CEO Connor Nguyễn: Saigon Heat phải có nguyên tắc để tồn tại

thứ năm 22-12-2016 13:18:26 +07:00 0 bình luận
"Chúng tôi phải đặt ra các nguyên tắc để vận hành và thực hiện. Nếu không thực hiện đúng sẽ không thể tạo ra nền tảng vững chắc. SG Heat không thể ưu ái một vài cá nhân để phá bỏ cả hệ thống và định hướng" - CEO của SG Heat ông Connor Nguyễn.

Khúc mắc giữa nhóm VĐV VBA không đạt được thỏa thuận chơi ABL với Saigon Heat (SG Heat) được ông Connor Nguyễn CEO của SG Heat lý giải: "Chúng tôi phải đặt ra các nguyên tắc để vận hành và thực hiện. Nếu không thực hiện đúng sẽ không thể tạo ra nền tảng vững chắc. SG Heat không thể ưu ái một vài cá nhân để phá bỏ cả hệ thống và định hướng".

-Webthethao.vn. Những ngày vừa qua, thông tin nhóm VĐV VBA phản ứng với mức lương mà Saigon Heat đề nghị thi đấu ABL năm nay liệu có đúng?

Connor Nguyễn: Nếu cho rằng đánh đồng VĐV nội binh với mức lương 10 triệu là không đúng. ABL cũng như VBA là thể thao chuyên nghiệp nên đều trả lương theo trình độ chứ không phải trả lương như hệ thống cũ trước đây. Vì vậy, các VĐV sẽ có mức lương khác nhau, tùy năng lực từng người. 

Chúng ta không nên so sánh giữa trình độ VĐV nước ngoài, Việt kiều với VĐV Việt Nam. Một khi đã chuyên nghiệp thì ai chơi tốt hơn, trình độ cao hơn sẽ được hưởng mức lương tốt hơn.

Ông Connor Nguyễn (CEO SG Heat) cho rằng cần phải thiết lập các quy tắc để hướng đến môn bóng rổ chuyên nghiệp. Ảnh: Quang Thịnh.
Ông Connor Nguyễn (CEO SG Heat) cho rằng cần phải thiết lập các quy tắc để hướng đến môn bóng rổ chuyên nghiệp. Ảnh: Quang Thịnh.

-Ông đánh giá như thế nào về mức lương trung bình của các VĐV nội binh yêu cầu so với khả năng đáp ứng của SG Heat?

So với giải quốc gia, lương tại Giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA) đã cao hơn 50%. Mức lương để thi đấu tại ABL gấp khoảng 2-3 lần nhưng họ vẫn nghĩ là chưa đủ. Có thể họ nghĩ SG Heat là phải trả cao hơn 2-3 lần thì mới thi đấu nên như vậy là không phù hợp với văn hóa mà đội đang xây dựng.

Chúng tôi không phân biệt VĐV Việt Nam hay nước ngoài. Điển hình như Viet Arnold khi mới đến Việt Nam thi đấu cho SG Heat chỉ có mức lương 2 triệu đồng/tháng trong vòng 6 tháng và giờ cậu ấy lãnh lương cao.

Như ở Mỹ, nhiều VĐV phải trả tiền cho CLB hoặc chơi miễn phí để có cơ hội thi đấu, lương thậm chí còn thấp hơn VĐV Việt. Họ nghĩ họ cần cơ hội để phát triển khả năng và nếu chơi tiến bộ sẽ có mức lương rất cao. Suy nghĩ tiến bộ như vậy chưa có ở Việt Nam.

-So với năm ngoái, mức lương năm nay SG Heat đề nghị lại thấp hơn, ông giải thích trường hợp này như thế nào?

Năm ngoái, SG Heat rất muốn có VĐV đó nên đã trả lương cao để lấy về bằng mọi giá và điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến những khúc mắc hiện tại. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận kỹ khả năng chuyên môn VĐV không xứng đáng với được mức lương đó. Vì thế, tôi đã rút kinh nghiệm và tính toán lại để định hướng lâu dài hơn.

SG Heat thiết lập nguyên tắc cho chiến lược dài hơi

-Bên cạnh chuyện chuyên môn, ông có thể chia sẻ thêm về những yếu tố nào tác động đến mức lương của VĐV bóng rổ Việt Nam?

Đầu tiên phải là quy định về mức lương trần (Salary cap) mà giải đấu đặt ra. Theo đó, muốn có VĐV tốt thì phải trả lương cao nhưng không được vượt trần. Để cân bằng lại, đội sẽ phải chọn VĐV có mức lương thấp hơn hoặc trẻ hơn.

Thứ hai, ngân sách tiền lương, SG Heat có quỹ lương riêng của mình để cân đối. Chúng tôi cần biết phải bỏ ra bao nhiêu tiền để có các quyết định nhân sự. Cuối cùng mới đến việc trả lương theo năng lực VĐV.

Đấu trường VBA mới là giải đấu nâng cao trình độ của cầu thủ bóng rổ Việt Nam. Ảnh: Quang Thịnh.
Đấu trường VBA mới là giải đấu nâng cao trình độ của cầu thủ bóng rổ Việt Nam. Ảnh: Quang Thịnh.

Mức lương trần và ngân sách tiền lương không thể tách rời nhau và tác động lẫn nhau. Như trường hợp SG Heat mua Charles Christine và trả lương cao thì các VĐV khác phải thấp lại. Hệ thống tương tự cũng được vận hành tại VBA, đây là chuyện hết sức bình thường.

-Theo ông, yếu tố gì cần thiết để thiết lập một nền bóng rổ chuyên nghiệp tại Việt Nam?

Nói đến thể thao chuyên nghiệp là nói đến tính thương mại, không phải làm chơi cho vui. Chúng tôi bỏ rất nhiều tiền ra để đầu tư dài hạn. Nếu không làm vậy, SG Heat khó tồn tại sau 2-3 năm vì khi đó chắc ngân sách sẽ cạn kiệt. 

Thêm một điều nữa chúng tôi phải đặt ra các nguyên tắc để vận hành và thực hiện theo nó. Nếu không thực hiện đúng sẽ không thể tạo ra nền tảng vững chắc, lâu dài. Chúng tôi không thể ưu ái một vài VĐV để phá bỏ cả hệ thống và định hướng.

Nếu bây giờ thể thao không tạo ra tiền thì cũng chẳng ai muốn lao vào, trừ khi người đó có rất nhiều tiền. Khi họ thích thì làm, không thì nghỉ nhưng điều này sẽ tạo ra sự mất cân bằng, thiếu ổn định.

ABL chưa phải là sân chơi của VĐV trẻ Việt Nam

-Với lực lượng nội binh hiện tại, ông có nghĩ rằng những VĐV Việt có chuyên môn tốt sẽ được ra sân chơi nhiều hơn?

Tại giải ABL 2016-17, SG Heat gặp một số vấn đề ngay từ đầu mùa như chấn thương của Charles và một số VĐV chưa sẵn sàng nhập cuộc. Khi chúng tôi thua, khán giả đòi hỏi nội binh được ra sân nhiều hơn, thực tế là nếu nội binh ra sân nhiều thì đội thua là hiển nhiên. Ngược lại, nếu SG Heat thắng thì việc nội binh trở nên ít quan trọng với khán giả.

Làm thể thao chuyên nghiệp là bạn phải giành được chiến thắng vậy nên phải xây dựng đội hình mạnh và xây dựng lối chơi xung quanh VĐV tốt nhất. Nếu không đội khó giành chiến thắng và đạt mục tiêu vô địch. 

Trong chiến lược phát triển của SGH, sân chơi ABL sẽ thu hút nhiều người quan tâm đến môn bóng rổ hơn tại Việt Nam. Ảnh: Quang Thịnh.
Trong chiến lược phát triển của SGH, sân chơi ABL sẽ thu hút nhiều người quan tâm đến môn bóng rổ hơn tại Việt Nam. Ảnh: Quang Thịnh.

- Như vậy, ABL chưa phải sân chơi phù hợp cho VĐV Việt Nam?

ABL chưa phù hợp cho VĐV trẻ của Việt Nam. Đây là đấu trường để những VĐV có bước chuẩn bị cho VBA và tính cho 2-3 năm tiếp theo. Muốn thi đấu với VĐV có trình độ cao hơn, chúng ta cần phải nâng cao giải đấu trong nước và cần thời gian. Bạn không thể bắt kịp nền bóng rổ một nước khác trong vòng 2-3 năm.

SG Heat dự ABL là tham gia vào môn bóng rổ chuyên nghiệp ở đấu trường quốc tế. Sàn đấu ABL không phải là nơi phát triển VĐV nội binh mà là kế hoạch phát triển hình ảnh SG Heat để thu hút người xem môn bóng rổ, để bóng rổ trở thành môn thể thao phổ biến. Nếu không sẽ không thành lập được giải VBA và bóng rổ chỉ là môn thể thao đứng thứ 10 ở Việt Nam.

-Vậy kế hoạch chuẩn bị cho giai đoạn của mùa giải 2017 của SG Heat như thế nào, thưa ông?

Chúng tôi tiếp tục tin tưởng vào mục tiêu đã đề ra, Charles Christien sẽ quay trở lại, VĐV nội sẽ chơi tốt hơn và chúng tôi phải tiếp tục tìm 1-2 VĐV nội binh hoặc Việt kiều bổ sung vào đội. Những VĐV này phải có cùng tinh thần với SG Heat, nếu chỉ chơi tốt một mình thôi là chưa đủ vì bóng rổ là môn chơi tập thể.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm