V.League cần VAR
Những trận đấu ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 chỉ ra rằng, tuyển Việt Nam thường xuyên bị VAR “bắt lỗi”. Đánh giá một cách công tâm, tuyển Việt Nam có phần bất lợi hơn đối thủ trong những tình huống mà quyết định có thể xuất phát từ nhận định của trọng tài.
Luật bóng đá những năm gần đây ngày càng chặt chẽ hơn, nhưng các trọng tài cũng phải làm việc nhiều hơn, tư duy nhiều hơn. Trong những buổi cập nhật về sự thay đổi của luật bóng đá trước mùa giải, giảng viên trọng tài Đặng Thanh Hạ cũng từng đặt ra vấn đề này. Rất nhiều tình huống các trọng tài phải vận dụng nhận định cá nhân vào tình huống cụ thể trên sân dựa trên tinh thần của luật.
Bởi vậy, VAR xuất hiện sẽ cung cấp cho các trọng tài những góc nhìn đa chiều hơn, đi theo tôn chỉ ban đầu của công nghệ này là tăng tính công bằng cho bóng đá. Nhưng chính VAR cũng khiến cho các tình huống tiểu xảo, những lỗi nhỏ từng bị bỏ qua trở nên rõ ràng hơn.
Tình huống Duy Mạnh phạm lỗi với cầu thủ đối phương dẫn đến quả phạt đền trong trận đấu với tuyển Oman là ví dụ điển hình. Trung vệ sinh năm 1996 có thể vô tình “lau mồ hôi” hộ đồng nghiệp đang lao lên từ phía sau nhưng trong luật lại có quy định về việc ngăn cản đối phương bằng tay trong vòng cấm.
Ở EURO 2020, trong cuộc đọ sức giữa tuyển Croatia và CH Czech, tình huống như vậy đã xảy ra. Trung vệ Dejan Lovren bị thổi phạt khi cùi chỏ của anh va vào mặt tiền đạo Patrik Schick. Tuyển Croatia phải chịu quả phạt đền sau khi trọng tài tham khảo công nghệ VAR. Trưởng ban trọng tài Dương Văn Hiền cũng giải thích rằng trọng tài có lý do để đưa ra quyết định ấy.
Thế nhưng, tính đến trận đấu vừa qua, các cầu thủ Việt Nam mới chỉ có 5 lần được thi đấu mà có VAR hiện diện. Ngần ấy thời gian không thể là đủ để hình thành thói quen chơi bóng khi có một công nghệ “soi” mọi hành động của cầu thủ.
Bởi, ở giải vô địch quốc gia, nơi họ thi đấu 20-26 trận một mùa giải, VAR không xuất hiện. Không có VAR, rất khó cho các trọng tài bao quát hết tất cả trên sân. Đồng thời, khi sự giám sát không chặt chẽ, cầu thủ Việt Nam cũng khó lòng thay đổi thói quen xấu mà họ thường xuyên sử dụng từ khi còn trẻ.
Nhưng VAR cách xa V.League
VAR không giết chết cảm xúc của bóng đá mà dần dần sẽ hình thành một loại cảm xúc khác, đó là sự nghẹt thở của từng phút chờ đợi. V.League chắc chắn sẽ tốt hơn nhiều khi có VAR, vấn nạn về trọng tài ít nhiều được khắc phục. Khi có VAR, các đội bóng không thể thích làm gì thì làm, thích phản ứng thế nào cũng được như phàn nàn mới đây của Trưởng ban Kỷ luật VFF Vũ Xuân Thành.
Thế nhưng, để VAR có thể đến với V.League, vẫn còn một khoảng cách rất xa cả về tài chính, nhân lực lẫn điều kiện để có thể áp dụng VAR với từng sân vận động. Cách đây 2 năm, chủ tịch VPF Trần Anh Tú từng rất quyết tâm đưa VAR về Việt Nam. Mục tiêu là mỗi một ngày sẽ có ít nhất 1 trận đấu có VAR chứ chưa thể đồng bộ đủ 7/7 trận trong 1 vòng đấu.
Tuy nhiên, cuối năm 2019 và đầu năm 2020, FIFA thay đổi rất nhiều yêu cầu về VAR. Riêng về vấn đề nhân lực vận hành VAR, Việt Nam cần chuẩn bị đủ 100 trọng tài để đào tạo trong 7 tháng.
Trao đổi về vấn đề này, một trọng tài tại V.League nói: “Chúng tôi được biết có một số trọng tài tại Việt Nam được mời đi học về công nghệ VAR, sẵn sàng làm nhiệm vụ ở các trận đấu quốc tế nhưng vài người đi học thì cũng chẳng thấm vào đâu, bởi ít nhất cần thêm 5 người trong phòng VAR nữa. Lực lượng trọng tài trẻ kế cận không đủ để làm việc này”.
Ngoài ra, chi phí đầu tư máy móc, điều kiện vận hành một số sân không thể lắp đặt đủ camera để đảm bảo góc máy. Theo một thống kê không chính thức, 32 trận đấu tại VCK U23 châu Á 2020 tiêu tốn 5.6 triệu USD cho VAR. Nếu V.League áp dụng 2 trận có VAR mỗi vòng, sẽ có khoảng 40-52 trận đấu xuất hiện VAR, chi phí còn cao hơn nữa.
Nhìn vào điều kiện hiện nay của VPF và V.League, áp dụng VAR trong tương lai gần là điều bất khả thi.