Những năm vừa qua, bóng rổ Việt Nam chứng kiến những bước tiến thần tốc. Sau sự ra đời của Saigon Heat, VBA cũng bắt đầu xuất hiện như một liều doping đẩy hình ảnh của trái bóng cam tới gần hơn với người hâm mộ.
Thế nhưng đó mới chỉ là một mặt của vấn đề, bởi không khó để nhìn thấy rằng bóng rổ giống như những môn thể thao khác tại Việt Nam, vẫn còn là trở lại rất lớn với phái nữ.
Trong một năm, các cầu thủ nam có rất nhiều giải đấu lớn nhỏ, từ không chuyên cho tới chuyên nghiệp, thế nhưng phái nữ thì khác, sân chơi của họ là vô cùng hạn hẹp.
Số giải đấu nữ chỉ đếm trên đầu ngón tay, và gần như tập trung hoàn toàn hệ thống các giải vô địch quốc gia do VBF tổ chức. Ngoài ra chỉ hiếm hoi có một giải đấu dành cho nữ như Audi Cup.
Đó chính là rào cản khiến các địa phương e dè khi đầu tư vào bóng rổ nữ. Một số tỉnh thành còn đầu tư cho đội nữ như Tp.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Quảng Ninh cũng phải kêu trời vì thiếu sân chơi.
Ví dụ tiêu biểu nhất có lẽ là bóng rổ nữ Hà Nội, họ có kế hoạch phát triển dài hơi với đội một và đội trẻ, tuy nhiên việc quá thiếu giải đấu và người chơi khiến bóng rổ nữ Thủ đô gặp rất nhiều khó khăn. Từng có khoảng thời gian họ buộc phải tập luyện và thi đấu giao hữu cùng những đội nam.
Thế nhưng kết quả của phần ngọn chỉ là phản ánh những tồn tại từ gốc. Bóng rổ nữ không thực sự được quan tâm và thiếu đi những giải đấu phong trào, điều đó khiến số lượng người chơi hạn chế và thiếu đi nhân tố tốt cho đội tuyển Quốc gia.
Màn trình diễn của đội tuyển nữ 3x3 tại SEA Games 30 được coi là ấn tượng, thế nhưng không khó để thấy khoảng cách của bóng rổ nữ Việt Nam so với những nước trong khu vực.
Trong thể thao phái nữ đã luôn là một nửa thiệt thòi, vì vậy họ luôn cần được quan tâm nhiều hơn nữa, cần nhiều giải đấu phong trào và chuyên nghiệp nhiều hơn nữa.