4 sự thật bạn luôn nhầm tưởng về Quyền Anh

Huỳnh Phi Sang
thứ hai 4-2-2019 7:52:00 +07:00 0 bình luận
Quyền Anh là môn võ thuật đối kháng phổ biến nhất hành tinh, nhưng cũng chính vì thế mà có rất nhiều người không thực sự hiểu rõ bản chất của nó.

Quyền Anh không dùng chân

Đây là một trong những nhầm tưởng cơ bản nhất về Quyền Anh. Dĩ nhiên Quyền Anh có bộ kỹ thuật khá hạn chế, thậm chí còn cấm luôn một số "biến thể" đòn đấm như vả lòng găng, táng bằng cạnh găng...

Bạn chỉ đúng khi nói "Quyền Anh không tấn công bằng chân", nhưng tư duy "Quyền Anh không dùng chân" khiến người khác hiểu sai về cấu trúc kỹ thuật của Quyền Anh, đồng thời cho rằng "một vết thương ở chân có thể khiến võ sĩ Taekwondo hay Muay Thái không thi đấu được, còn Quyền Anh vẫn thoải mái!"

4 sự thật bạn luôn nhầm tưởng về Quyền Anh
Kỹ năng điều khiển cơ thể từ đôi chân cũng là một "mặt trận" hóc búa và quan trọng của Quyền Anh.

Sai hoàn toàn! Quyền Anh bị ảnh hưởng rất lớn từ đôi chân. Thậm chí chỉ cần ngón chân cái bị đau do tai nạn thường ngày, võ sĩ Quyền Anh sẽ thi đấu kém hiệu quả hơn bình thường rất nhiều. Các võ sĩ Quyền Anh sử dụng đôi chân nhiều hơn bạn nghĩ! Đôi chân Quyền Anh gánh vác trọng trách rất lớn trong việc di chuyển, kiểm soát khoảng cách, điều chỉnh trọng tâm và cả tạo lực cho đòn đấm.

Quyền Anh là "đấm và bị đấm"

Đúng! Với điều kiện bạn hiểu rõ Quyền Anh. Người bình thường khi tin vào câu "Quyền Anh chỉ là đấm và bị đấm" sẽ hiểu sai rất nhiều về cấu trúc kỹ thuật của bộ môn đầy nghệ thuật này.

4 sự thật bạn luôn nhầm tưởng về Quyền Anh
Trong Quyền Anh, cuộc chiến thực sự đậm chất toán học và chiến thuật chứ không chỉ là "đấm và bị đấm".

Lối suy nghĩ ấy chỉ là cách nói đơn giản hóa cho một trong những bộ môn phức tạp nhất làng võ hiện đại. Thực tế Quyền Anh không chỉ là cuộc đọ găng so đấm. Không hề! Trong các trận đấu Quyền Anh nhà nghề có vô vàn bài toán mà chỉ những người tập luyện mới hiểu được, chẳng hạn như việc ép đòn, đánh lừa, tạo phán đoán sai cho đối thủ, cuộc chơi ép thể lực, phá nhịp độ... và hàng chục thứ khác. Đó cũng là lý do Quyền Anh chuyên nghiệp không chỉ tính điểm theo số đòn đấm trúng mà còn nhiều yếu tố về khả năng thể hiện của võ sĩ đó trong trận đấu.

Quyền Anh là môn "võ hiện đại"

Hầu hết mọi người đều xem Quyền Anh là một môn võ hiện đại. Không ngừng phát triển kỹ - chiến thuật, số người tập đông đảo, tư duy hoàn toàn thiên về vấn đề "lên sàn" mà không đề cập các khái niệm cổ điển như võ đạo, gắn liền với thế giới truyền thông và thương mại hiện đại, vậy nên việc mọi người hiểu lầm là điều rất bình thường.

4 sự thật bạn luôn nhầm tưởng về Quyền Anh
Bình gốm của Hy Lạp cổ đại minh họa một trận Quyền Anh.

Thực tế Quyền Anh có lịch sử lâu đời đến mức nhiều môn "võ cổ truyền" trên toàn thế giới chỉ xuất hiện với chiều dài lịch sử bằng... con số lẻ so với tuổi đời của Quyền Anh. Nhiều bằng chứng khảo cổ cho thấy những mầm mống kỹ thuật của Quyền Anh đã có từ 1350 năm trước Công Nguyên.

Quyền Anh phụ thuộc cơ bắp đồ sộ

Bạn có thể thấy những võ sĩ Quyền Anh đầy cơ bắp và cho rằng đây là bộ môn phụ thuộc vào sức mạnh? Có rất nhiều tranh cãi về việc "yếu tố nào quan trọng nhất trong Quyền Anh", và cơ bắp rất hiếm khi được đề cập, đặc biệt là ở trình độ chuyên nghiệp.

4 sự thật bạn luôn nhầm tưởng về Quyền Anh
Cơ bắp trong Quyền Anh rất quan trọng, nhưng các võ sĩ Quyền Anh không hề "phụ thuộc" vào yếu tố đó như nhiều người vẫn nghĩ.

Ở những cấp độ đầu tiên, võ sĩ Quyền Anh thực tế phụ thuộc rất nhiều vào sự khéo léo và chính xác. Lực đấm của họ xuất phát phần lớn từ thân người nên không chịu ảnh hưởng quá nhiều bởi cơ bắp. Chỉ ở cấp độ chuyên nghiệp, các võ sĩ Quyền Anh mới phải chú tâm hơn vào cơ bắp. 

Mặt khác, việc sở hữu cơ bắp vượt trội cũng đẩy các võ sĩ lên một hạng cân cao hơn - lựa chọn hết sức rủi ro cho những ai chưa thực sự sở hữu được sự linh hoạt, chính xác và chiến thuật tốt.
 

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm