Pha vào bóng của Đoàn Văn Hậu & bản chất của thể thao

thứ hai 19-11-2018 15:45:03 +07:00 0 bình luận
“Biết là vậy, nhưng phải phải chơi vài lần cho nó nể chứ mình ngây thơ quá thì bị nó ăn hiếp đó” - một comment trên facebook nhằm bảo vệ Đoàn Văn Hậu về hành vi trả đũa đối với cầu thủ Malaysia trên sân Mỹ Đình cách đây mấy ngày.

"Biết là vậy, nhưng phải phải chơi vài lần cho nó nể chứ mình ngây thơ quá thì bị nó ăn hiếp đó" - một comment trên facebook nhằm bảo vệ Đoàn Văn Hậu về hành vi trả đũa đối với cầu thủ Malaysia trên sân Mỹ Đình cách đây mấy ngày.

AFF Cup 2018: Nếu ĐT Việt Nam không thua ĐT Myanmar, Đoàn Văn Hậu có nên tẩy thẻ?

Trên đây chỉ là một trong số rất nhiều những ý kiến tôi từng đọc được trong các bài viết trên mạng có xu hướng cổ vũ vận động viên máu ăn thua trong thể thao. Xét về nguyên thủy, thể thao được định nghĩa là các loại hình hoạt động thể chất và trò chơi có tính cạnh tranh, với mục đích sử dụng, duy trì cải thiện các kĩ năng và năng lực thể chất, đem lại niềm vui, hứng khởi cho những người tham gia và sự giải trí cho người xem.

Một trong những sứ mệnh quan trọng khác của thể thao còn là kết nối, xây dựng các mối quan hệ giữa con người với cộng đồng, giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Như vậy, bản chất thể thao là sự cao thượng, hào sảng chứ không phải thù hằn.

Pha vào bóng của Đoàn Văn Hậu & bản chất của thể thao   - Ảnh 2.

Thể thao có vai trò kết nối con người

Qua hàng ngàn, hàng trăm năm phát triển, ngày nay thể thao được cải biên thành các giải đấu, và cả thương mại hóa thể thao. Thể thao chẳng những được dùng để giải trí hay kết nối, mà còn có thể kiếm ra tiền. Điều này khiến tính cạnh tranh tăng cao, dẫn đến "máu ăn thua" cho cả người chơi và người theo dõi. Không phải ngẫu nhiên bóng đá được mệnh danh là môn thể thao vua bởi sức lan tỏa khủng khiếp của nó trên khắp hành tinh.

Tuy nhiên, thay vì tinh thần máu lửa và cạnh tranh một cách lành mạnh, đúng luật thì đôi khi tinh thần đó lại bị biến chất thành mối thù hằn, ăn thua đủ. Là một fan trung thành của đội tuyển, tôi vẫn thường rạo rực mỗi lần được đứng trên khán đài theo dõi ĐTQG thi đấu, máu nóng trong người chảy rần rần khi đặt tay lên ngực áo đỏ, đồng thanh hát vang bài Quốc ca thiêng liêng. Đó chẳng những là bóng đá, là thể thao, mà còn là tinh thần dân tộc.

"Chặt chân thằng đó cho taooo..."

Ấy vậy mà, trong những người cùng hát vang bài Quốc ca ấy, không biết tự hào dân tộc thế nào mà giữa trận cổ vũ đội nhà lâu lâu gào to: "Chặt chân thằng đó cho taooo...", hay "Chém chết *** thằng số 10 là đội nó hết đá...", rồi quay sang gây hấn với cổ động viên đội bạn bằng những lời lẽ tục tĩu. Vậy, có ai nghĩ đến rằng hậu quả sẽ ra sao nếu "cú đạp cho sướng chân" của Đoàn Văn Hậu gây ra chấn thương nặng cho cầu thủ Malaysia trong trận đấu vừa rồi???

Pha vào bóng của Đoàn Văn Hậu & bản chất của thể thao   - Ảnh 3.

CĐV đôi khi chính là "mồi lửa" để tạo ra cái đầu nóng của các cầu thủ

Bạn cho rằng "tại bọn nó chơi xấu, mình phải chơi lại nó mới ngán", xin thưa đây là một suy nghĩ vô cùng nông cạn và trẻ con, nói cho hả hê, nói cho sướng miệng mà không nghĩ đến hậu quả. Ai "chơi" ai, rồi ai sẽ "ngán" ai? Nên nhớ đây là thể thao, là bóng đá, là tinh thần thượng võ chứ không phải những cuộc thanh toán giang hồ chợ búa. Con người ai cũng thích cái đẹp, khán giả thường chửi cầu thủ chơi xấu nhưng sao lại cổ vũ họ chơi xấu?

Đồng ý rằng bóng đá là môn thể thao đối kháng, thế nên va chạm là điều không thể tránh khỏi. Cầu thủ chuyên nghiệp sẽ được tập các kỹ xảo và thậm chí cả "tiểu xảo" để trong trận đấu nhiều phen dùng tới. Chơi ở vị trí hậu vệ, cắt bóng, tì đè, cài người, tranh chấp, kéo áo hay chấp nhận phạm luật để ngăn cản đội bạn trong tình huống khung thành đội nhà bị đe dọa là điều bình thường.

Trên thế giới không ai có thể ghét Carles Puyol do chơi xấu dù anh đã chơi ở vị trí hậu vệ trên 600 trận cho CLB lừng danh Barcalona và hơn 100 trận cho đội tuyển Tây Ban Nha. Vậy nên nếu đổ thừa "do chơi hậu vệ" thì cũng là một lý do vô cùng ấu trĩ. Kỷ xảo, tiểu xảo và trả đũa hoặc các đòn cố tình ăn thua mang tính triệt hạ đối phương là hai phạm trù được phân định khác nhau rõ ràng trong bóng đá.

Đừng như thế nữa nhé, Hậu ơi!

Một chút về Đoàn Văn Hậu nói riêng, khả năng của em là không phải bàn cãi ở tuổi 19. Tôi yêu lối chơi bóng mạnh mẽ, hiện đại và tràn đầy sức sống của em, tuy nhiên những pha nóng nảy như thế cần phải bỏ ngay lập tức. Đây không phải lần đầu tiên tôi thấy Hậu vào bóng ác ý mang tính trả đũa hoặc triệt hạ đối phương. Trước đó là cú đạp thẳng ống đồng trong tình huống không cần thiết nhưng vô cùng nguy hiểm cho đôi chân cầu thủ Syria trong trận tứ kết với ASIAD 2018.

Pha vào bóng của Đoàn Văn Hậu & bản chất của thể thao   - Ảnh 5.

Văn Hậu (trái) phải vắng mặt ở trận gặp Hàn Quốc tại ASIAD 2018 vì nhận đủ quota thẻ phạt

Lần ấy Hậu may mắn thoát thẻ đỏ do trọng tài nhẹ tay, nhưng một thẻ vàng là đủ để em phải vắng mặt trận bán kết với Hàn Quốc. HLV Đinh Hồng Vinh – thầy cũ của Hậu tại VCK U20 World Cup cùng tôi chứng kiến pha bóng đó giật thót thốt lên rằng: "Thằng Hậu bậy quá".

Hãy thử tưởng tượng những pha "chơi cho bõ ghét" đó nếu như mang lại chấn thương cho đội bạn, có lẽ Hậu cũng đã nhìn tấm gương đàn anh Quế Ngọc Hải khốn khổ như thế nào sau pha bóng làm gãy chân Anh Khoa. Biết đâu hôm rồi nếu cầu thủ Malaysia cũng gãy chỗ nào đó, đội tuyển mất người, Hậu cũng tự mình "đạp bay" vài cái hợp đồng quảng cáo béo bở, bởi những người làm kinh doanh như chúng tôi chẳng bao giờ mời tên tội đồ bị tẩy chay vì mang tiếng đá láo, chơi xấu quảng bá cho thương hiệu của mình.

Đời cầu thủ ngắn lắm, tiền kiếm được trong mười năm đá bóng không đủ lo cho trăm năm cuộc đời. Vậy nên hãy biết giữ gìn, cho màu cờ sắc áo của dân tộc, giữ gìn cho mình, cho hình ảnh "kiếm cơm" sau giải nghệ. Anh em cầu thủ đừng vì bồng bột nóng nảy hay vì lời cổ vũ ngu ngốc của "bọn" khán giả vô tâm mà đạp đổ bản chất thượng võ của bóng đá và cái đẹp của thể thao thuần túy, đạp đổ cả chính mình.

Nhận định bóng đá AFF Cup 2018 - Bảng A: ĐT Myanmar - ĐT Việt Nam

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm