Trọng tài bóng rổ Việt Nam kỳ II: VBF đang xát thêm muối vào nỗi đau của các trọng tài?

Quang Minh
thứ hai 22-2-2021 8:25:21 +07:00 0 bình luận
Lương thấp và gặp vô vàn áp lực từ nhiều phía, các trọng tài chỉ còn biết trông chờ vào đơn vị chủ quản VBF, nhưng họ có thực sự được bảo vệ?

Năm 2018 tại Đại hội Thể dục thể thao, vụ 2 cầu thủ Cần Thơ tấn công trọng tài Lê Huệ Thông tạo nên cơn địa chấn cực lớn. Nó vượt ra khỏi phạm vi thể thao, chiếm sóng truyền thông trong và ngoài nước, thậm chí hành vi này có thể đưa ra pháp luật. Thế nhưng đây cũng là vụ việc điển hình cho thấy cách làm việc của VBF còn rất nhiều điểm thiếu sót.

Tất cả tập trung vào những cú đấm, cú đá của Lê Văn Đầy và Lê Phước Thắng, họ bị lên án mạnh mẽ vì hành vi phi thể thao không thể bào chữa. VBF đưa vụ việc này sang tận Singapore để tư vấn án phạt, và sau đó cấm thi đấu 10 năm hai VĐV. Thế còn vị trọng tài bị đánh thì sao? Chẳng có kết luận chính thức nào về vụ việc này, rằng tình huống đó trọng tài Thông xử lý đúng hay sai? Hợp lý hay chưa?

VBF đưa ra 2 án phạt rất răn đe cho Lê Văn Đầy và Lê Phước Thắng. Ảnh: Quang Minh

Trên khắp các diễn đàn, người hâm mộ đặt câu hỏi vì sao 2 cầu thủ tấn công trọng tài Lê Huệ Thông? Những bình luận tiêu cực bắt đầu xuất hiện nhan nhản và dễ dàng định hướng đám đông. Họ cho rằng “hai cầu thủ này ở nhà hiền lắm, không có lửa thì làm sao có khói”, “trọng tài phải thế nào thì VĐV mới làm vậy?”,…

Vô hình chung trọng tài bị đánh phần nào lại là người… có lỗi! Thế nhưng thay vì đứng ra bảo vệ trọng tài Lê Huệ Thông, VBF lại chỉ tập trung vào xử phạt 2 VĐV Lê Phước Thắng, Lê Văn Đầy. Và cũng thật kỳ lạ, trọng tài Lê Huệ Thông sau đó biến mất, không còn làm việc tại các giải VĐQG đến nay. Để rồi một bộ phận lớn người hâm mộ tin rằng trọng tài Thông mắc lỗi và bị đấm đá là… có lý do.

Một cách trực quan nhất có thể lấy ví dụ tại VBA 2020 vừa qua. Trong tình huống tranh cãi khi trọng tài thổi 2 lỗi kỹ thuật dành cho Chris Dierker, phía VBA sau đó đã đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc. Đương nhiên việc đồng ý hay phản đối vẫn thuộc về NHM, tuy nhiên hành động trên của VBA giúp các trọng tài yên tâm hơn khi thực hiện nhiệm vụ.

Phép so sánh trên cho thấy các trọng tài bóng rổ Việt Nam rất đơn độc, dường như họ không được bảo vệ từ chính đơn vị chủ quản của mình. Để rồi khi đúng thì không ai biết đấy là đâu, khi tranh cãi thì bị mang ra mổ xẻ, và không ít thì nhiều cũng bị biến thành người có lỗi, rồi lại bị ăn chửi!

Sau khi bị tấn công, trọng tài Lê Huệ Thông gần như mất tích tại các giải VĐQG. Ảnh: Quang Minh

“Chúng tôi đơn độc và không biết kêu than với ai! Nếu nói thẳng ra thì danh nghĩa Trọng tài bóng rổ Quốc gia là chúng tôi tự phong, tự biết với nhau. Chẳng có chứng chỉ, bằng cấp hành nghề gì.

Có những giải đấu bên ngoài mời chúng tôi tham gia, họ yêu cầu giấy tờ để làm thủ tục với cấp trên, chúng tôi cũng chẳng biết đưa ra giấy tờ gì để chứng minh. Lại phải đi tìm ảnh, tìm thẻ tác nghiệp tại các giải đấu mà mình từng làm việc,” một trọng tài chia sẻ trong bức xúc.

Ngay cả việc được BTC cảm thông và mời bắt, các trọng tài cũng không đơn giản là ra sân thực hiện nhiệm vụ và nhận tiền công mang về. Họ hoàn toàn đứng trước nguy cơ bị cấp trên “tuýt còi”, vì mang danh Trọng tài quốc gia, lỡ bắt giải phủi có vấn đề gì lại ảnh hưởng tới thanh danh Liên đoàn.

Có nhiều trọng tài vì thế cứ lẳng lặng đi làm, bởi không thể trông vào đồng lương eo hẹp ở các giải VĐQG. “Một năm chỉ có vài giải Quốc gia, thu nhập cũng chẳng đáng bao nhiêu, chúng tôi buộc phải bắt ngoài để kiếm thêm thu nhập không thì chết đói, có khi được thông cảm, nhưng có khi không được đồng ý,” một vị trọng tài tâm sự.

Bản quyết định được ký 1,5 năm vẫn chưa được thực hiện

Thu nhập eo hẹp là thế, hàng năm các trọng tài cũng khốn đốn với những buổi đào tạo nâng cấp nghiệp vụ của VBF. Mọi chi phí di chuyển, ăn ở đều phải tự túc, thậm chí họ còn bỏ thêm tiền mua trang phục, mua tài liệu.

Lấy ví dụ đơn giản, việc di chuyển giữa hai đầu đất nước Tp.Hồ Chí Minh và Hà Nội, chi phí máy bay, ăn ở chắt bóp cũng phải bỏ ra từ 3-5 triệu đồng cho hai ngày xa nhà. Đó rõ ràng là con số không nhỏ nếu so với mức thu nhập của họ.

Nhưng nếu không tham gia những buổi đào tạo trên, các trọng tài sợ rằng sẽ không được phân bắt các giải VĐQG. Có người vì thế phải vay mượn tiền để đi tập huấn nâng cao trình độ, nhưng cũng có người không thể sắp xếp và buộc phải ở nhà!

Nhưng cũng có những người không tham gia hoặc không đạt, lại vẫn được tham gia các giải đấu hoặc được giao phụ trách các giải đấu phong trào một cách rất khó hiểu.

Các vị trọng tài không biết phải trông chờ vào ai. Ảnh minh hoạ: Minh Hiếu

Thay vì hào hứng với những buổi rèn giũa, nâng cao trình độ nghiệp vụ, được giao lưu với anh em đồng nghiệp trên cả nước, cuối cùng những buổi tập huấn như vậy lại khiến các trọng tài… toát mồ hôi hột.

“Cứ nghe tin tới ngày tập huấn là chúng tôi lại thấy áp lực, không biết nói với gia đình thế nào để mang tiền đi. Vợ lại căng thẳng, nhiếc móc, bố mẹ lại lắc đầu ngao ngán. Giờ cứ nghĩ đến những giây phút như thế mà sợ,” một trọng tài cay đắng tâm sự.

Vốn đã nhận hàng tá áp lực từ người hâm mộ, đội bóng và gia đình, giờ đây các trọng tài cũng chẳng thể trông chờ vào đơn vị chủ quản VBF. Nói một cách chua chát thì những buổi tập huấn như vậy chẳng khác nào xát thêm muối vào vết thương âm ỉ của họ.

Đối với các trọng tài, giây phút thoải mái nhất là hoà mình vào những diễn biến trên sân, sau đó về ngồi với nhau tâm sự xả ra những bức xúc trong lòng. Thế nhưng những vấn đề tồn đọng thì vẫn luôn ở đó nếu không được giải quyết, và ngày qua ngày các trọng tài lại phải cắn răng chịu đựng trong sự bất lực.

Để có cái nhìn đa chiều về công tác tổ chức trọng tài, Webthethao đã liên hệ với ông Lâm Hải Linh - Trưởng ban trọng tài Liên đoàn bóng rổ Việt Nam, tuy nhiên ông Linh vẫn giữ sự im lặng về những bất cập đang tồn đọng này!

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm