Sau những cái chết, Boxing có thể an toàn hơn?

Thành Dương
thứ sáu 26-7-2019 10:00:00 +07:00 0 bình luận
Tuần vừa qua, làng Boxing thế giới đã chứng kiến liền hai cái chết đáng buồn. Những cái chết này đã đặt ra một câu hỏi: Làm thế nào để Boxing có thể an toàn hơn?

Tuần vừa rồi đã đánh dấu một tuần ảm đạm của làng Boxing thế giới. Hai tay đấm Maxim Dadashev và Hugo Santillan, một người ở Nga, một người ở Argentina, một người 27 tuổi, một người mới 23, nhưng đều có một điểm chung: họ đều ra đi bởi những cú đấm khốc liệt trên sàn Boxing, khi mà tuổi đời vẫn còn quá trẻ.

Đây không phải là lần đầu tiên những cái chết trên sàn đấu được đề cập. Theo thống kê của cựu võ sĩ Manuel Velazquez - người đã dành hàng chục năm để thu thập dữ liệu về những tai nạn diễn ra trên sàn đấu Boxing, thì từ những năm 1890 đến 2019, 1.875 tay đấm đã tử vong vì những hậu quả từ các trận đấu Boxing. Trước đó, có 266 ca tử vong khác được ghi lại từ năm 1740 đến năm 1889 - thời đại hoàng kim của những trận đấu tay trần không găng.

Đứng trước những cái chết đau lòng này, một câu hỏi vẫn luôn được đặt ra: Làm thế nào để Boxing có thể an toàn hơn?

Trong năm 2017, đã có đề xuất về việc gắn cảm biến (sensor) vào găng để đo sức công phá của những cú đấm, giúp tính toán một phần mức độ nguy hiểm để cảnh báo khi võ sĩ đã nhận đòn quá nhiều. Tuy nhiên, do giá thành quá đắt đỏ và những khó khăn trong việc xác định các công thức tính toán, đây là một đề án vẫn cần nhiều nghiên cứu trước khi triển khai.

Trước lúc công nghệ đó có thể được đưa vào ứng dụng, ta nên xét đến những nhân tố khác hoàn toàn có thể khiến Boxing an toàn hơn - những con người tại sàn đấu.

Sau những cái chết, Boxing có thể an toàn hơn?

Tay đấm người Nga Maxim Dadashev đã qua đời do xuất huyết não sau trận đấu tuần qua

Vào năm 1980, trận đấu "No más" kinh điển Sugar Ray Leonard vs. Roberto Durán II đã gây tiếng vang lớn trong giới Boxing.

Thông thường, một võ sĩ luôn được dạy rằng anh ta/ cô ta không bao giờ có quyền bỏ cuộc trước mọi khó khăn, mọi đau đớn mà họ gặp phải trên sàn đấu. Họ phải vượt qua chúng bằng niềm tin chiến thắng mãnh liệt. Đến tận giờ, người ta vẫn ca ngợi những võ sĩ sẵn sàng bán máu suốt hơn 40 phút thi đấu là những người có tinh thần của một chiến binh, trong khi hành động bỏ cuộc đồng nghĩa với việc võ sĩ sẽ bị coi thường bởi khán giả, sẽ phải nhận những cái lắc đầu đầy thất vọng từ đồng đội và gia đình.

Nhưng ngày hôm đó, Roberto Durán, sau khi cảm thấy mình đã lãnh đủ từ những cú đấm nặng nề của Sugar Ray Leonard, đã chủ động quay lưng về phía đối thủ và vẫy tay với trọng tài Octavio Meyran. Ông nói "No más" - "Dừng lại" - và chấp nhận thua bằng TKO ở 2:44 hiệp 8.

Hành động chịu thua này của Roberto Durán đã gây ra hàng loạt phản ứng trái chiều khi ông đi ngược lại cái gọi là "tinh thần chiến binh" ở thời điểm đó. Cả người quản lý, HLV, đồng đội, và sau đó đến chính Roberto Durán cũng phải méo mặt "đính chính" lại rằng ông chịu thua vì... đau bụng chứ không phải vì đã loạng choạng trước cú jab trái của Sugar Ray Leonard.

Sau những cái chết, Boxing có thể an toàn hơn?

Thông thường, một võ sĩ luôn được dạy rằng anh ta không bao giờ có quyền bỏ cuộc trước mọi khó khăn, mọi đau đớn; phải vượt qua chúng bằng niềm tin chiến thắng mãnh liệt

Nhưng có thật là một võ sĩ nên duy trì "tinh thần chiến binh" đến tận giới hạn cuối cùng?

Hai tay đấm tử nạn trong tuần qua, Maxim Dadashev và Hugo Santillan đều có những dấu hiệu tổn thương thần kinh, như đau đầu, choáng váng, xây xẩm mặt mày, tầm nhìn rối loạn từ sớm.

HLV của Dadashev đã khuyên anh dừng lại khi tầm nhìn của anh bị rung lắc, nhưng bản thân tay đấm người Nga cứ nằng nặc đòi đấu tiếp. Santillan đã chảy máu mũi và choáng váng từ hiệp 4, cũng vẫn quyết tâm chiến đấu cho đến khi trọng tài công bố kết quả. Hai nhân mạng ấy hoàn toàn có thể được sống nếu họ, và đội của họ, biết nói câu "Dừng lại" - "No más" - như Roberto Durán trước khi mọi thứ trở nên quá muộn.

Sau những cái chết, Boxing có thể an toàn hơn?

Võ sĩ cũng như các cornerman nên đủ dũng cảm để dừng trận đấu lại trước khi những tổn thương não bộ đi quá xa

Việc thay đổi văn hóa thi đấu của một môn thể thao gây tiếng vang nhờ sự bạo lực hẳn sẽ rất khó, và chắc chắn sẽ không nhận được sự đồng thuận từ phần lớn khán giả say máu. Nhưng bản thân người võ sĩ cũng như các cornerman mới là những người trực tiếp chịu trách nhiệm về sự nghiệp của họ. Chịu thua ở một trận, để có thể tiếp tục thi đấu ở những trận đấu khác, chẳng lẽ như vậy là không nên?

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm