Từ nghiệp dư lên chuyên nghiệp thế giới, khoảng cách từ mặt đất lên cung trăng

N.Đ
thứ hai 24-6-2019 23:00:00 +07:00 0 bình luận
Nếu chỉ nói về cái danh nghiệp dư và chuyên nghiệp, thành thực mà nói, cái danh chuyên nghiệp nó không quá khó để đạt được. Tuy nhiên, nếu nói về trình độ giữa nghiệp dư và chuyên nghiệp thật sự, khoảng cách giữa hai khái niệm này là rất xa.

Chuyện cái danh chuyên nghiệp 

Thời công nghệ 4.0, mọi thứ đều đã được số hóa, kể cả những mẫu đơn đăng ký thi đấu chuyên nghiệp. Trên trang chủ của hội đồng quyền anh thế giới WBC đã có hẳn một mục riêng các mẫu đơn đăng ký hợp tác với tổ chức trên các danh nghĩa nhà tổ chức, nhà quảng bá, trọng tài, võ sĩ chuyên nghiệp,... Đương nhiên, để được một tổ chức uy tín như WBC công nhận, bạn phải bỏ ra một mức phí đã quy định theo các bản hợp đồng mẫu cho trước.

Sự khác nhau về hình thức duy nhất mà trình độ chuyên nghiệp và nghiệp dư chính là ở luật thi đấu. Thuở trước, luật nghiệp dư AIBA Boxing cho phép các võ sĩ mang nón bảo hộ (hiện nay đã bãi bỏ) và thi đấu 3 hiệp 3 phút, thì đối với trình độ chuyên nghiệp, võ sĩ phải thi đấu ít nhất 4 hiệp trở lên và 12 hiệp với các trận tranh đai. Tuy nhiên, với những võ sĩ chuyên nghiệp yếu, 4 hiệp 3 phút có lẽ đã là quá đủ.

Từ nghiệp dư lên chuyên nghiệp thế giới, khoảng cách từ mặt đất lên cung trăng

Trang chủ của WBC chứa tất cả những giấy tờ cần thiết để giúp bạn hợp tác với WBC

Ngoài ra, không chỉ có WBC, Boxing còn rất nhiều tổ chức khác mà bạn có thể đăng ký tham gia với cùng một công thức: đóng một khoản phí, kiểm tra sức khỏe,... và rồi trở thành võ sĩ chuyên nghiệp hẳn hoi với thành tích được ghi vào Boxrec.

Như vậy, có thể nói rằng, cái danh chuyên nghiệp hay nghiệp dư vốn chỉ mang tính hình thức. 

Câu chuyện trình độ chuyên nghiệp

Bước đến câu chuyện về trình độ chuyên nghiệp, bỏ qua cái danh chuyên nghiệp mà mọi người nói đến, trình độ chuyên nghiệp lại ở một đẳng cấp khác hẳn với trình độ nghiệp dư. Trong khi các võ sĩ nghiệp dư chỉ cần một HLV và những bài tập cường độ cao, thì đối với các võ sĩ chuyên nghiệp, họ cần nhiều hơn thế... rất nhiều.

Lấy ví dụ từ Tony Jeffries, cựu võ sĩ chuyên nghiệp người Anh. Sở dĩ tôi chọn Tony Jeffries vì bởi, Tony không quá nổi tiếng và trình độ của anh chỉ ở mức tiềm năng, chưa phải là những huyền thoại như Mike Tyson, Floyd Mayweather hay Lomachenko. Tony Jeffries chỉ là một võ sĩ chuyên nghiệp bình thường như những tay đấm tầm trung khác, và anh chỉ trở nên nổi tiếng sau khi giải nghệ bằng cách đăng những video chia sẻ kỹ thuật thực tế.

Từ nghiệp dư lên chuyên nghiệp thế giới, khoảng cách từ mặt đất lên cung trăng

Tony Jeffries là hình mẫu nổi bật để nói về cuộc sống của võ sĩ chuyên nghiệp tầm trung

Tony Jeffries đã từng chia sẻ về một vết khâu ẩu đã lấy đi 1 tỉ đồng của anh. Câu chuyện là khi chuẩn bị tập luyện cho trận đấu tiếp theo, Tony Jeffries đã phải tập luyện chung với vết cắt còn chưa cắt chỉ gây ra ở trận đấu trước đó. Nhưng khi đến gần ngày đấu, một tai nạn đã khiến vết cắt bung chỉ và khiến vết thương trở nên toe toét. Hậu quả là ngôi sao tiềm năng của nước Anh phải chịu tổng thiệt hại lên đến hơn 1 tỉ đồng do các chi phí về huấn luyện, tập luyện, bạn tập sparring, massage hồi phục, bác sĩ tâm lý và cuối cùng là một trận đấu bị bỏ lỡ... Và đó là đối với riêng Tony Jeffries, tay đấm còn chưa được chạm tay đến chức vô địch lớn nào của thế giới.

Những chi phí cho việc tập luyện chuyên nghiệp

Rất nhiều người lầm tưởng rằng luyện tập chuyên nghiệp chỉ là tập luyện cường độ cao hơn tập luyện nghiệp dư. Đúng nhưng rất thiếu sót. Cơ thể con người vốn là một bộ máy phức tạp với khả năng nạp và xả năng lượng cũng phức tạp không kém. Các bộ phận vận động của cơ thể như cơ bắp, gân, xương, khớp,... cũng phối hợp với nhau phức tạp không kém để có thể tạo ra được chuỗi vận động hoàn hảo nhất. Và việc tập luyện là việc lặp đi lặp lại các chuỗi động tác để cơ thể ghi nhớ được các vận động đó. Càng nâng cao cường độ tập luyện, ảnh hưởng của bài tập lên võ sĩ càng cao.

Dù vậy, việc nâng cường độ tập luyện lại đi kèm với một vấn đề nan giải khác: sự quá tải của cơ thể. Trong võ thuật nói riêng và thể thao chuyên nghiệp nói chung, vượt ngưỡng chính là ranh giới giữa tiến bộ và chấn thương. Do đó, võ sĩ chuyên nghiệp cần một chuyên gia hồi phục giỏi để nhận ra các bài tập đã gây quá tải đến các bộ phận nào trước khi chúng biến thành chấn thương.

Từ nghiệp dư lên chuyên nghiệp thế giới, khoảng cách từ mặt đất lên cung trăng

Bên cạnh những bài tập, võ sĩ cũng cần quan tâm đến vấn đề hồi phục sau buổi tập

Việc trao đổi chất của võ sĩ cũng quan trọng không kém, do đó, võ sĩ cũng cần thực phẩm bổ sung và những bữa ăn chuẩn đến từng gam dinh dưỡng trong đó để có thể đảm bảo sức khỏe cho võ sĩ tải đến hơn 4-5h vận động nặng mỗi ngày.

Công tác của đội ngũ HLV cũng không phải nhẹ nhàng, những HLV chuyên môn chiến thuật như Freddie Roach vẫn cần những HLV thể lực, HLV phát triển sức mạnh, tốc độ,... để hỗ trợ cho võ sĩ phát triển tối đa. Điều quan trọng nhất là các bài tập mà các HLV đưa ra phải hỗ trợ lẫn nhau và hỗ trợ mục đích tập luyện.

Bên cạnh đó, những võ sĩ chuyên nghiệp do luôn đưa cơ thể vào tình trạng cận quá tải kèm với hàng loạt những loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng,... do đó, võ sĩ có thể đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe khác nhau nếu như họ không có một bác sĩ chuyên nghiệp theo dõi sát sao những thay đổi nhỏ nhất của võ sĩ.

Từ nghiệp dư lên chuyên nghiệp thế giới, khoảng cách từ mặt đất lên cung trăng

TJ Dillashaw cùng với một núi thuốc hỗ trợ

Cuối cùng, nếu chỉ có tập luyện và tập luyện, một võ sĩ không thể có một tinh thần thoải mái, do đó, họ cần giải tỏa và cũng có cuộc sống riêng của họ. Những võ sĩ lại cần thêm những chi phí sinh hoạt riêng khác giúp tâm lý họ vững vàng khi lao vào tập luyện điên cuồng.

Một hướng đi khác của sự chuyên nghiệp

Nếu như việc trang trải cho tập luyện và chiến thắng ở chuyên nghiệp là quá tầm với cho nhiều võ sĩ thì cũng chẳng sao, Boxing chuyên nghiệp là danh cho tất cả mọi người.... Bạn vẫn có thể lên đài đánh để thua. Hãy học tập Kristian Laight, võ sĩ chuyên nghiệp người Anh với 279 trận thua trong sự nghiệp nhưng chỉ với 5 trận thua bằng KO. 

Từ nghiệp dư lên chuyên nghiệp thế giới, khoảng cách từ mặt đất lên cung trăng

Kristian Laight không còn quan tâm đến bảng thành tích đẹp nữa, thay vào đó, anh chỉ quan tâm đến tiền thưởng sau trận, Laight đã lấy số lượng bù chất lượng

Kritian Laight là dạng võ sĩ sẽ làm bạn tập sparring với bạn, cũng như sẵn sàng đóng vai "quân xanh" để các ông bầu thoải mái lựa chọn cho võ sĩ của họ có cơ hội tỏa sáng. Nói theo cách khác, Kristian Laight vẫn có thể kiếm sống bằng nghiệp đánh đài. Và đương nhiên, với một "freelance" tên tuổi như Laight, rất nhiều ông bầu tìm đến Laight cho một trận đấu dễ dàng. Laight dường như là võ sĩ hoạt động sôi nổi nhất ở đấu trường chuyên nghiệp thế giới.

Định nghĩa trần trụi về người võ sĩ chuyên nghiệp

Nếu một ai đó tự xưng là một chuyên gia, hãy chắc chắn rằng họ đang tự nuôi sống bản thân bằng chính lĩnh vực chuyên gia của họ. Võ sĩ cũng không ngoại lệ. Nếu đã là võ sĩ chuyên nghiệp, người đó phải tự nuôi sống được bản thân bằng cách này hay cách khác. Bạn có thể là ông hoàng của Boxing như Canelo Alvarez, hoặc bạn cũng có thể là một Kristian Laight "lót đường" chuyên nghiệp. Xét cho cùng, cả 2 con người đó, dù khác nhau, vẫn có một điểm chung là kiếm sống nhờ vào võ đài.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm