VFF cần “gõ đúng cửa” hay chuyện ai thay áo mới cho V.League?

Triệu Vân
thứ ba 13-10-2020 11:53:12 +07:00 0 bình luận
V.League 2020 nếu so với 10 mùa giải trước đó thì đang trở nên rất lôi cuốn và kịch tính do việc thay đổi thể thức thi đấu.

Khó 3 đi-3 về

Sau giai đoạn 1, các đội bóng sẽ được chia làm 2 nhóm. Nhóm A gồm các đội có vị trí từ 1-8, thi đấu vòng tròn 1 lượt tranh ngôi Vô địch, Á quân và hạng Ba. Nhóm B gồm các đội có vị trí từ 9-14 thi đấu vòng tròn một lượt xác định suất xuống hạng. 

Thể thức này dù không ngăn chặn triệt để nhưng rõ ràng hiệu quả hơn trong việc hạn chế tình trạng xin-cho điểm giữa các đội bóng. Thứ nhất, ở giai đoạn 1 các đội bóng chỉ gặp nhau 1 lần. Một đội nếu thua ở giai đoạn 1 thì có thể mất trắng 3 điểm nếu sang giai đoạn 2, đôi bên bị tách tốp. Tình trạng 3 đi-3 về sẽ khó xảy ra hơn với thể thức hiện tại. 

Thứ 2, ở cuộc đua trụ hạng, các đội bóng cũng khó xin điểm nhau hơn. Nếu như trước đây, một đội bóng trong nhóm “cầm đèn đỏ” có thể hy vọng lấy điểm từ những đội đã an toàn nhưng không thể vào tốp 3 thì nay, việc “xin” điểm các đội ở phía dưới khó khăn hơn nhiều do đều trong cảnh bấp bênh.  

Cuộc đua trụ hạng càng khốc liệt với Hải Phòng sau thất bại trước SHB Đà Nẵng.

Cuộc đua vô địch cũng chất lượng hơn bởi quy tụ những đội có thực lực, phong độ tốt nhất thay vì các trận đấu chênh lệch giữa nhóm trên với nhóm dưới. Dĩ nhiên, vẫn có trường hợp những đội ở cuối nhóm A hết cơ hội vô địch nên thi đấu không đúng sức, nhưng so với thể thức cũ, con số những trận đấu như vậy đã được rút đáng kể. 

Ai làm chủ cuộc chơi?

Theo thông tin của Webthethao, HĐQT Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã thông qua chủ trương tiếp tục áp dụng thể thức hiện nay của V.League trong mùa giải 2021. Thực tế cho thấy dù chỉ là phương án tạm thời vì dịch COVID-19, thể thức mới đang khiến giải VĐQG trở nên lôi cuốn, chất lượng và kịch tính hơn. Tuy nhiên để được thông qua, VPF buộc phải qua “cửa” BCH LĐBĐVN (VFF). 

Ở đây lại có một câu chuyện không thể không nhắc tới. Trong 10 mùa giải qua, V.League gần như bị thống trị hoàn toàn bởi các đội bóng được cho trong nhóm liên quan tới bầu Hiển. Cụ thể, các đội bóng trong tầm ảnh hưởng của bầu Hiển đã giành 7/10 chức vô địch, gồm Hà Nội 5, SHB Đà Nẵng 1, Quảng Nam 1. 

Việc “chưa đá đã biết kết quả” khiến cho V-League dần mất đi sự hấp dẫn, lôi cuốn người xem. Nhiều ông bầu, nhà tài trợ cũng nản lòng, đánh mất động lực đầu tư. Về lâu dài, tình trạng này rõ ràng ảnh hưởng tới sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Ông bầu Nguyễn Đức Thuỵ của Sài Gòn Xuân Thành khi bỏ bóng đá trước đây cũng ấm ức nói về chuyện bị Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng “đánh hội đồng”.

FLC khi rút khỏi bóng đá Thanh Hoá, Chủ tịch Trịnh Văn Quyết đã “đá nhẹ” rằng dù có đầu tư bao nhiêu cũng không thể vô địch vì “chỉ có một đội bóng”. Phát biểu của ông Quyết được đưa ra sau 2 mùa giải Thanh Hoá hụt hơi trước CLB Hà Nội. Hay như bầu Đức, mấy mùa gần đây cũng tuyên bố HAGL chỉ “đá cho vui”. 

Đằng sau tuyên bố của các ông bầu trên có thể còn những nguyên nhân khác, nhưng không thể phủ nhận thực tế tất cả đều có một nguyên nhân chung, là vấn đề “một ông chủ, nhiều đội bóng” liên quan bầu Hiển. 

BCH VFF hiện còn 16 người sau khi Phó chủ tịch tài chính Cấn Văn Nghĩa xin từ chức. Trong số 16 thành viên còn lại thì số người có liên quan đến “anh em Hà Nội” cũng chiếm số đông. 

Một quyết định đem lại lợi ích cho số đông nhưng rất có thể VFF cũng sẽ phải “gõ đúng cửa”. Đây cũng là một vấn đề bóng đá Việt Nam phải đối mặt, trước yêu cầu xây dựng một giải đấu minh bạch và công bằng, tạo tiền đề cho sự phát triển.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm