hà đại diện phía Bắc, Cửu Long đại diện phía Nam. HLV Mai Đức Chung đeo băng đội trưởng Hồng Hà, thủ môn Lưu Kim Hoàng (xanh). Ảnh: Đình Viên.

Cái tên nào bên phía TCĐS khiến ông nhớ nhất ở trận cầu này?

Lưu Kim Hoàng: Mãi sau này khi đá hạng A1 hay giải toàn quốc đối đầu nhau thêm một vài lần thì mới biết nhiều. Trận đấu trên sân Thống Nhất tôi chỉ nhớ Mai Đức chung đánh đầu ghi bàn, sau đó Lê Thụy Hải sút bóng khá đẹp vạch 16m50 ghi bàn thứ hai. Trận đó, chúng tôi thua 0-2, có lẽ hai người ghi bàn khiến tôi nhớ nhất.

Nếu để so sánh, trong suy nghĩ của ông khi đó, bóng đá miền Nam và Bắc khác nhau nhiều không, vùng nào mạnh hơn?

Lê Thụy Hải: Tôi nghĩ rằng để so sánh lại là một câu chuyện khác vì thời ấy, bóng đá hai miền có quan điểm khác hẳn nhau. Bóng đá miền Bắc có phần nổi trội hơn, đa dạng và mạnh mẽ hơn. Chúng tôi có thể đá bóng dài, bóng bổng, ghi bàn bằng đầu, sút xa, trong khi những điều đó lại là rất ít thấy ở bóng đá miền Nam vốn chơi thiên về kỹ thuật, ban bật nhỏ và áp sát tận khung thành đối phương mới dứt điểm ghi bàn.

Nhưng có lẽ điều làm nên chiến thắng ở trận đấu lịch sử này còn nằm ở tinh thần. Lãnh đạo đã từng nói chúng tôi phải cố vì đá xa nhà, trình độ khác, do vậy, chiến thắng là chuyện đừng vội nghĩ tới.

Nhưng anh em chúng tôi đã tự bảo nhau kèm người này, hạn chế người khác và đá hết mình. Bản thân tôi cũng phải lùi về đá tiền vê phòng ngự trong khi sở trường là tiền vệ công ngay sau tiền đạo. Nhưng chúng tôi đã thể hiện được mình để có chiến thắng rất xứng đáng.

Ký ức khó quên của người trong cuộc về trận đấu lịch sử Nam-Bắc sum họp
Đội bóng Cửu Long năm 2015 thi đấu trên sân Thống Nhất. Ảnh: Đình Viên.

Lưu Kim Hoàng: Nhắc đến CSG, ai cũng thích. Chúng tôi chơi bóng nhuần nhuyễn gắn kết. Đối thủ TCĐS chơi mạnh mẽ, bóng dài, họ không cầm nhiều bóng nhưng lại đá hiệu quả. Đó là điểm khác biệt cơ bản, sau này bóng đá hiện đại, họ thực dụng cũng thế. Không cần đẹp chỉ cần hiệu quả, có chiến thắng và 3 điểm.

Sau trận đấu này, cầu thủ hai đội có gặp lại nhau ở trên sân cỏ lẫn ngoài đời, thưa ông?

Lưu Kim Hoàng: Có! Cách đây 5 năm, chúng tôi gặp lại nhau ở trận đấu kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước cũng trên sân Thống Nhất. Chúng tôi có được ôn lại kỷ niệm xưa cùng nhau. Tất cả cho nhau nụ cười, những cái siết chặt tay. Thời gian qua đi, có người đã không còn, có người cũng vì già yếu mà không tham dự được.

Lê Thụy Hải: Mọi thứ khác rồi, chúng tôi khi ấy cũng đều có tuổi nên duy trì không lâu trước khi cùng giải nghệ. Tuy nhiên thi thoảng anh em cầu thủ cũng thường gặp nhau nhưng không phải trên sân cỏ. Tôi cũng vẫn nhớ kể từ sau thời đểm, chúng tôi có nhiều thời khắc gặp lại. Đó là lúc kỷ niệm ùa về, chúng tôi bàn tán và cùng ôn lại những câu chuyện quanh trái bóng. Những giây phút đó, suốt đời này chúng tôi không thể quên được.

Webthethao: Cảm ơn hai ông về cuộc đối thoại này!

Đội hình xuất phát:

Cảng Sài Gòn (4-2-4): HLV Trưởng Nguyễn Thành Sự

Lưu Kim Hoàng, Văn Thuận, Tam Lang, Đình Thăng, Văn Trung, Văn Thà, Văn Mười, Văn Ngọc, Văn Ngôn, Tư Lê, Văn Xinh.

Tổng cục đường sắt (4-3-3): HLV trưởng Trần Duy Long

Trường Sinh, Như Quang, Thế Vinh, Khắc Chính, Minh Phương, Lê Thụy Hải, Kỳ Thụy, Thế Thành, Minh Điểm, Hoàng Gia, Mai Đức Chung.

PHƯƠNG LÂM - PHƯƠNG NAM

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm