Trong những ngày đầu tháng 3/2020, Boxing Việt Nam đã đón tin vui lịch sử khi võ sỹ Nguyễn Văn Đương giành tấm vé dự Olympic Tokyo, sau khi lọt vào tới vòng bán kết hạng 57 kg ở giải Vòng loại Olympic Boxing Châu Á Thái Bình Dương tại Jordan.
Như vậy, sau 32 năm, kể từ khi hai võ sỹ Đặng Hiếu Hiền (48 kg) và Đỗ Tiến Tuấn (67 kg) được đặc cách tham dự Olympic Seoul 1988, đến giờ Boxing Việt Nam mới có một võ sỹ góp mặt, và giành vé dự Olympic qua thi đấu vòng loại.
Có nhiều yếu tố đặc biệt góp phần tạo nên kỳ tích kể trên, từ chuyện phát hiện ra Nguyễn Văn Đương, cho đến việc lựa chọn "mô hình đào tạo mới" cho võ sỹ sinh năm 1996 này, cũng như định hướng phát triển Boxing Việt Nam theo lộ trình phù hợp với xu thế xã hội hóa thể thao. Tất cả vừa được ông Hoàng Quốc Vinh, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 (Tổng Cục Thể dục thể thao) chia sẻ với Webthethao.vn trong cuộc trả lời phỏng vấn dưới đây.
Webthethao.vn: Boxing Việt Nam vừa giành tấm vé lịch sử dự Olympic 2020 của võ sỹ Nguyễn Văn Đương, với tư cách là nhà quản lý thể thao, phụ trách các môn Võ trong đó có Boxing, và cũng từng thi đấu và đảm trách vai trò HLV, cảm xúc của ông thế nào?
Ông Hoàng Quốc Vinh: Trước tiên phải nói rằng thành tích giành vé dự Olympic 2020 của VĐV Nguyễn Văn Đương cực kỳ xuất sắc. Cảm giác không chỉ riêng tôi, mà những người hâm mộ và cả những người làm Boxing đều rất hạnh phúc, bởi sau 38 năm, kể từ năm 1982 khi ông Hoàng Vĩnh Giang cùng một số võ sư gây dựng lại bộ môn Quyền Anh thì đến nay Việt Nam đã có võ sỹ giành vé dự Olympic qua thi đấu vòng loại. Đây có thể gọi là kỳ tích!
Ông có thể chia sẻ thêm về sự trưởng thành về trình độ cũng như thành tích của VĐV Nguyễn Văn Đương tính đến lúc này?
"Sau Đại hội Thể thao toàn quốc 2018, tôi và một số chuyên gia đã phát hiện ra Văn Đương. Lúc đó trình độ, kỹ thuật của Đương chưa nổi bật, chỉ ở trong Top 3 toàn quốc, nhưng chúng tôi đã nhìn ra tiềm năng ở Đương với một số phẩm chất, thứ nhất là tinh thần, ý chí thi đấu dũng cảm và thứ hai là khả năng đánh cự ly gần khá tốt.
Tôi cùng các chuyên gia, đặc biệt trong đó có một số nhà thể thao chuyên nghiệp đến từ Hàn Quốc đã đặt vấn đề với đơn vị chủ quản của Đương cũng như mời VĐV này tập luyện phát triển theo hướng thi đấu Boxing chuyên nghiệp để nâng cao kinh nghiệm và thành tích thi đấu của Đương. Như vậy, trong 2 năm vừa qua Đương thực hiện rất tốt các giáo án kỹ thuật, chiến thuật, thể lực và nâng tầm trình độ.
Đặc biệt năm 2019 Đương có một trận đánh xuất sắc ở sự kiện Victory 8: Legend of Hoan Kiem khi thắng thuyết phục một võ sỹ chuyên nghiệp, dày dạn kinh nghiệm và rất giỏi của Philippines (Jenel Lausa). Kế đến Đương cũng đã có tấm HCB ở SEA Games 30. Qua đó chúng tôi thấy được tiềm năng để tiếp tục đầu tư cho Đương ở hành trình tìm suất dự Olympic và cuối cùng điều này cũng thành hiện thực khi Đương thi đấu xuất sắc tại Jordan khi đánh bại võ sỹ kỳ cựu của Thái Lan (Chatchai Butdee) để giành vé".
Kế hoạch đầu tư sắp tới cho Nguyễn Văn Đương sẽ ra sao để giúp võ sỹ này để có phong độ tốt nhất tại Olympic Tokyo, thưa ông?
"Từ nay đến Olympic còn khoảng 150 ngày nữa, nếu theo đúng lộ trình tổ chức, Văn Đương sẽ có một kế hoạch tập luyện chặt chẽ, từ giáo án đến đối thủ, dinh dưỡng. Hiện nay chúng tôi đã giao nhiệm vụ cho Bộ môn, Liên đoàn, đơn vị chuyên nghiệp cùng HLV nhà nghề đang hướng dẫn Đương sẽ phải lên kế hoạch rất chi tiết. Dự kiến sẽ có khoảng 2 trận đấu cho Đương và chúng tôi sẽ tìm những đối thủ nhà nghề nổi tiếng để Đương va chạm, cọ xát, để điểm rơi phong độ đúng Olympic 2020".
Kể từ sau tấm HCV của Lương Văn Toàn (81 kg) tại SEA Games 26 vào năm 2011, Boxing Việt Nam đã giành thêm 6 HCV ở các kỳ Đại hội khu vực, bên cạnh đó là những HC ở tầm châu Á cũng như giải trẻ thế giới, và giờ đến vé dự Olympic, vậy theo ông có phải Boxing Việt Nam đang đi đúng lộ trình phát triển một cách chuyên nghiệp?
"Đúng là từ SEA Games 26 trở lại đây các VĐV Boxing của chúng ta đã có những sự đột phá và thay đổi. Đặc biệt là cách các VĐV Việt Nam tiếp cận với Boxing bằng con đường chuyên nghiệp hóa. Tại kỳ SEA Games vừa qua thì có tới 6 võ sỹ Boxing Việt Nam lọt vào chung kết các hạng cân. Chúng ta đã có những tay đấm chất lượng như Đương, như Nguyễn Văn Hải và nổi bật là Trương Đình Hoàng, võ sỹ rất được mến mộ.
Năm 2018 Đình Hoàng thi đấu với một võ sỹ rất mạnh từ Úc và chỉ thua đáng tiếc do tính điểm. Nhưng đến năm 2019 cũng ở sự kiện Boxing nhà nghề (Victory 8) Đình Hoàng đã đánh bại đối thủ từ Hàn Quốc. Đến SEA Games vừa rồi Hoàng cũng thắng thuyết phục võ sỹ rất mạnh của Phililippines (John Marvin) và đầu tháng trước Hoàng cũng bảo vệ thành công đai vô địch WBA Asia.
Bên cạnh, những cái tên kể trên chúng ta còn nhiều võ sỹ tiềm năng nữa. Nhưng quan trọng là chúng ta đã định hướng đúng cho các VĐV, đó là tiếp cận con đường Boxing chuyên nghiệp. Khi các VĐV đã đấu chuyên nghiệp họ sẽ dày dạn kinh nghiệm trận mạc và giờ khi bước lên sàn sẽ tự tin đối đầu các võ sỹ đến từ các cường quốc Boxing khác trong khu vực, châu lục. Ngoài ra, các VĐV nữ cũng là thế mạnh của chúng ta, như Nguyễn Thị Tâm, Hà Thị Linh, hay Thu Nhi..., đều là những chiến binh dũng cảm.
Đáng chú ý những CLB nhà nghề đều rất thích và muốn sở hữu những VĐV Boxing Việt Nam, ví dụ vừa rồi One Championship rất muốn có chữ ký của VĐV Nguyễn Thị Tâm. Rồi Hoàng và Đương cũng được nhiều CLB để mắt tới.
Tôi nghĩ đây là lộ trình, một bước đi rất đúng đắn và nếu tiếp tục phát triển theo đó thì các bên đều có lợi. VĐV sẽ được hưởng lợi, các đơn vì quản lý, đào tạo, tìm kiếm VĐV có lợi, doanh nghiệp tham gia xã hội hóa thể thao cũng có lợi và sau cùng NHM cũng được lợi khi có cơ hội theo dõi, thưởng thức nhiều hơn những trận boxing chuyên nghiệp, chất lượng".
->>> Tuyển thủ Boxing SEA Games, Nguyễn Văn Đương sẽ trở thành võ sĩ chuyên nghiệp vào năm 2020
Trong xu thế chung hiện nay, các môn thể thao muốn phát triển lên đỉnh cao thì phải huy động được nguồn lực xã hội hóa sâu rộng, vậy Boxing Việt Nam đã nhận được những sự ủng hộ từ mô hình xã hội hóa ra sao, thưa ông?
"Luật Thể dục thể thao đã có điều luật sửa đổi qua đó khuyến khích các tổ chức xã hội, cá nhân cùng làm thể thao và phát triển thể thao, trong đó có thể thao chuyên nghiệp. Như chúng thấy đã có Bóng đá chuyên nghiệp, Golf nhà nghề, và nhiều môn thể thao chuyên nghiệp khác. Với Boxing, là một trong những môn có tiềm năng phát triển theo mô hình chuyên nghiệp, thể thao giải trí.
Boxing đã phát triển rất mạnh ở châu Âu, Mỹ, và hiện nay ở châu Á có Thái Lan, Philippines hằng tuần hằng tháng họ đều có những trận đấu tại đường phố, tại các nhà thi đấu. Ở Singapore thì có những trận đấu tại khách sạn nổi tiếng Marina Bay, còn ở Mỹ đều đặn hằng tuần hằng tháng ở Las Vegas đều có những trận đấu mà chỉ những VĐV đỉnh cao, nhà nghề, đạt những tiêu chuẩn trình độ khắt khe mới có thể góp mặt.
Hiện nay Việt Nam đã có một vài VĐV Boxing nhà nghề có trình độ nhất định, như là Hoàng, Tâm hay Đương, có thể cùng đẳng cấp với những võ sỹ hàng đầu từ Thái Lan, Úc hay Philippines. Đã có một vài tổ chức quyền Anh nhà nghề, ví dụ từ Hàn Quốc, họ đã sang đây ký thỏa thuận sẽ giúp đào tạo các VĐV nhà nghề Việt Nam trong đó có việc gửi HLV, chuyên gia sang dạy, gửi trang thiết bị giúp xây dựng những võ đường chuyên nghiệp, rồi tổ chức các trận đấu ở Hàn Quốc và mời võ sỹ Việt Nam sang thi đấu.
Gần đây nhất có đơn vị từ Singapore, đó là One Championship, họ rất muốn sở hữu chữ ký của vài VĐV Boxing Việt Nam để hai bên cùng hợp tác phát triển. One Championship có thể sắp xếp cho các VĐV Việt Nam mỗi năm 6 trận đấu đỉnh cao với những đối thủ giỏi đến từ quốc gia khác. Điều này hứa hẹn giúp các võ sỹ Boxing Việt Nam nâng tầm kinh nghiệm, trình độ, và tất nhiên cả thu nhập cá nhân cũng sẽ được nâng lên rất cao".
Ông mới nhắc đến việc những CLB nhà nghề đã để mắt tới và muốn sở hữu một vài VĐV Boxing hàng đầu Việt Nam hiện nay. Vậy có mâu thuẫn, vướng mắc hay không trong việc quản lý VĐV, giữa Tổng Cục TDTT, cơ quan chủ quản của VĐV, CLB nhà nghề, và nếu có hướng tháo gỡ sẽ ra sao, thưa ông?
"Chúng tôi khuyến khích và ủng hộ những chủ trương tốt nhất giúp VĐV phát triển. Còn VĐV đi theo hướng phát triển nào, ký kết với ai, thi đấu những giải nào đều có những điều khoản hợp đồng ràng buộc rõ ràng lợi ích các bên liên quan gồm đơn vị quản lý VĐV, chính VĐV và đơn vị tổ chức thi đấu nhà nghề. Ba bên phải ngồi lại, thống nhất với nhau đi đến một thỏa thuận chung mà chúng ta hay gọi là thỏa thuận khung. Khi các bên thống nhất rồi thì thực hiện sẽ rất đơn giản.
Ví dụ như trường hợp của Nguyễn Văn Đương, VĐV này một mặt thi đấu các trận boxing chuyên nghiệp cho các CLB nhà nghề, nhưng khi đơn vị chủ quản cần Đương thi đấu ở các giải trong hệ thống quốc gia, hoặc khi làm nghĩa vụ ĐTQG thì Đương sẽ quay về phục vụ.
Chúng tôi tạo cơ chế thông thoáng để VĐV thực hiện được quyền lợi nghĩa vụ tốt nhất cho đơn vị chủ quản, làm hình ảnh nhiệm vụ quốc gia, và bên cạnh đó phát huy theo hướng phát triển nhà nghề để VĐV có thu nhập tốt hơn, cuộc sống tốt hơn, phát triển sự nghiệp tốt hơn".
Xin cảm ơn ông!
Tình huống Văn Đương đấm K.O Chatchai Butdee giành vé dự Olympic 2020