Thế giới bóng đá ngày càng bị chi phối bởi đồng tiền và khao khát chiến thắng bằng mọi giá. Thế nhưng, một số vùng đất như Afghanistan vẫn nhắc nhở chúng ta rằng “việc được xỏ giày vào sân thi đấu đã là một chiến thắng lớn”.
Tiền đạo Sharifi, người đang có mặt tại Việt Nam thừa nhận rằng Afghanistan khó có thể trở thành một trong 12 quốc gia vượt qua vòng loại cuối cùng Asian Cup 2019 nhưng điều ấy không hề gây cản trở cho những nỗ lực.
“Các đội tuyển khác được chuẩn bị rất chu đáo. Cơ sở vật chất của chúng tôi ít hơn, nhưng chúng tôi sẽ không ngừng cố gắng và tin tưởng vào bản thân mình".
Chiến thắng sẽ đem lại điều tốt đẹp cho đất nước ở Nam Á nhưng đó không phải là điều quan trọng nhất. Sharifi lý giải: “Thật vui khi giúp nụ cười nở ra trên khuôn mặt mọi người, bởi vì chúng tôi đang sống để làm người dân quê hương hạnh phúc và tự hào”.
4 THẬP KỶ BÓNG ĐÁ SỐNG LAY LẮT GIỮA BOM ĐẠN
Câu trả lời của Sharifi mang đầy tính nhân văn như sự xoa dịu cho một đất nước gần 40 năm qua chưa bao giờ thôi buồn.
Như hàng tỷ con người khác ở địa cầu, người dân Afghanistan không muốn chiến tranh nhưng nó lại đến biến đất nước trở thành một bãi chiến trường. Thể thao ở quốc gia này vốn giàu tiềm năng nhưng cũng phải tạm dừng nhường chỗ cho nhu cầu cơ bản của con người: Sự sống.
Quốc gia Nam Á này là thành viên sáng lập Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) năm 1954, có một lịch sử lâu đời nhưng gần đây ít xuất hiện trên thế giới sau nhiều thập kỷ chiến tranh và nổi dậy. Người Afghanistan bắt đầu chơi bóng cách đây hơn 90 năm. Liên đoàn bóng đá quốc gia nước này (AFF) được thành lập năm 1922 và gia nhập FIFA năm 1948.
Trong suốt những năm 1950, 1960 và 1970, bóng đá nơi đây có sự phát triển ổn định. Thế nhưng, thời điểm Liên Xô chiếm đóng năm 1979 – 1989 và cuộc nội chiến kéo dài từ năm 1992 – 1996 đã ảnh hưởng đến sự phát triển.
Chính quyền Taliban trị vì đất nước này từ năm 1996-2001, họ hạn chế các hoạt động thể thao. Các SVĐ thể thao và SVĐ bóng đá được cho là sử dụng nhằm thực hiện các buổi hành quyết những người vi phạm luật trong phong trào Hồi giáo. Sau khi Mỹ lật đổ Taliban năm 2001, thể thao ở đây được phục hồi.
Kể từ khi chính quyền Taliban bị lật đổ năm 2001, người Afghanista đã phải vật lộn nhằm xây dựng lại đất nước. Năm 2014, Mỹ tuyên bố rút dần quân đội ra khỏi Afghanistan nhưng vẫn duy trì hàng nghìn quân. Trong khi đó, những người thuộc chính quyền Taliban cũ cũng các phần tử khủng bố như al-Qaeda hay Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) có thể thế chân vào. Một tương lai bất định là điều vẫn đang diễn ra đối với người dân nước này. Bóng đá cũng vậy.
NHỮNG GIẤC MƠ "CHẾT ĐUỐI" TRÊN BIỂN - CÂU CHUYỆN CỦA LALI
Cựu tuyển thủ Afghanistan, Ali Askar Lali, từng giới thiệu về đất nước mình là “một cảm giác không thể diễn tả”. Ông là thành viên của đội tuyển Afghanistan lọt đến tứ kết giải trẻ châu Á năm 1977. Hai năm sau, Liên Xô xâm lược Afghanistan, kéo theo chiến tranh.
“Cuộc sống của tôi đang gặp nguy hiểm”, ông nói. “Tôi đã bị bắt hai lần, việc tôi không bị giết thật sự là một phép lạ”.
Lali giống như hàng triệu người dân khác đã buộc phải trốn chạy khỏi Afghanistan. Lần đầu tiên ông đến Iran, sống ở đó 9 tháng trước khi chuyển tới Đức, nơi ông tiếp tục sự nghiệp bóng đá ở cấp CLB.
“Tôi là một tuyển thủ quốc gia. Tôi là một sinh viên. Thế nhưng, khi giấc mơ còn chưa được thực hiện trọn vẹn thì tôi đã buộc phải rời bỏ quê hương yêu dấu của mình”, Lali nói. “Thật không bao giờ dễ dàng khi để lại mọi thứ ở sau lưng và bắt đầu một hành trình mới”.
Lali đã không bao giờ chơi cho đội tuyển quê hương thêm một lần nào. Thật đáng buồn khi có nhiều cầu thủ tài năng cũng giống như ông, những người chưa bao giờ thực hiện trọn vẹn giấc mơ bởi hoàn cảnh đã vượt khỏi tầm kiểm soát của họ.
Lali chia sẻ: “Nhiều cầu thủ đã chọn cách rời khỏi Afghanistan. Một vài người đã biến mất không dấu tích. Một trong những cầu thủ tốt nhất của Afghanistan, Hafiz Qadami, đã bị chết đuối trên đường tới Australia”.
Đó là một câu chuyện đau buồn, những giấc mơ “chết đuối” trên biển. Bi kịch hơn, trong thời điểm ấy, sự buồn bã đã trở nên quá quen thuộc ở Afghanistan.
CẦU THỦ BÓNG ĐÁ VỚI CHIẾC VÍ VÀ CÁI BỤNG RỖNG - CÂU CHUYỆN CỦA BARAKZAI
Cựu HLV Liverpool, Bill Shankly, từng nói rằng bóng đá không phải là vấn đề của sự sống hay cái chết, nó quan trọng hơn thế nhiều. Thế nhưng, với một số người, được chơi bóng đá chính là vấn đề liên quan đến sự sống và cái chết.
Hashmatullah Barakzai lớn lên ở tỉnh Baghlan miền bắc Afghanistan trong thời kỳ chính quyền Taliban vẫn còn hoạt động mạnh (1996 – 2001). Không giống như một số đồng đội, Barakzai sống ở Afghanistan trong suốt sự nghiệp cầu thủ.
“Lớn lên giữa sự xung đột và mâu thuẫn, việc tập trung vào bóng đá là cực kỳ khó khăn đối với tôi”, ông nói.
Trong thời kỳ Taliban cầm quyền, mọi thứ rất khó để đoán trước. Sự an toàn bị kéo xuống mức âm, đặc biệt là trẻ em. “Để được chơi bóng, tôi luôn phải có bố và ông nội ở bên cạnh mình, họ sẽ bảo vệ tôi. Ngay cả một trận đấu đã phải dừng lại giữa trận vì xung đột ở các khu vực lân cận có thể bùng nổ bất ngờ. Tôi là một đứa trẻ khi ấy và sự sợ hãi choán lấy tâm trí tôi bất cứ khi nào tiếng súng nổ”, Barakzai nhớ lại.
Ngoài ra, Barakzai còn phải đối mặt với nhiều khó khăn khác. Đó là những chiếc ví rỗng tuếch, sự khan hiếm thức ăn. Cùng thời ấy, nhiều bạn bè và đồng đội của ông đã từ bỏ giấc mơ bóng đá.
“Đôi khi tôi vẫn tập luyện và chơi bóng mà không ăn sáng và cũng không ăn trưa”, Barakzai kể lại.
Bóng đá Afghanistan đã bắt đầu khởi sắc trở lại trong những năm gần đây. Đội tuyển quốc gia nam giành ngôi vô địch Giải đấu của Hiệp hội các quốc gia Nam Á (SAFF) năm 2013, hai năm sau họ giành ngôi Á quân.
Họ tiếp tục xếp thứ 4 tại vòng loại thứ hai World Cup 2018 khu vực châu Á. Kết quả ấy giúp Afghanistan tiếp tục tham dự vòng loại cuối cùng Asian Cup 2019. Những mầm xanh đã bắt đầu nảy nở trên trái bóng Afghanistan.
HỒI SINH
Sự vươn lên của Afghanistan trong thế giới bóng đá đi kèm với sự phát triển của Giải VĐQG Afghanistan Premier League (APL) vào năm 2012. Giải đấu ngắn nhất của thế giới, chỉ có 6 trận đấu cho các đội tham dự bao gồm cả trận chung kết. Tuy nhiên, tác động của nó hết sức sâu sắc.
“APL đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển bóng đá ở Afghanistan”, Zia Aria, phó ủy viên của APL chia sẻ.
“Chúng tôi đã chứng kiến những cầu thủ từ Heart, miền tây Afghanistan, sang chơi cho De Spinghar Bazan, một đội đại diện cho khu vực phía đông của đất nước. Đây là ví dụ hoàn hảo về sự gắn kết và sự thay đổi tích cực trong xã hội mà APL đem lại”.
Tuy nhiên, việc mở rộng giải đấu vẫn đối mặt với những thách thức. Ông giải thích: “Đó là thách thức đối với chúng ta khi ở trong vùng chiến tranh”.
“An ninh là thách thức lớn nhất đối với tất cả chúng ta, làm cho ngân sách của đất nước tăng lên rất nhiều khi chúng ta đầu tư và các nguồn lực an ninh và ngăn chặn sự phát triển của những dự án, chương trình bóng đá ở các tỉnh”.
“Ngoài ra không phải ai cũng cảm thấy an toàn khi đến xem các trận đấu tại SVĐ. Điều này ảnh hưởng đến doanh thu của chúng tôi qua việc bán vé. Bất chấp những thách thức này, chúng tôi vẫn tiến lên phía trước và tiếp tục tiến lên để duy trì sự thành công và hy vọng và sự sống”.
Bóng đá Afghanistan trong 7 năm trở lại đây đã được chứng kiến những khoảnh khắc lịch sử khi cả dân tộc cùng hòa chung niềm hạnh phúc.
Trận thắng Ấn Độ và giành chức vô địch ở SAFF năm 2013 đánh dấu cột mốc lịch sử cho bóng đá Afghanistan. Người dân nước này tụ tập ở nhà riêng, nhà hàng, văn phòng và thậm chí ở các khu chợ nhỏ để theo dõi trận đấu.
Văn phòng Tổng thống Hamid Karzai đã tweet một bức ảnh chụp khi ông xem các cầu thủ ăn mừng chiến thắng. Cơ quan tình báo của Afghanistan cũng đã đăng một lời chúc mừng đội tuyển giành chức vô địch.
Đầu năm nay, CLB Shaheen Asmayee có trụ sở tại thủ đô Kabul vừa tạo nên lịch sử khi trở thành đội bóng đầu tiên của Afghanistan tham dự một giải đấu của AFC. Shaheen Asmayee, nhà vô địch Giải Ngoại hạng Afghanistan năm 2016 là một trong những đội bị đánh giá thấp nhất ở vòng sơ loại. Họ chạm trán với CLB Khosilot của Tajikistan ở vòng play-off.
CLB của Afghanistan đã thất bại nhưng hiệu ứng lan truyền tự sự kiện này vẫn là một bước tiến lớn của bóng đá ở quốc gia Nam Á. Bóng đá với người dân Afghanistan là thứ thuốc xoa dịu nỗi đau và khơi gợi niềm tự hào, để truyền tải thông điệp mà Afghanistan còn thiếu thốn: Hòa bình.
Sự hiện diện của nhà tài trợ Hummel (Đức)
Sự hợp tác giữa Liên đoàn bóng đá Afghanistan (AFF) và Hummel bắt đầu từ năm 2010 nhằm mục đích đem lại tương lai tươi sáng hơn thông qua các trận đấu bóng đá. Hummel là nhãn hàng chuyên về trang phục thể thao của Đức và chính họ cũng dẫn lối để HLV lão làng Otto Pfister đến với đội tuyển quốc gia Afghanistan.
“Change the world through sport” là slogan của Hummel và việc tài trợ cho Afghanistan là một phần quan trọng. Hummel là nhà tài trợ chính thức đầu tiên cho tất cả các đội tuyển bóng đá quốc gia của Afghanistan. Sự tài trợ bao gồm cung cấp trang thiết bị thể thao, hỗ trợ sự phát triển cho các đội tuyển quốc gia bao gồm cả đào tạo trẻ.
Afghanistan hiện tại có một hệ thống giải đấu cho cả nam và nữ, bao gồm cả các cấp độ trẻ với hơn 10.000 cầu thủ.
Năm 2012, Hummel mở rộng phạm vi tài trợ và trở thành nhà tài trợ cho giải VĐQG Afghanistan Premier League (APL). Giải đấu khi đó bao gồm 8 đội, trở thành một trong những sự kiện thể thao lớn nhất ở quốc gia này. Một cột mốc quan trọng khác đối với bóng đá Afghanistan là chiến thắng 3-0 trước người láng giềng Pakistan năm 2013.
Liên đoàn bóng đá Afghanistan (AFF) giành giải thưởng FIFA Fair Play năm 2013 cho việc sử dụng bóng đá nhằm thúc đẩy hòa bình và sự đoàn kết. Năm 2013, họ cũng giành chức vô địch SAFF với chiến thắng 2-0 trước Ấn Độ ở trận đấu quyết định. Một trong những sự kiện lịch sử của Afghanistan khi bóng đá giúp mọi người ăn mừng chiến thắng cùng nhau bất chấp nguồn gốc sắc tộc khác nhau.