Sau thành tích giành tấm HCV SEA Games 30, ngày 16/12/2019 tại trụ sở VFF, đại diện Tập đoàn hóa chất Đ.G trao tấm bảng thưởng 500 triệu đồng tượng trưng cho ĐT nữ Việt Nam. Doanh nghiệp này sau đó chưa chuyển tiền cho đội mà yêu cầu phía VFF cũng như ĐT nữ Việt Nam cung cấp mức chia thưởng rồi chuyển trực tiếp cho từng cá nhân. Tuy nhiên, HLV Mai Đức Chung đã từ chối và lãnh đạo doanh nghiệp lên tiếng trên truyền thông sẽ không thưởng nữa.
Trao đổi với Webthethao, một luật sư xin phép được giấu tên cho biết, dưới góc nhìn pháp lý, các khoản thưởng này là hứa thưởng theo quy định tại Điều 570 của Bộ Luật Dân sự 2015 thay vì được hiểu theo tiền thưởng theo quy định của luật Lao động.
Theo Điều 116 Bộ Luật Dân sự 2015, giao dịch dân sự được hiểu là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Theo đó, các cá nhân, tổ chức có quyền ủng hộ đội tuyển nữ Việt Nam bằng các giao dịch dân sự trên tinh thần tự nguyện như tặng cho, hứa thưởng hoặc tài trợ dưới các hình thức lời nói hoặc hình thức bằng văn bản.
Hứa thưởng, về bản chất là sự tuyên bố mang tính ý chí đơn phương từ một phía. Về hình thức, hứa thưởng có thể được thể hiện bằng văn bản, bằng lời nói hay thể hiện trong các phát ngôn, tuyên bố chính.
Tuy nhiên, dù hình thức thể hiện như thế nào thì hứa thưởng phải đáp ứng các yêu cầu như công khai và công việc được hứa thưởng phải cụ thể, có thể thực hiện được, công việc này không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Đối với quy định về việc rút lại tuyên bố hứa thưởng, Điều 571 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Khi chưa đến hạn bắt đầu thực hiện công việc thì người hứa thưởng có quyền rút lại tuyên bố hứa thưởng của mình. Việc rút lại tuyên bố hứa thưởng phải được thực hiện theo cách thức và trên phương tiện mà việc hứa thưởng đã được công bố.
Pháp luật hiện hành chưa có quy định về việc xử lý việc người hứa thưởng không thực hiện trả thưởng nhưng nếu không thực hiện thì họ sẽ đánh mất uy tín, niềm tin của các cầu thủ, đối tác kinh doanh và nhất là niềm tin của người tiêu dùng.
Trường hợp trong hợp đồng tài trợ có ghi nhận các điều khoản thể hiện quyền, nghĩa vụ của bên tài trợ về việc phải thực hiện nghĩa vụ cũng như các chế tài được áp dụng trong trường hợp này thì đội tuyển nữ Việt Nam hoàn toàn có quyền khởi kiện tại Tòa án về việc vi phạm hợp đồng theo quy định của BLDS 2015 và Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
>>> Lịch thi đấu của ĐT nữ Việt Nam tại vòng loại thứ 3 Olympic 2020