Bàn đến sân Y hiện tại, thường phải nhắc đến 3 nhà vô địch của giải bóng rổ không chuyên Hà Nội là Hidden, Dwarf và FUDO. Giữa năm 2017, các cô gái FUDO đang mang trong mình giấc mơ tìm lại vinh quang.
Sự trỗi dậy bất ngờ
Năm 2009, LES là một đội bóng mạnh trong giới bóng rổ nữ không chuyên Hà Nội. Họ là tập thể đúng nghĩa nhưng lại hay bị thua trong những trận chung kết.
Có những lần thua đến rã rời, mà là rã rời đúng nghĩa bởi kiệt sức và chấn thương, họ từng khóc trong những lần thất bại và những hình ảnh đó tạo ra rất nhiều cảm xúc.
Nhìn những cô gái trên sân năm đó, người hâm mộ chợt thấy ở họ dáng dấp của những nhà vô địch. Đó là những con người đã được tôi luyện bằng thất bại và nước mắt. Không hiếm người tin rằng rồi một ngày LES cũng sẽ đạt được giấc mơ của họ.
Trong cái năm mà nhìn ra ở LES dáng dấp vô địch thì cũng là thời điểm ra đời của FUDO. Những cô gái ở FUDO thật khác, đa phần trông họ trắng trẻo, hiền lành, vẫn còn chút rụt rè và giống trẻ con ở cái ngày ban đầu.
Tới năm 2013, LES đã đạt được giấc mơ vô địch, nhưng FUDO giờ cũng trở thành một đội bóng cùng đẳng cấp với LES, luôn có khả năng cạnh tranh cho ngôi vị số 1 tại những giải đấu mà họ tham gia, quả là thú vị!
Năm 2013 chứng kiến thành công rực rỡ đầu tiên của FUDO khi họ đánh bại Cdunk, đội bóng với siêu sao Lê Vân đã từng làm mưa, làm gió ở cấp không chuyên và đạt vô số danh hiệu trong nhiều năm để lên ngôi vô địch giải nữ các CLB không chuyên Hà Nội.
Định nghĩa sức mạnh của FUDO
FUDO ở thời điểm hiện tại khiến cho người nào biết đội cảm thấy dễ dàng khi định nghĩa sức mạnh của họ đến từ đâu. Sức mạnh đó nằm ở 2 chữ “ổn định”.
Đội trưởng Phạm Hoàng Diệp (Tít) đã có đường hướng đúng, các thành viên của FUDO cũng đã đúng khi đặt niềm tin và cam kết lâu dài với một HLV.
Nay HLV của họ là một tuyển thủ có tiếng tăm của đội Long Biên là anh Hoàng Văn Hoan và HLV phó Ngọc Anh. Họ đã gắn bó với nhau được khá lâu. Và sự ổn định ở vai trò chỉ đạo luôn là chìa khóa giúp tạo nên đẳng cấp và bản sắc đặc trưng cho một đội bóng, điều này cũng đúng ở các môn thể thao khác.
Sự ổn định tiếp theo nằm ở nguồn nhân lực, Diệp có chia sẻ rằng đội bóng có thời điểm bao gồm sự góp mặt 50 thành viên tính cả những người không thường xuyên ra sân.
Như vậy, ước chừng vào khoảng 40 người đã và đang hoạt động chính cho đội, đây vẫn là một con số thực sự hay ho so với một đội bóng nữ ở HBL.
Với tính ổn định về lực lượng, FUDO có cả đội già và đội trẻ, 2 đội bổ sung và có tính thúc đẩy cao hơn rất nhiều. Có vài năm, 1 số đội bóng kỳ cựu của nam còn không có đội hình để tham gia vào giải trẻ, những điều mà FUDO làm được vào hiện tại là rất đáng ghi nhận.
Với những ai mới lần đầu xem FUDO chơi bóng sẽ cảm thấy thú vị. Hãy thử xem xét thông qua 1 ví dụ sau đây. Trong hiệp 1, bạn sẽ bắt đầu tin rằng FUDO không có tay ném xa, chỉ cần khóa chặt Hoàng Diệp và những đường chuyền vào trong là xong. Đến hiệp 2, bạn nhận ra là FUDO chơi phòng ngự thật hay nhưng tấn công thì vẫn vậy.
Nhưng sang hiệp 3, bạn mới thấy hàng hậu vệ của họ thật kinh khủng với Hoàng Diệp, Ngọc Anh và Phương Hoa. Họ biến những tình huống phòng ngự hiệu quả thành các pha lên điểm bằng cả đột phá ném rổ và phản công nhanh.
Đến hiệp cuối, họ vẫn giữ được khả năng phòng thủ tốt, những đường chuyền của họ vẫn có tốc độ, nhưng bất ngờ hơn là FUDO lại xuất hiện thêm những nhân tố có thể tung ra những cú ném thành công sát gần vòng 3 điểm.
Lực lượng đông và ổn định, chính điều đó đã giúp cho FUDO duy trì được sức mạnh phòng ngự trong cả trận đấu và tạo được sự đa dạng trong tấn công như vậy.
Đây là một tập thể thực sự, có những ngôi sao sáng nhưng toàn đội vẫn đồng đều, những thành viên trên sân cứ thay nhau tỏa sáng vào một thời điểm bất kỳ và những người lạ khi xem sẽ phải trầm trồ mà hỏi nhau rằng: “Cô gái đó là ai thế?”.
Trong một trận đấu, những người xem cũng có thể cảm nhận được ở FUDO sự ổn định giống như kiểu mẫu của một đội bóng nổi tiếng ở giải bóng rổ NBA là San Antonio Spurs.
Chính sự ổn định này đã làm nên sức mạnh và mang về cho FUDO chức vô địch giải nữ CLB 2013, huy chương bạc HBL 2013, 2014, 2015, giải phong cách U17 toàn quốc 2010 và một loạt những huy chương đồng của ở các giải đấu khác mà họ tham gia.
Giai đoạn từ 2014-2016
FUDO trong giai đoạn này luôn thuộc nhóm các đội bóng mạnh nhất của giới bóng rổ nữ không chuyên Hà Nội. Họ được xem như kẻ về nhì ấn tượng nhất khi hay để thua LES, đội bóng nữ mạnh nhất trong vài năm qua.
Tới HBL 2015, FUDO đã thua LES sau 2 lần chạm mặt nhau tại chung kết trước đó. Nhưng mùa giải này có sự khác biệt, FUDO một lần nữa tiến vào bán kết và xóa được dớp thất bại khi vượt qua kỳ phùng địch thủ LES.
Như vậy, FUDO đã có lần thứ 3 liên tiếp góp mặt tại chung kết HBL. Tuy nhiên, ở thế cửa trên, họ đã để thua SINO và đành nuối tiếc về nhì lần thứ 3.
Năm 2015-2016 là thời điểm mà FUDO có nhiều cá nhân xuất sắc nhất của giới nữ không chuyên Hà Nội. Họ góp mặt 5/12 người của tuyển Hà Nội và có những thời điểm, cả năm người của FUDO đều được đứng trên sân thi đấu trong màu áo tuyển. Thật sự đáng tự hào cho đội bóng.
Nhưng sau khi trở về tham gia vào các giải đấu thuộc hội không chuyên, các cô gái vẫn gặp vấn đề trong việc hướng tới thành tích vàng. Họ liên tiếp lặp lại thất bại trước các đối thủ quen thuộc như SINO và LES.
Có quá nhiều điều để nói và phải làm lại từ đầu. FUDO đang rơi vào tình trạng đánh mất mình, từ các trụ cột hay công thần đời đầu của đội đều khó khăn trong việc duy trì được phong cách và nhiệt huyết khi thi đấu.
Tái thiết
Năm 2017, kỳ vọng của FUDO đang đặt vào lứa trẻ kế cận có triển vọng tốt. Một số ngôi sao thế hệ 2014 sẽ không còn tham gia thi đấu để lui về làm công tác huấn luyện và dẫn dắt lứa trẻ.
Thêm một điều đặc biệt nơi sự góp mặt của Hiếu SINO, nhân tố đã hai năm liên tiếp đem lại vinh quang cho đội bóng nữ SINO. Liệu những đóng góp kinh nghiệm quí giá như vậy có thể đưa tập thể trẻ FUDO tìm lại vị thế từng có hay không?
Rất đáng mong chờ một FUDO trẻ hóa sẽ trở lại mạnh mẽ, kế cận những gì các đàn chị đi trước đã đạt được. Giữa năm 2017, những cô gái này đang mang trong mình giấc mơ vô địch.