Nhắc tới giải bóng rổ vô địch Quốc gia, giới chuyên môn và người hâm mộ đã quá quen thuộc với hình ảnh đoàn Tp.Hồ Chí Minh ôm hết huy chương Vàng và Cúp vô địch. Điều đó cứ lặp đi lặp lại hàng năm tới mức nhiều người cảm thấy giải đấu có phần... nhàm chán!
Không phủ nhận thành tích mà Tp.Hồ Chí Minh có được là nhờ sự đầu tư bài bản, và có hệ thống. Họ phát triển bóng rổ từ học đường, đưa người về các Quận tìm kiếm và huấn luyện cầu thủ trẻ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Để rồi khi lên tuyến trẻ hay đội 1, những VĐV chuyên nghiệp được nhận những lợi ích mà không phải tỉnh nào cũng có được. Những chuyến du đấu nước ngoài hàng năm để cọ sát, đổi lại là thành tích ở các giải đấu Quốc gia và mang lại những bản hợp đồng tài trợ tiền tỷ!
Trong cuộc chạy đua thể thao thành tích cao của bóng rổ Tp.Hồ Chí Minh, vẫn còn những tỉnh thành đầu tư để hướng tới một cuộc cạnh tranh sòng phẳng. Hà Nội là một ví dụ điển hình, sau đó có thể tới HCM City Wings hay Quảng Ninh với những sự đầu tư đáng ghi nhận!
Thế nhưng tại các giải đấu Quốc gia, ngoài những tỉnh thành vẫn được coi là "con nhà giàu" ấy, vẫn còn đó những địa phương rất khó khăn, họ phải chắt bóp từng đồng kinh phí, thậm chí những người tâm huyết phải bỏ tiền túi để đưa quân đi thi đấu, tất cả nhằm níu giữ tình yêu trái bóng cam, với mục tiêu duy nhất không thể để bóng rổ chết dần trên mảnh đất quê hương!
Điều đó có thể khắc hoạ qua hình ảnh của các cô gái Cần Thơ, họ luôn lặng lẽ góp mặt tại các giải đấu Quốc gia, không kèn không trống! Và sau vụ tấn công trọng tài tại Đại hội 2018 khiến đội bóng nam phải giải thể, họ vô tình nhận thêm những áp lực lớn hơn nữa. Bởi chẳng ai biết số phận của các cô gái Cần Thơ sẽ như thế nào nếu họ lỡ có "dính phốt".
Cũng vì thế đoàn quân dưới tay HLV Tiếp Ri Đa Ni cứ cắn răng chịu đựng! Với một tỉnh còn khó khăn như Cần Thơ, đương nhiên họ không thể so sánh mức đãi ngộ như những tỉnh giàu, và vì thế câu chuyện nữ đội trưởng Nguyễn Thị Hân chẳng thể mua một đôi giày cũng chẳng biết trách ai. Bởi dẫu sao được thi đấu đều đặn hàng năm đã là một may mắn, rất nhiều đơn vị như Yên Bái, Đà Nẵng, Thanh Hoá, Nghệ An,... dù vẫn còn đó những người tâm huyết nhưng thật khó để lo đủ kinh phí cho các VĐV.
Đối với Sóc Trăng, nơi vẫn được coi là cái nôi sản sinh ra rất nhiều cầu thủ xuất sắc, thế nhưng thật cay đắng khi những người con nơi đây phải lưu lạc khắp nơi vì bóng rổ không được đầu tư. Ít ai biết rằng những Tiếp Ri Đa Ni, Đàm Huy Đại, Phan Minh Luyến, Hoàng Tú,... cũng xuất thân từ mảnh đất còn nghèo khó này, vì tình yêu bóng rổ họ buộc phải ra đi để tìm kiếm cơ hội được phát triển sự nghiệp.
Vì vậy HLV Nguyễn An Siêng và các học trò hiểu rằng, họ chỉ còn một cách duy nhất là nỗ lực, với mục tiêu giành huy chương Vàng là nhiệm vụ bắt buộc! Bởi chỉ có thành tích cao nhất mới mang tới hy vọng được ban ngành địa phương chú ý, được các doanh nghiệp hảo tâm hỗ trợ hồi sinh phong trào trái bóng cam tại Sóc Trăng.
Người ta vẫn nói rằng khi tình yêu đủ lớn, mọi giới hạn và thử thách đều có thể vượt qua. Sóc Trăng cuối cùng đã làm được điều đó, không chỉ một mà là hai lần, không chỉ là chiến thắng mà là chiến thắng một cách ấn tượng và thuyết phục!
Đối với Sóc Trăng và Cần Thơ, họ thực sự vừa tạo nên một chiến tích, đó là cú hích lớn của không chỉ những địa phương này, đó là bằng chứng thuyết phục để các doanh nghiệp, các địa phương còn đang e ngại có những cái nhìn tích cực hơn về bóng rổ, giúp phong trào ngày càng được lan rộng!