Từ "cơn sốt bóng đá" tới cơn điên của "kích động viên"

Nhà báo Hữu Bình
thứ tư 14-11-2018 11:48:24 +07:00 0 bình luận
Những ngày qua, "cơn sốt vé" xem trận Việt Nam – Malaysia đã lên tới đỉnh điểm. Người ta nhẩm tính rằng nó không thua gì so với những "cơn sốt" trước đây, khi đội tuyển có dịp so giày với những anh tài thế giới đến từ Olympic Brazil, Arsenal hay Man City.

Những ngày qua, "cơn sốt vé" xem trận Việt Nam – Malaysia đã lên tới đỉnh điểm. Người ta nhẩm tính rằng nó không thua gì so với những "cơn sốt" trước đây, khi đội tuyển có dịp so giày với những anh tài thế giới đến từ Olympic Brazil, Arsenal hay Man City. 

1. Một "cơn sốt" đến từ nỗi khát khao của người hâm mộ được chứng kiến sự "thay da đổi thịt" ở đội tuyển quốc gia, sau khi thầy trò HLV Park Hang Seo đã liên tiếp lập công tại các sân chơi tầm cỡ châu lục, nhưng cho lứa tuổi trẻ. Vẫn lứa ấy giờ đang là nòng cốt của đội tuyển, hứa hẹn lắm, vào háo hức lắm!

"Cơn sốt" ấy càng cao thêm nhờ sự nhiệt tình của công luận, bao gồm cánh báo chí và cả cộng đồng mạng. Để rồi ngay cả những người bấy lâu chả quan tâm tới "bóng bánh" (nói gì tới bóng đá Việt Nam), bỗng dưng cũng tò mò, muốn được... đến sân Mỹ Đình cổ vũ. Nói cách khác, một phần nguyên nhân tạo nên "cơn sốt" đến từ chính cái gọi là "hội chứng đám đông"!

"Đám đông" ấy có thể vừa mới hôm nào tưng bừng cổ vũ, náo nhiệt đón tiếp đoàn quân trở về từ Thường Châu hay sang Indonesia cổ vũ họ đá Asiad. Nhưng nói... dại mồm, lỡ thầy trò họ thất bại thì chưa biết chừng không ít người trong số đó lại trở thành những "anti-fan" đầu tiên của đội tuyển. Nhưng hiện thời họ đang "bốc" cùng đội tuyển, tạm ghi nhận thế thôi, chứ chớ vội quá vui mừng!

Từ cơn sốt bóng đá tới cơn điên của kích động viên - Ảnh 1.

Các mà những người gọi là CĐV đang kêu gọi đi xem và cổ vũ cho ĐTVN.

"Cơn sốt bóng đá" càng trở nên cao độ, bởi sự cộng hưởng của những những người muốn lợi dụng nó để kiếm chác, trong đó có dân phe – những người quen mặt ở các "chợ vé", nay hăng hái bon chen sắm vai... người hâm mộ trong buổi bán vé hôm 11/11, thêm nữa là cả những kẻ giấu mặt, theo một cách riêng nào đó có vé và trục lợi bằng cách tuồn chúng ra chợ đen...

Cách thức quản lý và phân phối vé bóng đá của VFF có lẽ còn rất nhiều bất cập, cần có sự nghiên cứu, tiến hành hợp lý hơn, để "ứng phó" với những lần xuất hiện... nhu cầu đột biến một cách phù hợp, tránh điều tiếng không hay.

2. Nhưng chuyện nào ra chuyện đó. Giữa hừng hực của "cơn sốt", một bộ phận dư luận phản ứng dữ dội vì không được thỏa mãn nhu cầu có vé (vâng, để "có vé" thôi, chứ chưa chắc là nhu cầu cổ vũ thật sự cho đội tuyển). Sự phản ứng theo nhiều cách thức và cung bậc, âu cũng dễ hiểu. Và nhất thời thật khó để những người hữu trách có thể chiều lòng tất cả. 

Tuy nhiên, lẫn trong những luồng phản ứng trái chiều ấy những ngày qua, trên cộng đồng mạng đã xuất hiện cả luồng ý kiến hăm dọa của những "kích động viên" rằng sẽ đốt pháo sáng, sẽ tạo nên "lễ hội khói", để khiến VFF bị phạt, bị treo sân... 

Những kẻ núp bóng cổ động viên bóng đá VN ấy từng là thủ phạm trực tiếp hoặc gián tiếp trong bao vụ việc buồn lòng, đáng xấu hổ (đốt pháo sáng khiến BĐVN bị phạt, ném đá vào xe chở đội bạn...), giờ đây đang nhân lúc "nhân tâm bất an" vì không được thỏa mãn nhu cầu mua vé, thêm một lần vừa hăm dọa, vừa kích động. 

Ai đó thanh minh: Họ chỉ "hù" thế thôi, chứ chưa chắc dám làm! Vâng, nếu quả thật họ chỉ muốn "dọa dẫm" nhằm đạt mục đích nào đó (đòi giải quyết một số lượng vé nhất định chẳng hạn), thì ít nhất hành động ấy cũng đã tạo thêm một hậu quả liên đới tồi tệ: Kích động một bộ phận dư luận có tư tưởng quá khích.

Thử hỏi, trong trường hợp pháo sáng vẫn được ngang nhiên đốt lên trong trận đấu, trước mắt các thành viên AFC, AFF, thì hậu quả mà bóng đá Việt Nam sẽ phải gánh như thế nào? Phạt tiền, bị xử thua, đá sân trung lập... chưa kể việc mất uy tín trầm trọng về khả năng tổ chức các sự kiện bóng đá quốc tế sau này. Hậu quả ấy sẽ vô cùng to lớn, không thể chỉ đo đếm được bằng tiền! Đấy phải chăng là điều những "kích động viên" mong muốn, để thỏa cơn bực tức của họ?

Thiết nghĩ, trong hoàn cảnh này, VFF cũng như các giới chức hữu trách cần phối hợp với các lực lượng chức năng (đặc biệt là cơ quan an ninh, cảnh sát), cần sát sao và hành động mạnh mẽ hơn trong ứng xử với những kẻ mang danh nghĩa cổ động để... kích động và phá hoại. 

Bóng đá Việt Nam nói chung và thầy trò HLV Park Hang Seo đương nhiên không mong muốn được chứng kiến hình ảnh khói – lửa trên các khán đài, kèm theo muôn vàn hệ lụy. Đội tuyển của chúng ta luôn rất cần sự cổ vũ, cổ động nhiệt tình, nhưng văn minh từ phía đông đảo người hâm mộ chân chính!

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm