Chỉ có 4 đội bóng tham gia giải năm nay là Phong phú Hà Nam, Than Khoáng Sản Việt Nam, Hà Nội và TP HCM. Con số này ít hơn năm ngoái 1 đội bởi Sơn La rút lui để chuẩn bị cho giải VĐQG vào tháng 5 tới. Tuy nhiên, theo chia sẻ của phó tổng thư ký VFF Dương Nghiệp khôi, chất lượng các cầu thủ là khá tốt và nhiều gương mặt đã thể hiện được khả năng, có thể đủ sức tham gia các giải đấu quốc tế, kế tục sự nghiệp của các đàn chị đi trước.
"Trong nhiều năm qua 4 tỉnh, thành này là những nơi phong trào bóng đá nữ phát triển mạnh nhất. Ngoài ra, còn có Thái nguyên và Sơn La, tuy nhiên 2 đơn vị này chưa đủ lực lượng để tham gia giải U19 nữ này. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp túc tổ chức giải tập huấn U16 nữ tại trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam để bóng đá nữ nước nhà có nền móng vững chắc hơn, lấy đó làm gốc cho sự phát triển sau này", ông Dương Nghiệp Khôi chia sẻ.
Tiếp tục về vấn đề thi đấu, theo ông Khôi thì ban tổ chức đã cố gắng sắp xếp để các cầu thủ được ra sân thi đấu nhiều nhất nhằm cọ xát, trau dồi bản lĩnh, kinh nghiệm. "Do số lượng các địa phương tham dự giải này khá ít, chúng tôi đã cố gắng tăng đến mức tối đa bằng cách để các đội thi đấu vòng tròn 2 lượt đi và về. Thực ra, ở giải U.19 này cũng có rất nhiều cầu thủ đang ở độ tuổi U16. Vì vậy sắp tới họ sẽ tiếp tục được tạo điều kiện thi đấu ở giải tập huấn U.16. Như vậy, các cầu thủ sẽ được thi đấu nhiều hơn, tích lũy kinh nghiệm dày dặn hơn", ông nói
Trong nhiều năm qua, bóng đá nữ Việt Nam luôn phải đối mặt với bài toán về tăng số lượng đội bóng tham dự. Chia sẻ về khó khăn này, vị phó tổng thư ký cho biết: "Đây là vấn đề đã tồn tại rất nhiều năm nay, dù chúng tôi rất muốn tăng số lượng đội bóng tham dự vào sân chơi bóng đá nữ. Đến giải VĐQG năm nay mới có 8 đội tranh tài, nhưng thực chất chỉ có 6 địa phương. Trước đây còn những đơn vị khác như Hải Phòng, Long An, hay Quảng Ngãi. Tuy nhiên do những đặc thù về phong trào bóng đá nữ, các địa phương này đã lần lượt rút khỏi giải VĐQG.
Kinh phí để duy trì hoạt động là một 1 phần nguyên nhân. Phần khác là bóng đá nữ chưa có phong trào mạnh mẽ. Muốn có đỉnh cao phải có bề rộng, nhưng có nhiều yếu tố kìm hãm sự phát triển rộng rãi của bóng đá nữ. Ngay bản thân các cầu thủ dù vẫn mong muốn được chơi bóng, nhưng gia đình lại định hướng họ tham gia vào ngành nghề khác. Kể cả trong thể thao, rất nhiều VĐV nữ có thể tập luyện những môn khác nhưng không phải là bóng đá".
Ông Dương Nghiệp Khôi cũng chia sẻ thêm về mô hình bóng đá cộng đồng với hy vọng việc làm này sẽ khiến phong trào bóng đá nữ được phát triển rộng rãi. "Đó là một trong những cách mà VFF đang thực hiện và rất hy vọng với các chương trình bóng đá cộng đồng này, phong trào sẽ phát triển mạnh mẽ ở các địa phương. Từ đó chúng ta có thể tìm kiếm nhân tài và đầu tư vì thành tích của bóng đá nữ nước nhà.
Trước mắt, riêng với bóng đá nữ, Huế là một trong những địa phương có sự phát triển rất mạnh mẽ. Chúng tôi hy vọng rằng trong thời gian sắp tới địa phương này sẽ có đủ lực lượng để tham gia giải VĐQG", ông nói.