Luật sư Stuart Ripley
Tại Việt Nam, những cầu thủ đang thi đấu chuyên nghiệp như Lê Công Vinh đi học đại học là cực hiếm. Tuy nhiên trên thế giới, chuyện giới cầu thủ đi học, trang bị kiến thức để sẵn sàng cho một cuộc sống không bóng đá từ lâu đã trở thành một xu thế tất yếu, bởi vòng đời cầu thủ quá ngắn ngủi. Đơn cử như Glen Johnson đã tốt nghiệp khoa toán của Đại học Mở (Open University) tại Anh, Vincent Kompany đã có bằng thạc sĩ của The Manchester Business School, Giorgio Chiellini thì đã bảo vệ xong luận án tiến sĩ ở Trường đại học Turin từ năm 2012. Juan Mata thậm chí còn sở hữu các văn bằng gồm khoa học thể thao, bằng giáo dục thể chất, bằng quản trị kinh doanh và bằng marketing của Universidad Politecnica de Madrid - một trong 10 ngôi trường được đánh giá là tốt nhất TBN về chất lượng giáo dục.
Học luật như Lê Công Vinh thì có Stuart Ripley. Nhà cựu vô địch Premier League cho biết: “Năm 16 tuổi, tôi nhận được 9 điểm chứng chỉ O-Level nhưng tôi không chọn đại học để theo đuổi sự nghiệp bóng đá. Học tiếp đại học là ước nguyện của tôi sau khi giải nghệ, tôi vào trường ĐH Central Lancashire. Ban đầu tôi định học ngoại ngữ nhưng nếu theo đuổi ngành học này, tôi phải mất một năm ra nước ngoài thực tập. Tôi không muốn xa gia đình và còn quá nhiều việc tại Anh. Cuối cùng tôi chọn học tiếng Pháp và Luật”.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Ripley có 1 năm làm việc tại công ty luật Brabners ở Manchester. Công việc của cựu ngôi sao Blackburn và ĐT Anh là tới các đội bóng để nói chuyện với cầu thủ về luật liên quan tới người đại diện, mạng xã hội và bản quyền hình ảnh… Tới năm 2010, Ripley đã là một luật sư có trình độ, được ban tư pháp FA mời về làm việc. Tại bộ bộ phận này của cơ quan quản lý bóng đá Anh, Ripley phụ trách các mảng việc về doping, phân biệt chủng tộc...
Hay siêu cò Jorge Mendes?
Trong tương lai, tiền đạo xứ Nghệ sẽ trở thành luật sư như cựu ngôi sao xứ sương mù Stuart Ripley? Chân sút B.Bình Dương từng cho biết: “Vinh đăng ký chuyên ngành Luật vì Vinh nghĩ trong cuộc sống cần phải có sự am hiểu luật. Kể cả kinh doanh hay làm gì đi nữa thì hiểu luật sẽ tốt hơn. Vì vậy ngành nghề Vinh sẽ theo học là luật doanh nghiệp, luật hành chính. Khi tốt nghiệp thì sẽ giúp ích cho cuộc sống của Vinh sau này”.
Một số nguồn tin thân Lê Công Vinh thì cho rằng, Vinh đang ấp ủ kế hoạch sau khi treo giày (dự kiến hết mùa bóng 2017), anh sẽ mở một công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực tổ chức sự kiện và đặc biệt là môi giới, đại diện cầu thủ tại đất Thủ. Dĩ nhiên, để trở thành nhà môi giới, đại diện cầu thủ đúng với những tiêu chí, điều khoản quy định của FIFA không hề đơn giản. Nhưng với ý chí và nghị lực của Công Vinh, anh sẽ từng bước hoàn thiện mình để trở thành nhà mối giới chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn FIFA đầu tiên của Việt Nam?
Vai trò của người đại diện trong bóng đá hiện đại là vô cùng quan trọng, nó không chỉ ảnh hưởng đến mặt thành bại của một ngôi sao về mặt chuyên môn (liên quan tới chuyển nhượng), mà còn có tác động rất lớn đến yếu tố hình ảnh, thương quyền. Đơn cử như Cristiano Ronaldo, nếu không có người đại diện tài ba như Jorge Mendes, liệu anh có thể trở thành cầu thủ xuất sắc nhất thế giới? Chẳng ai dám khẳng định điều này, nhưng chắc chắn, nếu không có bàn tay của Mendes, cái tên CR7 sẽ không thể vượt ra khỏi biên giới của bóng đá, để trở thành một thương hiệu nổi tiếng toàn cầu.
Lê Công Vinh là một tên tuổi lớn của bóng đá Việt Nam. Nhiều người từng cho rằng, nếu Vinh có được một người đại diện giỏi, anh hoàn toàn có thể thi đấu ở nhiều đội bóng tại nước ngoài. Đằng sau đó, là những bản hợp đồng tài trợ từ những thương hiệu nổi tiếng thế giới…
Vinh hiển nhiên hiểu điều này. Và mục tiêu của anh trong tương lai là trở thành “Jorge Mendes của Việt Nam”?