Cái chết hụt
Sau khi xuất sắc giành chức vô địch giải hạng Nhất 2014 để trở lại V.League, CS.Đồng Tháp suýt phải giải tán do thiếu kinh phí hoạt động và nợ nần. Trong bối cảnh nguy kịch nhất, Thường trực Tỉnh ủy đã có quyết định về việc giữ lại đội bóng, với việc đổi tên từ CS.Đồng Tháp thành CLB Đồng Tháp.
Thế nhưng, chuyện suýt giải tán và kinh phí hoạt động chỉ có 24,5 tỷ đồng cho cả mùa bóng đã khiến Đồng Tháp gặp khó khăn trong quá trình chuẩn bị lực lượng. Cụ thể, HLV Phạm Công Lộc phải cố gắng thuyết phục các trụ cột quay về khi họ đã tìm đến các đội bóng khác thử việc. Đặc biệt, Đồng Tháp đã phải mất 2 trụ cột là Bửu Ngọc đến XSKT.Cần Thơ còn Thanh Hào đầu quân cho Hà Nội.T&T.
Điểm lại những khó khăn điển hình ấy để thấy rằng, Đồng Tháp không chỉ là đội bóng nghèo khó nhất mà còn gặp vô vàn khó khăn trong mùa bóng 2015. Trước nghịch cảnh ấy, nhiều ý kiến dự đoán họ là đội bóng có nguy xuống hạng cao nhất. Tuy nhiên, trên thực tế, đội chủ sân Cao Lãnh đã có màn vượt khó xuất sắc để trụ hạng thuyết phục, dù họ luôn phải cạnh tranh khốc liệt với HA.GL, XSKT.Cần Thơ và Đồng Nai.
Hành trình trụ hạng của Đồng Tháp là một sự ghi nhận lớn lao đối với thầy trò HLV Phạm Công Lộc, ít nhất họ đã cho thấy chuyện được các Mạnh Thường Quân dang tay “cứu” trước thềm mùa bóng này là hoàn toàn xứng đáng. Điển hình nhất là các cầu thủ Đồng Tháp đã biết siết chặt tay nhau để chiến đấu trong giai đoạn lượt về, với những chiến thắng ấn tượng trong các trận đấu “sinh tử” trước HA.GL và Đồng Nai.
Thay đổi để tồn tại
Mùa này, Đồng Tháp không chỉ gây ấn tượng mạnh với hành trình trụ hạng ngoạn mục mà còn xứng đáng là tấm gương tiêu biểu về chuyện chịu đựng gian khó cùng khả năng kiếm tiền để nuôi bóng đá. Với kinh phí hoạt động cho cả năm 2015 gói gọn 24,5 tỷ đồng và được phép lỗ 14 tỷ đồng, Đồng Tháp đã khiến tất cả phải ngả mũ khi chỉ cần 11 tỷ đồng để “sống sót”.
Với việc chỉ lỗ 11 tỷ đồng so với 14 tỷ đồng như dự tính ban đầu, đồng nghĩa với việc Đồng Tháp đã thu về khoảng 13,5 tỷ đồng trong mùa bóng này nhờ sự chịu khó “nhặt tiền lẻ”, với doanh thu bán vé cả mùa là 1,5 tỷ đồng cùng 12 tỷ đồng tiền biển quảng cáo, nguồn thu từ các nhà tài trợ và các khoản thu khác như bán đồ lưu niệm, áo đấu…
Trong số đó, một sự cố gắng đáng được ghi nhận là Đồng Tháp thu về hơn 100 triệu đồng trong mỗi trận đấu trên sân nhà, trừ đi chi phí tổ chức hơn 40 triệu đồng/trận họ lãi được khoảng 60 triệu đồng. Đó là một sự khác biệt rất lớn khi những mùa trước Đồng Tháp phải tốn khoảng 60 – 70 triệu đồng cho chi phí tổ chức các trận đấu trên sân nhà và thường xuyên chịu lỗ do số tiền thu về thấp hơn.
Mùa này, Đồng Tháp có sự đổi mới trong tư duy làm bóng đá là cố gắng phục vụ khán giả tốt nhất và coi các “Thượng đế” như khách hàng đặc biệt của đội bóng. Thế nên, ngoài chuyện bắt buộc là các cầu thủ phải thi đấu hết mình, đá máu lửa thì BTC sân Cao Lãnh đã mời các ca sĩ nổi tiếng về hát phục vụ NHM trong các trận đấu trên sân nhà. Ngoài ra, họ còn tổ chức bốc thăm trúng thưởng, tặng quà lưu niệm cho khán giả…
Từ chuyện gặp khó với kinh phí hoạt động eo hẹp và suýt phải giải tán, Đồng Tháp đã đổi mới tư duy làm bóng đá với quan điểm thiết thực là lấy bóng đá nuôi bóng đá.
Dù chưa thực sự có được thành công như mong đợi nhưng ít nhất họ đã và đang cho thấy có thể phần nào tự đứng trên đôi chân của mình. Đó là một sự ghi nhận lớn cho Đồng Tháp và tấm gương để các đội bóng khác nhìn vào học hỏi.
Trong bối cảnh nhiều đội bóng “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” trầy trật lo trụ hạng và vướng vào nhiều trận đấu “có mùi”, Đồng Tháp chưa từng bị tai tiếng hay nghi ngờ ở mùa này. Dù thắng hay thua, họ đều chơi bằng chuyên môn, thực lực và việc chơi bóng đá tử tế để kéo khán giả đến sân là thành công đáng trân trọng với đội bóng này.
Mùa bóng này, Đồng Tháp phải kêu gọi sự chung sức của các doanh nghiệp trong tỉnh; tiền tài trợ, quảng cáo và sự góp vốn của các cổ đông Công ty CP phát triển bóng đá Đồng Tháp, với tổng kinh phí hoạt động cho cả mùa là 24,5 tỷ đồng. Thế nhưng, với quan điểm lấy bóng đá nuôi bóng đá thì họ chỉ cần 11 tỷ đồng để “sống sót”. Mùa bóng tới, Đồng Tháp hứa hẹn sẽ làm tốt hơn trong việc kiếm tiền với việc áp dụng thêm các hình thức kinh doanh khác.
“Vua” lùm xùm
Mặc dù nhận được những ghi nhận lớn về sự vượt khó cũng như quan điểm lấy bóng đá để nuôi bóng đá nhưng Đồng Tháp xứng đáng là “Vua lùm xùm” ở mùa này.
Trước mùa bóng này, Đồng Tháp có liên tiếp 2 vụ việc gây xôn xao dư luận, với chuyện suýt bị giải tán và vụ đi – ở của các trụ cột. Cụ thể, sau khi có kinh phí để tham gia giải thì đội chủ sân Cao Lãnh phải đối diện với chuyện Bửu Ngọc và Thanh Hào quyết dứt áo ra đi. Mọi chuyện chỉ tạm ổn thỏa khi Đồng Tháp để Bửu Ngọc đền bù hơn 1 tỷ đồng còn Thanh Hào trả hơn 700 triệu đồng để được tự do ra đi.
Sau khi thi đấu ổn định trong mấy vòng đầu tiên, Đồng Tháp bất ngờ “đổ bệnh” với 2 rắc rối liên tiếp. Đầu tiên là các cầu thủ đưa chuyện nợ 2 tỷ tiền lương và tiền thưởng ở mùa bóng 2014 của Công ty chủ quản cũ ra tòa và chuyện quyết định “tạm dừng luyện tập, thi đấu” đối với đội trưởng Duy Khanh.
Rất may và cũng đáng khen cho Đồng Tháp, họ có cách làm đúng đắn, kịp thời tháo gỡ rắc rối để trụ hạng thành công.