Mà cái danh “người làm võ” ấy cũng chỉ là mới đây – sau một thời gian dài bị… “bắt ép” phải nhận. Vốn là một doanh nhân sở hữu nhiều công ty lớn, ông Nguyễn Đức An Sơn có niềm đam mê đặc biệt với võ thuật và luôn tự xem mình là một “người chơi võ” bình thường trong cộng đồng.
Cũng như nhiều người khác trong cộng đồng thường được gọi là “người chơi võ”, ông An Sơn tập luyện nhiều bộ môn như Quyền Anh, Thái Lý Phật và cả Brazilian Jiujitsu (vừa nhận đai tím từ hệ thống Kimura BJJ).
Với cá tính gần gũi, thân thiện và sảng khoái, khó ai nhận ra trên những thảm võ ấy là một doanh nhân chứ đừng nói là một Chủ tịch Liên đoàn. Ông là một “người chơi võ” rất điển hình: siêng năng, nghiêm túc nhưng quảng giao, dễ kết bạn và đặc biệt yêu mến chính cộng đồng những người tập luyện võ thuật, từ mọi tầng lớp như những người tập luyện phong trào hay võ sĩ chuyên nghiệp.
Và chính sự yêu mến ấy đã đẩy “người chơi võ” Nguyễn Đức An Sơn thành một “người làm võ” thực sự, Chủ tịch Liên đoàn Quyền Anh TP.HCM và trưởng ban tổ chức HBF – giải đấu vừa chỉ mới có một mùa “ra quân” nhưng đặc biệt thành công và ngay lập tức được cộng đồng Quyền Anh hưởng ứng.
"Lý do tôi gắn bó với võ thuật là do tôi đã tập luyện từ lâu, võ thuật trở thành một phần cuộc sống, cũng như là một phong cách sống vậy. Mỗi ngày trôi qua mình đều phải hoàn thiện bản thân hơn. Khi vào phòng tập, chỉ cần khoác lên bộ võ phục là ai cũng như ai, không phân biệt giàu nghèo. Chỉ có tập luyện và tập luyện,” Trưởng ban tổ chức giải HBF kể về niềm đam mê võ thuật của bản thân.
Cho đến khi trở thành Chủ tịch Liên đoàn Quyền Anh TP.HCM (ngày 18/9/2017), ông Nguyễn Đức An Sơn vẫn giữ sự khác biệt thú vị của mình. Dĩ nhiên ông không phải lãnh đạo thể thao duy nhất thực sự gắn bó với bộ môn từ trước. Tuy nhiên, trong khi hầu hết những nhà lãnh đạo khác xuất phát từ một VĐV chuyên nghiệp, ông Nguyễn Đức An Sơn chỉ nhận mình ở một vai vế bình dân hơn, một “người làm võ” xuất thân từ “người chơi võ” nghiệp dư.
“Nói thật, trong làng võ, tôi bình thường và nghiệp dư lắm. Nhưng tôi coi đó là cái may. Chính cái nghiệp dư bình dân ấy giúp tôi gần gũi với anh em làng võ hơn. Từ đó tôi hiểu được những gì anh em còn thiếu thốn, những nguyện vọng khó nói chưa được giải đáp, và thậm chí quen biết được nhiều nhân vật “ngọa hổ tàng long”, những người đã giúp tôi rất nhiều trong các sự kiện sau này như HBF . SSDIC là một ví dụ, họ đã cùng chúng tôi “lăn lộn” với mùa giải HBF, tình nguyện nhận thực hiện phần lớn những công đoạn khó khăn và phức tạp nhất vì họ cùng chia sẻ sự yêu mến võ thuật và tư duy làm võ để phục vụ cộng đồng. Tôi cho rằng một người làm võ phải có tất cả những điều đó để mang lại thành công cho tổ chức cũng như đem lại giá trị to lớn cho những người mà chúng tôi luôn xem là “anh em” – chính là các võ sĩ,” ông Nguyễn Đức An Sơn chia sẻ.
Ngay trước giải HBF, ông An Sơn cũng thẳng thắn nhận xét: "Tôi nhận thấy sự siêng năng chịu khó của những võ sĩ Việt. Tôi cũng nhận thấy được những khó khăn, những thứ họ đã phải đánh đổi để theo đuổi đam mê. Bởi vậy, HBF được thành lập là vì các võ sĩ. Tôi không phải là một nhà kinh doanh võ thuật chuyên nghiệp, tôi cũng không phải là một nhà tổ chức sự kiện lão luyện. Do đó tôi không đặt nặng kỳ vọng sẽ kiếm tiền từ võ thuật. Thực sự, đối với tôi mà nói thì đây không phải là đầu tư.”
Với tâm lý và tư duy khác biệt ấy, ông Nguyễn Đức An Sơn trở thành một “người làm võ” cực kỳ thú vị, một vị “sếp Liên đoàn” cực kỳ được yêu mến bởi chính cộng đồng võ sĩ của mình. Và những gì giải Quyền Anh HBF đã, đang và sẽ còn thực hiện bởi SSDIC và Liên đoàn Quyền Anh TP.HCM chính là câu trả lời do dấu chấm hỏi về sự thành công của lối tư duy “người làm võ” ấy.