Ngày 23/10/2016 là ngày lịch sử của bóng đá Việt Nam. Cú ra chân “nhanh như điện” của Trần Thành giúp U19 Việt Nam đánh bại U19 Bahrain với tỷ số 1-0 ở tứ kết VCK U19 châu Á 2016. Bàn thắng này giúp bóng đá Việt Nam lần đầu tiên góp mặt ở sân chơi World Cup.
Tiền đạo gốc Huế cùng U20 Việt Nam có hành trình ấn tượng tại U20 World Cup 2017. Đó là bệ phóng để Quang Hải, Bùi Tiến Dũng, Đoàn Văn Hậu,… tiến xa. Nhưng với Trần Thành, sau dấu mốc lịch sử đó, anh dần chìm vào quên lãng. Và chấn thương là tác nhân khiến tiền đạo này vẫn mãi trên đường đi tìm sự khẳng định. Trần Thành trút bầu tâm sự về quãng thời gian qua cùng Webthethao.
Webthethao: Nhắc đến Trần Thành, NHM nhớ đến bàn thắng vào lưới U19 Bahrain để giúp bóng đá Việt Nam lần đầu tiên giành vé dự World Cup. Bây giờ, sau 4 năm nhìn lại, Thành thấy cảm giác hôm đó như thế nào?
- Thời gian trôi qua cũng 4 năm, lúc nào có thời gian, tôi nhớ lại khoảnh khắc đó như kỷ niệm đẹp. Bốn năm đó giúp tôi trưởng thành hơn nhiều trong cuộc sống và suy nghĩ. Trong bóng đá có nhiều bước ngoặt thay đổi nhưng hiện tại, cơ hội tiến xa của tôi gặp khó khăn vì gặp chấn thương. Đôi lúc nghĩ lại, tôi cũng thấy buồn.
Cuộc sống của Thành thay đổi ra sao từ khoảnh khắc đó?
- Cuộc sống vốn dĩ vẫn vậy, không thay đổi quá nhiều, chỉ là được nhiều người ở Huế biết đến hơn. Thế nhưng, thời gian cũng 4 năm rồi, tôi không thi đấu nhiều giải đấu nên càng ngày họ càng quên và cũng chỉ gắn mình với biệt danh “người hùng World Cup”.
Phải chăng, Thành có trăn trở gì về biệt danh “người hùng World Cup”?
- Nhiều lúc nghĩ lại cũng buồn. Nhiều người bảo tôi là “người hùng dân tộc” hay “người hùng World Cup”. Thú thật, tôi không thích mấy vì bóng đá là con đường dài. Cuộc sống bóng đá phải thi đấu nhiều. Chỉ một giải đấu với một khoảnh khắc, mình không thể bằng lòng với điều đó được.
Có sự khác biệt nào không khi trở về CLB bóng đá Huế sau hành trình U20 World Cup 2017?
- Tôi thi đấu tự tin hơn, trưởng thành hơn nhưng tiếc là bị chấn thương, không thi đấu nhiều.
Nguyên nhân vì sao chấn thương và điều này tác động thế nào đến sự nghiệp thi đấu sau này?
- Chấn thương của tôi xảy đến trước khi đi đá U20 World Cup 2017. Đó là trận đấu với Viettel ở Cúp QG, tôi bị chấn thương gối. Sau chấn thương, tôi không được điều trị dứt điểm. Cơ sở y tế cũng như nhiều điều kiện khó khăn khác ở đội khiến tôi không có điều kiện chữa trị tốt nhất. Tôi phải tự vượt qua, phải tự chữa trị. Chấn thương cứ thế lặp đi lặp lại. Điều này khiến tôi không có phong độ tốt nhất.
Lần gần nhất, NHM thấy cái tên Trần Thành xuất hiện là ở giải U21 Quốc gia 2018, cảm giác của Thành lúc đó ra sao?
- Trước giải, tôi xác định phải cố gắng vì giải đấu này như một bước đệm cho bản thân, giải lại được thi đấu trên sân nhà. Nhưng sau trận đầu tiên, tôi bị chấn thương và không thể thi đấu được tốt ở giải đấu đó.
Nhưng sau đó, nhiều người cho rằng, anh bị bệnh ngôi sao nên mất tích?
- Không phải thế đâu. Khi mình được nhiều người biết đến, lúc quay trở lại không tránh được sự để ý từ đồng nghiệp hay người bên ngoài. Nhưng từ trước giờ, tôi là người ít khi chia sẻ. Lúc còn đội trẻ, tôi ít có sự hòa đồng với các bạn, cởi mở với người bên ngoài. Tôi là người ít nói nên nhiều người không hiểu.
Lúc đi về thì họ tiếp xúc với mình từ trước khi ghi bàn, họ lấy thước đo từ lúc đó, thấy ít nói nên nghĩ mình ngôi sao thôi. Còn trên sân tập, việc thi đấu ở đội Huế, cộng thêm chấn thương nhiều khiến tôi chưa đạt thể trạng tốt nhất. Bởi vậy, có những trận không đá hết 100% sức lực nên các bạn hay các thầy có những đánh giá thế này, thế nọ.
Chỉ mới 23 tuổi nhưng chặng đường của Thành luôn bị chấn thương đeo đẳng. Anh đã chữa trị chấn thương như thế nào?
- Khi nghĩ đến chấn thương tôi cũng buồn vì bác sĩ ở đội Huế không phải chuyên sâu, tôi không được điều trị dứt điểm. Tôi phải tự lên mạng tìm cách giảm đau, các phương pháp tự chữa trị bởi muốn đi chữa trị thì số tiền lớn quá, tôi cũng sợ. Tôi cứ nghĩ trong đầu những thứ này đơn giản nên tự chườm đá, làm các bài thuốc đơn giản, đi mằng,… Tôi thử rất nhiều phương pháp. Hơn nữa, tôi cũng cố ra sân để tập luyện.
Việc tự chữa trị là phản khoa học?
- Tôi cũng ý thức được nhưng thực sự do điều kiện của CLB còn khó khăn. Nếu tôi ở đội bóng có điều kiện cũng như bác sĩ tốt thì mạnh dạn xin đi chữa trị nơi tốt. Lúc đó, tình hình chấn thương đã khác vì mình bị tổn thương sụn chêm đầu gối, loại chấn thương không quá phức tạp.
CLB không có điều kiện cũng như bác sĩ tốt thì họ hỗ trợ gì trong việc chữa trị, nhất là về kinh phí?
- Về kinh phí thì bên đội cũng khó khăn nên mỗi lần lên xin thì phải đợi thời gian để giải quyết. Thế nhưng chân mình không thể đợi được. Chẳng hạn như vừa đau xong phải tự bỏ tiền túi rồi thời gian sau làm giấy tờ lên xin, cấp tiền về. Lương với thu nhập của tôi không quá dư dả. Để tự bỏ nhiều tiền tự chữa trị nhiều lần, tôi không kham nổi.
Tháng 7/2019, sau nhiều lần chấn thương, không thể như ban đầu thì cuối cùng quyết định đi khám ở bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), bác sĩ nói phải mổ. Tôi cũng xin đội đi mổ, đội bảo phải đợi bên bảo hiểm với nhiều thứ khác nên tôi phải đi mượn bạn bè và nhờ nhiều nguồn để tự mổ trước. Lo cho chân trước đã.
Tôi còn may mắn vì có thể tự chữa trị được chấn thương chứ như một số người anh ở đội lúc trước chấn thương không có điều kiện chữa trị nên phải bỏ bóng đá để đi theo nghề khác.
Sau mổ thì tình trạng chấn thương như thế nào?
- Sau mổ quan trọng là giai đoạn phục hồi. Sau mổ tôi xin đội Huế đi ra trung tâm PVF để tập phục hồi nhưng thời điểm đó điều kiện tài chính chưa cho phép nên tôi về nhà tự phục hồi. Tôi liên lạc với bác sĩ mổ trực tiếp (bệnh viện Việt Đức) để phục hồi. Sau thời gian, tôi quay lại tập với đội nhưng chỉ một thời gian ngắn thì bị lại vì trong giai đoạn phục hồi không có bác sĩ chuyên khoa để phục hồi. Từ đó, chấn thương của tôi không thể nào dứt điểm hẳn.
Cũng ở PVF, nhiều đồng nghiệp được CLB chủ quản tạo điều kiện tối đa để chữa trị còn với Thành, anh phải thuê nhà ở ngoài, rồi tự lấy tiền chữa trị, nhờ mối quan hệ, anh có chạnh lòng?
- Đôi lúc nghĩ tôi cũng tủi. Các bạn ăn ở, tập luyện môi trường chuyên nghiệp sẽ thuận tiện hơn rất nhiều. Để tính toán hợp lý với điều kiện tài chính, tôi ở bên ngoài một mình, tự túc nấu ăn, đạp xe đi về nhưng vì cái chân nên cố gắng vượt khó.
Tôi thuê một căn hộ cách PVF khoảng 3km, hằng ngày đạp xe đi về. Tôi dành toàn bộ số tiền lương tôi được hưởng ở CLB Huế cho sinh hoạt cá nhân và thuê nhà ở ngoài vì sẽ tiết kiệm được 2/3 chi phí. Ngoài ra khoản chữa trị thì CLB có gửi công văn nhờ sự hỗ trợ từ PVF nên tôi được miễn phí khoản tập luyện phục hồi.
Tôi ra PVF vào tháng 2, mới tập được gần 1 tháng rồi bị dịch COVID-19, lệnh giãn cách xã hội, tôi ở bên ngoài không vào được nên trong 1 tháng đó để tập phục hồi do vậy tôi quay trở lại Huế. Lúc về tôi cũng tự đạp xe đạp, bơi chứ không dám tập nhiều; phải khi ra ngoài đó mới có giáo án cụ thể.
Bác sĩ hẹn nói tôi không được tập nhiều. Nếu muốn lành thì ra khám, đưa giáo án tập luyện mới, còn 1 tháng trước đó tập coi như xong, trở lại từ đầu, lên giáo án mới. Quãng thời gian dự kiến 3 tháng trở lại.
Cùng xuất phát điểm với Đoàn Văn Hậu, Bùi Tiến Dũng, Quang Hải, Hà Đức Chinh,… ở hành trình dự U20 World Cup nhưng các đồng đội lại tạo chỗ đứng, có mức lương cao, thương hiệu hình ảnh của nhiều nhãn hàng; có người thậm chí thu nhập cả tiền tỷ. Còn Thành bây giờ ra sao?
- Tôi cũng chỉ hưởng lương đội trẻ ở Huế. Nhìn các bạn như thế, tôi cũng mừng cho các bạn còn mình nghĩ mình phải cố gắng. Tôi có chút buồn nhưng điều kiện của mình đã vậy rồi. Lương, nguồn thu theo mức đó rồi. Mình muốn có thu nhập cải thiện, tốt hơn thì phải phấn đấu thi đấu tốt hơn.
Sau bốn năm cái tên Trần Thành dần bị lãng quên. Vậy, anh mong ước gì trong thời gian tới?
- Mong muốn lớn nhất là được thi đấu thật nhiều vì đời cầu thủ, chỉ khi thi đấu, người hâm mộ mới nhớ đến và đó cũng là cách để khẳng định khả năng của mình.
Cảm ơn Trần Thành về cuộc trao đổi này.